Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trận đánh phá vỡ tuyến phòng thủ đông bắc Sài Gòn trong ký ức người lính Đoàn Sông Lam

(Chinhphu.vn) - Với Thiếu tướng Phan Thanh Giảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, từng là chiến sĩ Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam), trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ký ức không thể quên là trận đánh mở màn tại yếu khu Trảng Bom - nơi cánh quân Đông Bắc phá vỡ tuyến phòng thủ then chốt, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ25/04/2025

Trận đánh phá vỡ tuyến phòng thủ đông bắc Sài Gòn trong ký ức người lính Đoàn Sông Lam- Ảnh 1.

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân - Ảnh: VGP/Minh Trang

Thi đỗ vào khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, như bao thanh niên ngày ấy, ông Phan Thanh Giản (sinh 1956 tại Hà Tĩnh) tạm xếp bút nghiên, gác lại giấc mơ đại học để khoác ba lô lên đường đánh giặc.

Cuối năm 1974, ông được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Đoàn 22B (thuộc Quân khu 4), là đơn vị huấn huyện chiến sĩ mới. Đầu tháng 2/1975, đơn vị của ông Phan Thanh Giảng hành quân về Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và tiếp tục vượt sông Bến Hải, qua đường 9 Nam Lào, qua Tây Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ.

Nhớ về trận đánh lớn nhất của Sư đoàn khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Giảng kể: Trận tiến công yếu khu Trảng Bom là trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh của cánh quân Đông Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn theo đường số 1 và xa lộ Biên Hòa. Đây cũng là tác chiến hợp đồng quân binh chủng lớn nhất, đầy đủ các lực lượng nhất của Sư đoàn 341 kể từ khi vào chiến trường.

Tại đây, Sư đoàn tập trung toàn bộ binh hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch trong một thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng xốc lại lực lượng, sẵn sàng cùng với các đơn vị bạn tiến vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn khi có thời cơ.

17h ngày 26/4, tiếng súng đầu tiên của chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ở hướng đông, cả Sư đoàn đã ém gọn vào vị trí tập kết an toàn. Đường hành quân của ta rất bí mật, nhưng địch vẫn tăng cường phản kích ngăn chặn. Chúng bắn pháo và thả bom vào những nơi chúng nghi ngờ có lực lượng ta trú quân.

Ngoài ra chúng còn tung biệt kích, thám báo lùng sục để phát hiện lực lượng của ta. Song mọi cố gắng của địch đều không mang lại kết quả. Các đơn vị của Sư đoàn bí mật áp sát mục tiêu, các khẩu pháo vẫn được kéo vào chiếm lĩnh trận địa.

4h5' ngày 27/4, lệnh nổ súng tiến công yếu khu Trảng Bom được phát đến các đơn vị. Các trận địa pháo của Trung đoàn 55 Pháo binh do Trung đoàn trưởng Lê Văn Cúc chỉ huy lập tức nhả đạn. Những cầu vồng lửa vút lên, tới tấp giáng xuống 7 trận địa pháo của địch. Cùng lúc, pháo tăng cường cho các trung đoàn bộ binh cũng tới tấp dội xuống các mục tiêu. 

Trận đánh phá vỡ tuyến phòng thủ đông bắc Sài Gòn trong ký ức người lính Đoàn Sông Lam- Ảnh 2.

Ảnh chụp Thiếu tướng Phan Thanh Giảng tại TPHCM tháng 10/1975 - Ảnh: NVCC

Đại đội 9 của ông Giảng tiến vào bìa rừng cao su, tiếp tục ra đường Quốc lộ 1A, vượt qua cổng chào yếu khu và vào khu trung tâm trong tình thế pháo địch bắn dồn dập. Nhiều đồng đội của ông Giảng ngã xuống hy sinh và bản thân ông bị thương ở chân.

Ông Giảng nhớ lại, 10h30' ngày 27/4, toàn bộ quân địch trong yếu khu Trảng Bom bị ta tiêu diệt. Trận then chốt mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng đông bắc của Sư đoàn 341 đã thắng lợi giòn giã. Ta làm chủ một đoạn Quốc lộ 1 dài 14 km  từ ngã 3 sông Thao đến Tây Trảng Bom. Chiến thắng Xuân Lộc và chiến thắng Trảng Bom đã mở toang cánh cửa thép để đại quân ta cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Sáng 28/4, ông Giảng được đưa về bệnh xá dã chiến của Sư đoàn trong rừng cao su Xuân Lộc. Sau này khi về đơn vị, đồng đội của ông Giảng cho biết sau khi chiếm lĩnh Trảng Bom, tiêu diệt địch ở Bàu Cá, Suối Đĩa, ngày 28/4 Sư đoàn 341 phát triển vào Hố Nai, đập tan tuyến phòng thủ then chốt của địch ở đây.

Sáng ngày 29/4, Sư đoàn 341 có 5 xe tăng dẫn đầu lần lượt đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Tới Ngã 3 Hố Nai-Biên Hòa, gặp hào sâu, xe tăng không qua được, phải vòng qua phía bắc đánh xuống Biên Hòa. Trung đoàn 273 diệt một tiểu đoàn địch ở ga Long Lạc, tiến vào sân bay Biên Hòa chiếm căn cứ của Sư đoàn 3 Không quân địch. Trung đoàn 270 phối hợp cùng Sư đoàn 6 đánh chiếm căn cứ pháo binh Hốc Bà Thức, sau đó cùng Trung đoàn 266 vòng qua Hố Nai, đánh vào Long Bình.

Sáng 30/4, Trung đoàn 266, Tiểu đoàn 5 – Trung đoàn 270, Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 273 (các Trung đoàn thuộc Sư đoàn 341 - PV) vượt sông Đồng Nai. Pháo địch từ trường Sĩ quan Thủ Đức, trường Cảnh sát quốc gia và sau nhà máy xi măng bắn dữ dội vào đoạn Long Bình-Thủ Đức. Pháo binh ta bắn áp chế các trận địa pháo binh địch để bảo vệ cho đội hình tiến công hành tiến của quân ta.

Khoảng 6h sáng 30/4, pháo mặt đất, pháo cao xạ của Quân đoàn 2 bắn dập đầu pháo binh địch. Các trận địa pháo của chúng tê liệt dần. Đến 10h sáng, Quân đoàn 2 đánh tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch. Tuyến phòng thủ Sài Gòn đã bị phá vỡ. Năm cánh quân, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta tiến vào Sài Gòn như thác đổ.

Trận đánh phá vỡ tuyến phòng thủ đông bắc Sài Gòn trong ký ức người lính Đoàn Sông Lam- Ảnh 3.

Giấy chứng nhận đồng chí Phan Thanh Giảng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được ông lưu giữ - Ảnh: NVCC

Sau Quân đoàn 2 là các đơn vị của Quân đoàn 4 trong đó có Trung đoàn 266, Tiểu đoàn 5-Trung đoàn 270, Tiểu đoàn 3-Trung đoàn 273, Tiểu đoàn 14 của Sư đoàn 341.

"Đại đội 9 chúng tôi cùng một số lực lượng của Sư đoàn ngồi trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, song khi đến xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn đường chật cứng như nêm nên 13h30' mới đến Dinh, muộn hơn Quân đoàn 2 hai tiếng đồng hồ.

Ông Giảng xúc động nhớ lại: "Thật tiếc tôi bị thương nên không được vào Sài Gòn chứng kiến thời khắc lịch sử linh thiêng này. Đang điều trị tại bệnh xá Sư đoàn, qua đài bán dẫn, khoảng 13h chúng tôi nhận được tin Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng trên Đài phát thanh. Chúng tôi ôm nhau, reo hò, vỡ òa, sung sướng. Nhiều người xúc động, nước mắt giàn dụa trên má trong niềm vui sướng đến tột cùng, có cả những giọt nước mắt tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh cho đất nước ngày toàn thắng".

Sau này, người chiến sĩ Phan Thanh Giảng trưởng thành từ Sư đoàn 341 năm nào tiếp tục được rèn luyện trong môi trường Quân đội, đào tạo tại Học viên Chính trị và Học viện Quốc phòng, giữ cương vị Phó Trung đoàn trưởng về chính trị Trung đoàn tên lửa 275, Chính ủy Sư đoàn 375, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không không quân, và nghỉ hưu năm 2017 tại TP. Đà Nẵng.

Minh Trang


Nguồn: https://baochinhphu.vn/tran-danh-trang-bom-trong-ky-uc-nguoi-linh-su-doan-song-lam-102250411145705159.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm