Phát huy lợi thế đường sông
Vào tháng 3-2024, Bộ Tài chính đã công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại Cảng cạn Thạnh Phước (TP.Tân Uyên). Đây được coi như một “nút mở” khai thông tiềm năng logistics tại Bình Dương nói chung và TP.Tân Uyên nói riêng. Ông Nguyễn Trần Hiệu, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI, cho biết theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 Cảng cạn Thạnh Phước nằm trên hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước - TP.Hồ Chí Minh, có kết nối với đường ĐT747A, Quốc lộ 13 và đường thủy nội địa sông Đồng Nai, có năng lực khai thác tới năm 2030 đạt 100.000-170.000 TEU/năm và nằm gần vị trí kết nối với 14 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp lớn ở TP.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên như KCN Việt Nam - Singapore 2A, KCN Việt Nam - Singapore 3, KCN Đất Cuốc... và kết nối một số cảng quan trọng như Cảng Tổng hợp Bình Dương, Cảng Hiệp Phước, Cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh), Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải…
Theo các doanh nghiệp, việc Cảng cạn Thạnh Phước trở thành địa điểm làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, giờ đây doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại Cảng Thạnh Phước. Từ đó rút ngắn được thời gian vận chuyển, giảm chi phí, giảm tải cho các cảng tại TP.Hồ Chí Minh, giảm ùn tắc giao thông…
Với vị trí thuận lợi, là địa bàn quan trọng của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, TP.Tân Uyên đang ngày càng tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Tính đến nay, thành phố đã thu hút được 2.722 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 57.733 tỷ đồng và 1.120 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 6,85 tỷ đô la Mỹ.
Tạo sức bật trong giai đoạn mới
Để trở thành đô thị năng động, giàu đẹp, văn minh, TP.Tân Uyên đang tập trung cho công tác quy hoạch đô thị. Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch Tân Uyên định hướng đến năm 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; đến năm 2040 là đô thị dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông cấp vùng và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, có công nghệ cao. Còn theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP.Tân Uyên được chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Hiện nay, TP.Tân Uyên đang quyết liệt triển khai Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tham mưu định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho TP.Tân Uyên, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra các loại hình như du lịch cộng đồng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp dã ngoại, thể thao, giải trí, du lịch học tập trải nghiệm. Trong đó, thành phố cần tận dụng ưu thế tiếp giáp sông Đồng Nai, với tiềm năng là các khu di tích lịch sử - văn hóa cù lao Rùa, Khu di tích Vĩnh Lợi, các cơ sở sản xuất gốm sứ, mây tre lá, cùng với nhà vườn sinh thái tại cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội…
Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, có thể nói Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là bước đột phá mới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch thành phố, thu hút đầu tư, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương và phát triển cộng đồng. Đề án góp phần định hướng việc phát triển ngành du lịch cho địa phương, là 1 trong 3 trụ cột phát triển trong chiến lược phát triển đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch; trong đó du lịch sinh thái là nòng cốt.
Cùng với đó, phát huy lợi thế nằm cạnh sông Đồng Nai, TP.Tân Uyên cũng quy hoạch khu đô thị cảng - dịch vụ logistics với diện tích khoảng 2.286 ha tại phường Thạnh Phước và một phần phường Thái Hòa, phường Khánh Bình. Chức năng khu đô thị cảng và logistics phục vụ cho các KCN của Bình Dương và các vùng lân cận. Đặc biệt, khu vực lõi đô thị 330 ha đầu tư Cảng Thạnh Phước, Cảng Thái Hòa và phát triển các dịch vụ thương mại cấp khu vực, dịch vụ logistics; phát triển các loại hình ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh dọc sông Đồng Nai và suối Cái; phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái; phát triển cảng dọc sông Đồng Nai.
TP.Tân Uyên đang khẩn trương thực hiện chỉnh trang đô thị, tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung như cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường đi Cảng Thạnh Phước và cầu Bạch Đằng 2, mở rộng đường ĐT742, ĐT747A... đi qua địa bàn thành phố; khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị. Thành phố tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường như Đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, Đại lộ Nam Tân Uyên, đường đi Cảng Thạnh Phước, cầu Thạnh Hội 2; xây dựng các khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics kết hợp cảng sông.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết để cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, TP.Tân Uyên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng; khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần tạo ra thế và lực mới thúc đẩy sự phát triển của TP.Tân Uyên trong thời gian tới. |
NGỌC THANH
Nguồn: https://baobinhduong.vn/tp-tan-uyen-khai-thac-hieu-qua-loi-the-duong-song-a344466.html
Bình luận (0)