Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TPHCM mới sẽ xứng tầm với Singapore, Thượng Hải

(Dân trí) - "Tôi có hy vọng rất lớn, TPHCM mới sẽ là một Singapore hoặc Thượng Hải của Việt Nam. Một TPHCM thì chưa đủ sức, nhưng kết hợp với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chắc chắn được", bà Phạm Chi Lan nói.

Báo Dân tríBáo Dân trí07/05/2025

1.webp

Một tương lai tươi sáng của TPHCM sau sáp nhập được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nêu ra tại tọa đàm của báo Dân trí với chủ đề "50 năm thống nhất - Khát vọng vươn mình".

Tương lai này được vẽ nên với những thế mạnh hiện hữu của cả TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu biết cách phát huy, sẽ tạo động lực phát triển rất lớn.

2.webp

Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, Trung ương nhất trí việc hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM; lấy tên là TPHCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TPHCM.

Với TPHCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định trong những năm gần đây, nhất là từ khi được Quốc hội trao cho cơ chế đặc thù để phát triển, TPHCM đang định hướng lại sự phát triển rất hợp lý.

"Những ý tưởng biến TPHCM thành một trung tâm tài chính quốc tế, tôi nghĩ hoàn toàn đúng, phù hợp và có lẽ trên cả nước, mỗi TPHCM có thể làm được việc đó", bà Lan nói và tái khẳng định, nếu Việt Nam muốn có một trung tâm tài chính quốc tế, đó phải là TPHCM.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, đầu tàu kinh tế của cả nước là nơi có đủ nguồn lực về con người và tất cả điều kiện cần thiết để hình thành trung tâm này. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ cần phải chuẩn bị thêm rất nhiều những yếu tố như đào tạo, xây dựng hệ sinh thái để trung tâm tài chính quốc tế có thể vận hành được.

Ngoài ra, theo góc nhìn của vị chuyên gia, TPHCM ngày càng chứng tỏ sức mạnh của việc chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng đào tạo của các trường đại học ở TPHCM về cả kinh tế, kỹ thuật, quản trị và nguồn nhân lực đang lên rất tốt, có sự liên thông để những người lao động có cơ hội học tập suốt đời, học tập liên tục để vượt lên.

Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, đã trở thành một trong những lĩnh vực dịch vụ được cả nước quan tâm, và theo đánh giá của bà Lan, TPHCM đang là nơi phát triển y tế tiên tiến nhất cả nước. Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều người nước ngoài đến chữa bệnh, thậm chí Việt kiều ở các nước tiên tiến cũng quay về TPHCM chữa bệnh, chứng tỏ trình độ, năng lực trong lĩnh vực y tế của đô thị lớn nhất nước đã ở đẳng cấp quốc tế.

Bà Phạm Chi Lan nhìn nhận đây là một lợi thế rất lớn của TPHCM.

3.webp

Về xu hướng tập trung cho đột phát phát triển khoa học công nghệ, bà Lan nhận định những ý tưởng thu hút đầu tư để phát triển công nghệ cao, TPHCM đã và đang làm được nhiều việc. Thực tế, hầu hết trường hợp khởi nghiệp tốt nhất cho người trẻ của Việt Nam đều ở TPHCM, theo lời bà Lan.

Cùng với đó là việc thu hút người Việt ở nước ngoài có công nghệ, kỹ năng, có thị trường, mối quan hệ tốt để phát triển các ngành mới, cũng tập trung chủ yếu ở TPHCM. Đưa ra một phép so sánh thực tế, bà Lan cho rằng sức hút của Khu công nghệ cao TPHCM lớn hơn rất nhiều so với Khu công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội. 

Với thế mạnh trên, cộng với việc sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định cả 3 nơi đều có những thế mạnh để có thể cộng hưởng và phát huy.

Đối với Bình Dương, bà Lan chia sẻ ấn tượng khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng tốp đầu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ cơ chế ở đây vận hành tốt và biết cách thu hút. Đến nay, Bình Dương vẫn là một trong những nơi có chỉ số PCI cao và khả năng thu hút đầu tư tốt nhất. 

Qua quan sát, bà Lan nhận định Bình Dương đang có sự điều chỉnh trong thu hút đầu tư và định hướng phát triển, thay vì sử dụng lao động giá rẻ như trước đây, địa phương thu hút ngày càng nhiều những dự án công nghệ cao và có giá trị gia tăng nhiều hơn.

Với Bà Rịa - Vũng Tàu, vị chuyên gia kinh tế đánh giá nơi này có thế mạnh tốt về hạ tầng, cảng biển và một số ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.

Khi TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập thành TPHCM mới, đây thực sự là một mô hình tuyệt vời cho định hướng phát triển mới mà cả nước đang hướng tới, đó là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Khi sáp nhập, tôi có một niềm hy vọng cực kỳ lớn rằng, TPHCM mới sẽ là một Singapore hoặc một Thượng Hải của Việt Nam trong tương lai. Một mình TPHCM thì chưa đủ sức, nhưng khi kết hợp với sức mạnh của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, chắc chắn sẽ làm được", bà Lan thể hiện niềm tin mãnh liệt vào việc này.

Bà cũng tin với hướng đi này, đầu tàu kinh tế của cả nước là TPHCM mới sẽ góp phần vào mục tiêu của cả nước để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

4.webp

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) cũng tin rằng, sau khi sáp nhập TPHCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị hành chính mới sẽ thừa hưởng những thế mạnh của 3 địa phương trước đây để tiếp tục giữ vị thế đầu tàu kinh tế cả nước.

Trong đó, TPHCM có thế mạnh về kinh tế - dịch vụ, Bình Dương là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế cảng biển và nhiều tiềm lực lớn khác.

"Khi sắp xếp đơn vị hành chính, tính tương thích càng cao thì bộ máy vận hành càng hoàn hảo, tăng được công suất so với trước đây", ông Nguyên nhận định.

Ông cũng lưu ý, từ khi hoàn thành sắp xếp đến thời điểm bộ máy vận hành hoàn hảo sẽ có độ trễ nhất định và còn những thách thức phải vượt qua. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh đây là việc cần làm để tạo đà cho kỷ nguyên mới.

5.webp

Tất nhiên, để đạt mục tiêu này, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh phải đổi mới về thể chế, bởi đây là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định. Thực tế, bà Lan cho rằng, ngay chính việc áp dụng cơ chế đặc thù mà Quốc hội trao cho TPHCM cũng có điểm nghẽn; việc thu hút đầu tư vào công nghệ cao cũng có điểm nghẽn, không chỉ ở tư duy mà còn ở cách hành xử "chưa kịp đổi mới" của những cán bộ cấp cơ sở.

Vừa tham dự hội thảo công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh của năm 2024, nữ chuyên gia kinh tế kể, bà đã giật mình khi thấy tất cả cái khó gây ra cho doanh nghiệp còn nhiều đến thế.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư trong nước theo Luật Đầu tư hiện hành, phải mất 15 thủ tục mới được đầu tư và như vậy mất trung bình 1-2 năm, có những dự án 3-4 năm. 

"1-2 năm trong thời đại thay đổi nhanh như thế này, cả về thị trường, công nghệ, chính sách của các nước, như chính sách thuế quan của Mỹ, thì sao mà làm được. Đến khi được cấp phép, cơ hội đã qua mất rồi", bà Lan đau đáu nói.

Thực tế, vị chuyên gia cho rằng, những vướng mắc về thể chế vẫn nằm ở nhiều bộ ngành khác nhau. Vì vậy, bà kỳ vọng công cuộc đổi mới thể chế hiện nay mà Tổng Bí thư gọi đó là cách mạng, sẽ giúp phần nào giải tỏa dần những vướng mắc về thể chế.

6.webp

Theo bà Lan, Tổng Bí thư đã nêu ra rất rõ quan điểm phải bỏ hẳn tư duy "không quản được thì cấm" và dứt khoát bỏ cơ chế "xin - cho". Việc này hiện là hai nút thắt rất lớn đang kìm hãm sự phát triển của nhiều nơi, trong đó có TPHCM.

Bà Lan tin rằng, khi sáp nhập, các địa phương sẽ phát triển tốt hơn, có quy mô kinh tế lớn hơn, giúp địa phương tạo dư địa phát triển mới và bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

"Tất cả có thể sẵn sàng, nhưng vẫn cần một cơ chế thật tốt, thật mạnh, đi kèm với việc tuyển dụng cán bộ tốt, tâm huyết đảm nhiệm các vị trí, làm việc vì khát vọng phát triển chung của đất nước", bà Lan nêu quan điểm và gợi mở cần biết cách khai thác cả nguồn lực trong và ngoài nước, vì chúng ta đang có một nguồn lực quý giá là những người Việt ở nước ngoài có thể về đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

7.webp

Nhìn lại những thành tựu lớn của TPHCM và cả nước trước thềm kỷ nguyên mới, TS Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP là thành tựu rõ nét nhất chứng minh nỗ lực của TPHCM nói riêng và của cả nước nói chung kể từ sau ngày thống nhất đất nước.

8.webp

Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, Việt Nam ngày càng có uy tín và tiếng nói trên trường quốc tế, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Từng giữ cương vị lãnh đạo tại địa phương, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhắc lại vị thế TPHCM là trung tâm công nghiệp của miền Nam trước đây và đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước hiện tại.

Nhìn lại 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, theo ông Trực, TPHCM đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc khôi phục lại nền kinh tế của cả nước, đóng góp những thực tiễn quan trọng cho đường lối đổi mới của Đảng.

Tuy nhiên, ông Trực nhận định, TPHCM và cả nước còn rất nhiều việc cần làm để tạo bước đệm cần thiết bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, một vấn đề khiến ông trăn trở là đất nước ta chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

"Chúng ta từ thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD những năm đầu đổi mới, nay đã tăng lên hơn 4.500 USD. Đó là sự thay đổi rất lớn, nhưng chưa đủ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Để vượt qua mức thu nhập trung bình, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước tăng trưởng trên 8% năm nay và 2 con số vào những năm tiếp theo", nguyên lãnh đạo TPHCM nhìn nhận đây là thách thức rất lớn.

9.webp

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao (khoảng 20.000USD/người). Đây là mục tiêu rất khó, nhưng nếu không đạt được, nước ta sẽ tụt hậu với thế giới, theo lời ông Trực.

"Khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, chúng ta đi chậm sẽ bị bỏ lại. Đất nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Sau 40 năm đổi mới, nhưng chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa phát huy hết những tiềm năng này", ông Trực nhận định.

Dẫn chứng, ông cho rằng đến nay, Việt Nam vẫn chưa phát triển nền nông nghiệp hiện đại mà chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, các hợp tác xã cũng chưa đủ lớn mạnh. Việc phát triển nông nghiệp theo quy mô nhỏ dẫn đến khó có nguồn lực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất trên diện rộng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, nền sản xuất trong nước chủ yếu vẫn dựa vào công nghiệp truyền thống, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới trong nước còn hạn chế và chưa thật sự đủ sức cạnh tranh.

Vì thế, để hướng tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo ông Trực, cần nỗ lực phấn đấu theo những định hướng phát triển mới đã được Đảng, Nhà nước đề ra.

Từ góc độ chuyên gia, bà Phạm Chi Lan cho rằng, chúng ta đã đưa ra được định hướng mô hình tăng trưởng mới rất đúng đắn, điển hình là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định, phát triển phải dựa trên công nghệ.

Về cơ cấu kinh tế, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh cần định hình lại bởi ngay cả việc chúng ta xác định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng lại chưa có một nền nông nghiệp hiện đại, trong khi tiềm năng phát triển dựa vào lĩnh vực này còn rất lớn. Và khi chuyển đổi được nông nghiệp sẽ tạo điều kiện lớn để chuyển đổi các lĩnh vực khác. 

10.webp

Về công nghiệp, theo bà Lan, phải từ bỏ con đường theo thị trường lao động giá rẻ, tạo thêm lợi thế mới bằng khoa học công nghệ và chấp nhận đầu tư tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng nhiều hơn. 

Bà Lan kỳ vọng công nghệ trong thời gian tới là nhân tố lớn đóng góp cho sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

"Nghị quyết 57 đã xác định rõ vai trò của công nghệ trong phát triển. Từ Đại hội trước, bên cạnh ba đột phá chiến lược là thể chế, nhân lực, hạ tầng, thì công nghệ cũng đã được xác định là một yếu tố trọng tâm. Lần này, tôi hy vọng công nghệ sẽ là nhân tố lớn, song hành với giáo dục và đào tạo để tạo ra những con người làm chủ được công nghệ mới.

Chúng ta đang dần nhận diện được động lực tăng trưởng mới, nhưng điều quan trọng hơn là hướng đến phát triển bền vững - không chỉ tăng trưởng về lượng mà còn toàn diện về chất, bao gồm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và ứng dụng công nghệ mới", bà Phạm Chi Lan nói.

Nội dung: Hoài Thu, Q.Huy, Nguyễn Hải

Ảnh: Bảo Quyên

Thiết kế: Tuấn Huy

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-moi-se-xung-tam-voi-singapore-thuong-hai-20250501120044409.htm








Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm