Theo tờ trình, TPHCM dự kiến đến năm 2030, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thành phố đạt khoảng 27 - 30 m2/người, đến năm 2040 đạt khoảng 30 - 32 m2/người. Định hướng phát triển nhà ở gắn với quá trình phát triển mở rộng đô thị; cải tạo chỉnh trang và tái thiết các khu vực trong thành phố nhằm nâng cao điều kiện ở và chất lượng sống của người dân đô thị, nông thôn.
Cụ thể, đối với khu dân cư hiện hữu tùy theo điều kiện từng khu vực sẽ khuyến khích hợp thửa, tái điều chỉnh đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng tầng cao xây dựng và tăng tỷ lệ không gian thoáng trong các khu vực có mật độ xây dựng cao; bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nâng cao chất lượng môi trường sống. Đồng thời, thành phố sẽ hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc chia tách thửa, chức năng sử dụng đất đối với các khu vực nhà ở trong các khu vực trung tâm hiện hữu, các khu dân cư có mật độ cư trú cao. Tập trung di dời và tái phát triển các khu vực ven và trên kênh rạch kết hợp tái định cư tại chỗ; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, xây dựng giải pháp phân bố dân cư hợp lý tại các khu vực quy hoạch, cân đối tại chỗ để đáp ứng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh...
Đối với khu dân cư xây mới, TPHCM sẽ phát triển nhà ở chung cư chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình xây dựng nhà ở mới. Khuyến khích phát triển theo mô hình đô thị nén, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; gắn với việc hình thành, mở rộng các khu vực có nhu cầu sử dụng lao động như khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ, trường đại học...

Về nhà ở xã hội, TPHCM phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở công nhân, nhà ở học sinh, sinh viên... đồng bộ với việc phát triển các trung tâm đào tạo, khu công nghiệp, khu chế xuất tại các phân vùng phát triển của thành phố. Ưu tiên phát triển quỹ nhà ở chi phí thấp và nhà ở cho thuê, xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên; xây dựng quỹ nhà ở chính sách (dành cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng).
Đối với các khu dân cư nông thôn, thành phố sẽ kiểm soát việc mở rộng, xây dựng nhà ở tại khu dân cư nông thôn hiện hữu nhằm quản lý sử dụng đất hiệu quả, đúng chức năng sử dụng đất, tạo lập hình thái kiến trúc khu vực nông thôn có bản sắc. Khuyến khích bảo tồn, tôn tạo kiến trúc nhà ở truyền thống; nghiên cứu phát triển các mẫu nhà ở mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, mô hình sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu….
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tphcm-dinh-huong-phat-trien-nha-o-trong-tuong-lai-post794526.html
Bình luận (0)