Đây là lần đầu tiên một trường THPT phối hợp cùng các đơn vị tổ chức cho học sinh trải nghiệm những bộ môn nghệ thuật truyền thống, sau đó chính học sinh tự tái hiện trên sân khấu cả ngàn khán giả.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chăm chú theo dõi phần trình diễn múa rối nước do chính các bạn đồng trang lứa của mình thực hiện
Sáng nay (22.2), Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại TP.HCM tổ chức báo cáo dự án liên môn "Nối tiếp tinh hoa", thu hút hàng nghìn học sinh và giáo viên, lãnh đạo nhà trường cùng đại diện Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM, Công ty biểu diễn nghệ thuật Ánh Dương (chủ quản Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long).
Học nghề cùng nghệ sĩ
Tại sự kiện, các bạn học sinh, chủ yếu là lớp 10, lần lượt trình diễn những tiết mục, trích đoạn của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, từ các điệu lý miền Nam như lý đất giồng, lý quạ kêu, tới hát Dạ cổ hoài lang, diễn cải lương trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân", hát bội Nam bộ trích đoạn "Trần Bình Trọng tuẫn tiết", sau cùng là múa trống cơm, múa rối nước.
Các tiết mục và trích đoạn, hoặc thực hiện cùng giáo viên, nghệ sĩ, hoặc do chính những học sinh tự mình trình diễn từ đầu tới cuối, đều nhận được sự ủng hộ từ những khán giả ngồi bên dưới.
Học sinh hát các điệu lý Nam bộ
Cô Phương Thảo cùng học trò hát và múa ca khúc Dạ cổ hoài lang nổi tiếng
Một trong những nhân vật gây ấn tượng trên sân khấu là Lê Hà Anh, học sinh lớp 10A4, trong vai danh tướng Trần Quốc Toản. Là vai chính trong vở cải lương, nữ sinh không chỉ hát mà còn phải liên tục tương tác với các bạn diễn khác, cũng như biểu diễn võ thuật nhằm truyền tải ý chí chống giặc ngoại xâm. "Đây là lần đầu em biết tới cải lương, và cũng là lần đầu được tham gia với tư cách là diễn viên cải lương", Hà Anh bộc bạch.
Hà Anh kể để chuẩn bị cho tiết mục này, nhóm của em đã bắt đầu luyện tập từ tháng 11 năm trước dưới sự hướng dẫn của một cựu học sinh là diễn viên ở Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long. Theo nữ sinh, tập diễn và hát cải lương là những phần khó nhất, yêu cầu các em phải tập đi tập lại đến khi nhuần nhuyễn. Song qua đó, Hà Anh đã học được cách giao tiếp, làm việc nhóm, cũng như phong thái tự tin khi đứng trước đám đông.
Hà Anh (áo đỏ) múa võ, hát cải lương khi đóng vai danh tướng Trần Quốc Toản
Tiết mục nhận được nhiều tràng pháo tay từ khán giả học sinh
"Ngoài ra, tụi em cũng học hỏi được nhiều kiến thức liên quan đến cải lương, như trang phục em mặc đơn giản, màu sắc rực rỡ là vì nhân vật của em trẻ tuổi, có chức tước thấp hơn những bạn diễn khác. Rồi em cũng học được những dây trong vọng cổ như dây kép và dây đào, những hơi trong cải lương... Việc tìm hiểu rất vui vì em không chỉ học thêm kiến thức mới mà còn biết được một nét đẹp văn hóa Việt Nam", nữ sinh hào hứng.
Cũng khiến khán giả đồng trang lứa không thể rời mắt là vai diễn Trần Kiện của Bùi Nguyễn Anh Khoa, lớp 10A2. Ở trích đoạn hát bội, đây là một quý tộc thời Trần đã đầu hàng giặc Nguyên và có nhiệm vụ chiêu hàng Trần Bình Trọng - vị danh tướng nổi tiếng với câu nói "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc". Đóng vai Trần Kiện, Khoa liên tục có những biểu cảm, lời thoại đầy cảm xúc và gây thích thú.
Để có thể diễn "tròn vai", Khoa cùng các bạn chung khối dành nhiều tháng học hỏi, tập luyện hăng say cùng các nghệ sĩ ở Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM như nghệ sĩ Bảo Châu, nghệ sĩ Thanh Bình, nghệ sĩ Minh Khương, nghệ sĩ Kiều My, nghệ sĩ Anh Thi...
Anh Khoa (bìa trái) cùng các diễn viên học sinh thể hiện trích đoạn "Trần Bình Trọng tuẫn tiết" cùng nghệ sĩ Minh Khương trong vai Thoát Hoan (nhân vật đang ngồi)
Dàn nhạc trong tiết mục hát bội nhằm truyền tải trọn vẹn nhất tinh thần của bộ môn nghệ thuật này
"Khi nhận lời mời dạy và diễn chung với các em, tôi cũng rất hoang mang vì hát bội là một loại hình nghệ thuật rất khó, phải trau dồi nhiều năm mới hát được. Tuy vậy khi tập cùng các em đóng vai Trần Kiện hay Ô Mã Nhi, tôi thấy các em nghiêm túc, thông minh và tiếp thu rất mau lẹ. Chỉ trong vòng vài tháng, các em đã có thể hát được. Đây là điều rất quý và tôi tin hát bội sẽ được thế hệ trẻ kế thừa", nghệ sĩ Bảo Châu chia sẻ.
Bên cạnh các tiết mục trình diễn là không gian trưng bày các ấn phẩm và sản phẩm giới thiệu những bộ môn nghệ thuật truyền thống, cũng do chính học sinh lên nội dung, thiết kế và sản xuất. Là một trong những tác giả, Phạm Gia Linh, lớp 11A12, cho biết để thực hiện, cả lớp đã chia thành các nhóm khác nhau, đích thân đến trải nghiệm và phỏng vấn những nghệ sĩ, công nhân hậu đài ở Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng.
Học sinh giới thiệu cho giáo viên về các thành phẩm lấy cảm hứng từ những bộ môn nghệ thuật truyền thông
"Việc tới trực tiếp nơi biểu diễn giúp tụi em có thể cảm nhận và nghiên cứu sâu sắc hơn về múa rối nước để có thể sáng tạo một cách chính xác, truyền tải trọn vẹn tinh thần bộ môn nghệ thuật này. Em còn học được quản lý thời gian, tiến độ sản xuất để cho ra được những thành phẩm ưng ý như sổ, móc khóa... bên cạnh việc hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử", nữ nhóm trưởng chia sẻ.
Học sinh trau dồi nhiều kỹ năng
Nghệ sĩ Huỳnh Trung, diễn viên ở Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, cho biết anh cùng các đồng nghiệp thường đi lưu diễn ở các trường mầm non, tiểu học. Đây là lần đầu tiên đơn vị hợp tác với một trường THPT, và cũng là lần đầu tiên tạo điều kiện cho học sinh học nghề để có thể tham gia trình diễn thực tế. "Đây là một khác biệt rất lớn", nam nghệ sĩ nhận định.
Nghệ sĩ Huỳnh Trung đánh giá, tuy còn trẻ và chỉ tập trong thời gian ngắn, chỉ 2, 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi cũng chỉ khoảng một giờ, nhưng các bạn lại tiếp thu rất nhanh. Trong một tháng, nhóm học sinh đã có thể trình diễn cùng những anh chị, "khác biệt với chúng tôi ngày xưa khi phải mất đến cả năm học nghề mới diễn được". "Các bạn rất thích thú, chịu dành cả tiếng ngâm mình trong nước lạnh để luyện tập", nghệ sĩ Huỳnh Trung nói.
Sân khấu múa rối nước được chuẩn bị kỳ công với diễn viên là những học sinh lớp 10
Khởi động trước "giờ G"
Phân cảnh bắt cá
Học sinh đến Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng để học nghề hồi tháng 11.2024
"Qua hoạt động này, các bạn không chỉ tìm hiểu thêm về một bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đang dần dà bị mai một, mà còn tìm cách lan tỏa nó tới các bạn trẻ khác qua những sản phẩm truyền thông khác nhau như móc khóa, bìa sách, lịch...", nam diễn viên múa rối nước bộc bạch. "Từ thích mới tìm hiểu, rồi tới làm, tới yêu, và từ yêu mới có thể gìn giữ văn hóa. Đó là giá trị múa rối nước muốn mang tới cho các bạn".
Đây cũng là lần đầu Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM phối hợp với trường THPT để học sinh có cơ hội tìm hiểu và tập luyện hát bội ngay tại sân khấu nhà hát, theo nghệ sĩ Khổng Minh Khương, Chủ tịch công đoàn kiêm diễn viên ở Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Đây cũng là một hoạt động đáng nhớ, bởi trước giờ các nghệ sĩ nhà hát chỉ đi đến các trường phổ thông, trường ĐH để diễn, xong rồi về.
"Hằng tuần, các em học sinh lại qua nhà hát trao đổi nghề nghiệp với các cô chú và anh chị đi trước. Là một người hướng dẫn, tôi cảm thấy rất xúc động và sung sướng khi nhìn thấy các bạn hoàn thành vai diễn trên sân khấu sáng nay. Đã quá trời đã luôn. Chính các bạn khi học cũng rất nhiệt tình, cảm thấy thôi thúc muốn diễn và nhập tâm vào nhân vật khi được cầm đạo cụ như cây giáo, cây kiếm...", nghệ sĩ Minh Khương chia sẻ.
Nghệ sĩ Thanh Bình, Trưởng phòng tổ chức biểu diễn Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM, giới thiệu với học sinh về nghệ thuật vẽ mặt, vũ đạo hát bội và thị phạm một số ca điệu
Các mô hình, sản phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật hát bội thu hút đông đảo học sinh quan tâm
Học sinh thử tài vẽ mặt nạ hát bội tại trường
"Hiện một số trường khác cũng có liên hệ với đơn vị để thực hiện những dự án liên môn tương tự, và chúng tôi hy vọng thông qua đó sẽ giúp bộ môn hát bội ngày càng được lan tỏa trong học đường", nghệ sĩ Minh Khương cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết dự án "Nối tiếp tinh hoa" tích hợp ba môn là ngữ văn, giáo dục địa phương, và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Dù đã nhiều lần giáo dục học sinh về các bộ môn nghệ thuật truyền thống song theo bà Chương, đây là lần đầu tiên các tổ bộ môn kết hợp, tạo điều kiện cho các em được tự mình trải nghiệm những bộ môn này.
Học sinh trình diễn văn nghệ
Tiết mục múa trống cơm
Toàn cảnh một tiết mục
"Dự án là cơ hội để các em thực hành kỹ năng và ứng dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống theo đúng mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới. Các em được làm việc nhóm, tư duy phản biện, lập kế hoạch, dùng công nghệ thông tin và tập luyện nghệ thuật. Đây cũng là dịp để các em thỏa mãn đam mê hay khai phá năng khiếu, từ đó có thể tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật", nữ hiệu trưởng chia sẻ.
"Hoạt động cũng góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy những tinh hoa của văn hóa Việt Nam", bà Chương nhấn mạnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tram-tro-khi-hoc-sinh-hat-boi-dien-cai-luong-mua-roi-nuoc-voi-nghe-si-185250217120149323.htm
Bình luận (0)