Mô hình trang trại tuần hoàn không rác thải tại xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa).
Tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn), trang trại của anh Nguyễn Văn Hùng với diện tích hơn 5ha không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất nông sản, mà còn là một mô hình của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Mỗi bước trong quy trình sản xuất đều được tối ưu hóa, từ việc tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp cho đến việc xử lý chất thải, tất cả đều góp phần vào việc bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị sản phẩm. Anh Hùng chia sẻ: “Trước đây, phụ phẩm nông nghiệp thường bị bỏ đi hoặc đốt, nhưng giờ đây, tôi đã học cách tận dụng mọi thứ. Rơm rạ giờ là đệm lót sinh học cho chăn nuôi, phân từ gia cầm, gia súc được xử lý và quay lại làm phân bón cho cây trồng. Trang trại gần như không còn rác thải hữu cơ, giúp giảm chi phí và làm cho cây trồng khỏe mạnh hơn”. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ khí sinh học (biogas) đã giúp anh xử lý chất thải chăn nuôi, tạo ra năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Huyện Hoằng Hóa cũng có nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt tuần hoàn, nơi nông dân không chỉ làm giàu mà còn tái thiết sự hài hòa với thiên nhiên. Tại đây, nhiều trang trại đã xây dựng những hệ sinh thái khép kín, trong đó cây trồng và vật nuôi được quy hoạch thông minh để hỗ trợ lẫn nhau, tối ưu hóa mọi nguồn lực. Nổi bật trong số đó là trang trại của bà Lê Thị Mai, xã Hoằng Đạo với diện tích 3,5ha, nơi mọi quy trình sản xuất đều vận hành tuần hoàn. Thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, bà Mai trồng trực tiếp cây thức ăn cho vật nuôi ngay trong khuôn viên trang trại, đồng thời xử lý toàn bộ chất thải để tái sử dụng làm phân bón, tạo nên một chuỗi khép kín từ đồng ruộng tới bữa ăn.
Bà Mai chia sẻ: “Trước kia, chi phí cho phân bón và thức ăn chăn nuôi luôn chiếm hơn một nửa tổng chi phí sản xuất, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo giá đầu vào tăng cao. Từ khi chuyển sang mô hình tuần hoàn, tôi tiết kiệm được gần 40% chi phí. Nhưng điều tôi quý nhất là môi trường xung quanh được cải thiện rõ rệt, chất lượng sản phẩm cũng sạch hơn, an toàn hơn. Khách hàng tin tưởng và quay lại ngày càng nhiều".
Theo thống kê của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa, đến hết quý I/2025, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 trang trại áp dụng mô hình tuần hoàn, tăng 25% so với năm 2023. Diện tích canh tác theo hướng không rác thải đạt hơn 6.500ha, với sản lượng nông sản hữu cơ đạt trên 15.000 tấn/năm. Các mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính ước tính khoảng 30%, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng đất và nguồn nước tại địa phương.
Ông Lê Ngọc Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Các mô hình trang trại tuần hoàn đã và đang chứng minh tính ưu việt về cả kinh tế lẫn môi trường. Quan trọng hơn, đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để nhân rộng các mô hình này, phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 70% trang trại trong tỉnh áp dụng mô hình tuần hoàn không rác thải".
Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng diện tích, tỉnh Thanh Hóa còn đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và kết nối thị trường cho nông dân. Năm 2024, các đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn với hơn 750 lượt nông dân tham gia, đồng thời giải ngân hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng hạ tầng xử lý chất thải tại các trang trại. Các mô hình trang trại tuần hoàn không rác thải đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng, không chỉ giúp người nông dân giảm bớt áp lực chi phí và tăng thu nhập, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp xanh - sạch - bền vững.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/trang-trai-tuan-hoan-khong-rac-thai-245800.htm
Bình luận (0)