Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trần Hữu Trang, thư ký chép tuồng thành soạn giả nổi tiếng

Tại ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết (H.Chợ Gạo, Tiền Giang cũ), có Nhà lưu niệm Trần Hữu Trang được xây dựng vào năm 2016. Ông là soạn giả nổi tiếng với những tuồng cải lương có sức sống mãnh liệt, đã gần một thế kỷ vẫn còn được khán giả nhắc tới như Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt...

Báo Thanh niênBáo Thanh niên04/07/2025

Từ thư ký chép tuồng

Trần Hữu Trang sinh năm 1906, tại thôn Phú Khương, tổng Thạnh Quơn, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho cũ, trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở nhỏ, ông học chữ nho từ cha và chữ quốc ngữ ở trường làng, nhưng ông có kiến thức rộng nhờ đọc sách và tự học. Con nhà nghèo nên ông sớm phải bươn chải kiếm sống, như mở tiệm hớt tóc ở chợ Tân Hiệp, làm nghề đưa đò chở bạn hàng ở chợ Hương Điểm, Bến Tre.

Trần Hữu Trang, thư ký chép tuồng thành soạn giả nổi tiếng- Ảnh 1.

Một tấm ảnh hiếm hoi của soạn giả trên internet

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo tiểu sử ghi ở nhà lưu niệm, từ 1928 - 1936, ông được người anh em bạn dì là Nguyễn Thành Châu (soạn giả Năm Châu) giới thiệu vào làm thư ký chép tuồng cho gánh hát Trần Đắt, gánh Năm Phỉ rồi gánh Phụng Hảo. Từ môi trường đó, ông bắt đầu viết tuồng cải lương dưới sự dìu dắt của các bậc đàn anh, trong đó có soạn giả Nguyễn Công Mạnh, là "thầy tuồng" gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử.

Từ năm 1936 - 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến xã Phú Kiết. Năm 1946 ông về Sài Gòn, hoạt động trong Hội Liên Việt. Sau Hiệp định Genève 1954, ông tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn, thành lập gánh cải lương Con Tằm và cùng Năm Châu lập gánh Phước Chung.

Sở trường của Trần Hữu Trang là đờn kìm, nhạc cụ chủ đạo của các bài bản tài tử, cải lương. Vì vậy tiệm hớt tóc của ông ở chợ Tân Hiệp trước đó cũng là nơi tập hợp những tay chơi văn nghệ đờn ca tài tử.

Đến Đời cô Lựu

Khoảng năm 1936 - 1939, một số tuồng tâm lý xã hội được công chúng mến mộ vì nội dung gần gũi với đời thường, phản ánh được thực trạng xã hội đương thời, trong đó 2 vở tuồng ăn khách nhất là Đời cô LựuTô Ánh Nguyệt của Trần Hữu Trang.

Trần Hữu Trang, thư ký chép tuồng thành soạn giả nổi tiếng- Ảnh 2.

Nhà lưu niệm Trần Hữu Trang ở xã Phú Kiết (H.Chợ Gạo, Tiền Giang cũ)

ẢNH: Hoàng Phương

Đời cô Lựu được viết vào khoảng năm 1937. Đầu năm 1938, gánh Phụng Hảo đưa lên sân khấu. Mục quảng cáo trên báo Sài Gòn số ra ngày 3.1.1938 cho biết vở Đời cô Lựu gồm các nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu và toàn ban Phụng Hảo "sẽ trổ hết tài nghệ để tạ lòng chiếu cố của chư quý khán quan trong đêm 3 tháng Janvier 1938" tại rạp Modern. Một năm sau, Đời cô Lựu vẫn còn hấp dẫn giới mộ điệu cải lương nhờ vào đội ngũ đào kép của gánh Phụng Hảo, nhất là vai trò của nghệ sĩ Năm Châu.

Sau thành công của Đời cô Lựu, gánh Phụng Hảo tiếp tục ra mắt Tô Ánh Nguyệt. "Đây là vở tuồng mới, thật hay, ra mắt đầu tiên ở rạp Tân Định với dàn diễn viên xuất sắc như Phùng Há, Tám Mẹo, Tư Thạch, Bảy Nhỏ, Ba Nuôi, Tư Sạng và Bảy Vĩnh Long, người nào cũng có chỗ hay không tả được" (Báo Sài Gòn, 7.3.1939). Về sau, hãng dĩa Asia thu tuồng hát này với đội ngũ diễn viên được nhiều người hâm mộ như Tám Thưa, Tư Sạng, Ba Vân, Út Trà Ôn, cô Năm Cần Thơ, cô Ba Bến Tre...

Rồi Lan và Điệp

Dựa theo tác phẩm Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, soạn giả Trần Hữu Trang đã viết tuồng Lan và Điệp, được gánh Năm Phỉ dựng và phục vụ khán giả đêm 26.1.1939 tại rạp hát Thuận Thành, Đa Kao (Sài Gòn), do đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út vai Điệp đã làm cho nhiều khán giả rơi lệ (tường thuật của báo Điển Tín).

Theo ký giả Ngành Mai, thấy vở Lan và Điệp quá ăn khách với nhiều đêm hát đông nghẹt khán giả, hãng dĩa hát Asia đã tìm gặp soạn giả Trần Hữu Trang thương lượng thu thanh dĩa hát. Đồng thời, yêu cầu ông viết ngắn lại, làm sao cho tuồng thu ít dĩa càng tốt. Bởi vì trước đó, các bộ dĩa San HậuQuan Âm Thị Kính, bộ nào cũng trên 10 dĩa nên tiêu thụ chậm, khó bán. Do vậy, ông đã rút gọn tình tiết vở tuồng, nên Lan và Điệp chỉ thu thanh gọn trong 4 dĩa và đặt tựa là Hoa rơi cửa Phật.

Cũng theo ký giả Ngành Mai, kịch bản Lan và Điệp soạn giả Trần Hữu Trang đã trao cho nghệ sĩ Năm Châu lúc gánh Việt Kịch Năm Châu còn hoạt động. Đến khi ông vào chiến khu, người ta không biết kịch bản này nằm ở đâu, cũng không thấy Năm Châu dựng lại. Lúc bấy giờ, nhiều gánh hát bầu tèo, do không có kịch bản chính nên đã lấy bài ca và lời thoại trong dĩa Hoa rơi cửa Phật làm nền, rồi thêm thắt vào để diễn tuồng Lan và Điệp vẫn thu hút được khán giả.

Trần Hữu Trang, thư ký chép tuồng thành soạn giả nổi tiếng- Ảnh 3.

Ảnh và bức chân dung họa của soạn giả Trần Hữu Trang

ẢNH: Hoàng Phương

Khoảng năm 1962, có gánh bầu tèo nọ hát ở Suối Cụt, Tây Ninh. Thay vì đoạn kết Lan chết, thì gánh này cho Lan sống, được vị hòa thượng cho rời chùa và trở về với Điệp. Sau khi vãn hát, có khán giả ra hậu trường chất vấn ông bầu: "Tuồng Lan và Điệp ai cũng biết khi kết cuộc thì cô Lan chết, sao bữa nay Lan không chết mà còn trở về với Điệp?". Bấy giờ, ông bầu đang ăn cháo lòng và nhâm nhi ba xị đế, bèn trả lời: "Bộ bà con muốn cho cô Lan chết phải không? Được rồi! Ngày mai đi coi, tôi sẽ cho cô Lan chết!".

Cuối năm 1960, soạn giả Trần Hữu Trang rời Sài Gòn ra chiến khu, tham gia Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Ngày 19.1.1966, ông hy sinh tại Sa Mát, Tây Ninh, trong trận ném bom B-52 của Mỹ. Có lẽ vì ông mất ở chiến khu nên tại nhà lưu niệm hiện nay, hình ảnh và di vật của ông để lại rất hiếm. Chúng tôi chỉ thấy một tấm ảnh thờ và một bức tượng.

Trần Hữu Trang, thư ký chép tuồng thành soạn giả nổi tiếng- Ảnh 4.

Rạp Viễn Trường, tiền thân là rạp Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử

ẢNH: TƯ LIỆU

Sau khi soạn giả Trần Hữu Trang mất, ông Trần Hữu Thường (được biết với tên soạn giả Việt Thường) đã kế tục sự nghiệp của người cha hoạt động ở gánh cải lương Phước Chung. Hiện ông Thường đã 92 tuổi, già yếu. Con trai ông, anh Trần Võ Quốc Bửu, cho biết ngoài việc soạn kịch bản, ông Thường còn ra công nhuận sắc, chỉnh sửa lại một số kịch bản của cha cho các đạo diễn dựng lại, phù hợp với tâm tình thời đại. (còn tiếp) 

Nguồn: https://thanhnien.vn/tran-huu-trang-thu-ky-chep-tuong-thanh-soan-gia-noi-tieng-185250703234527022.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm