Mảnh đất chiến trường xưa giờ sầm uất, hiện đại với những dãy nhà cao tầng, các khu đô thị mới và nhà máy, xí nghiệp rộn rã công nhân vào ra. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hồi ức về trận thắng 50 năm trước của những cựu chiến binh đánh trận Trảng Bom năm xưa vẫn như mới hôm qua.
Đánh thêm 3 trận lớn rồi về thăm nhà
Trong phòng làm việc của Ban Chỉ huy quân sự huyện Trảng Bom, cựu chiến binh Nguyễn Đức Danh, quê TP Đồng Hới (Quảng Bình), hiện ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom kể, năm 1975 ông là lính của trung đoàn 273, sư đoàn 341. Trước khi về Trảng Bom, đơn vị ông đã đánh trận Xuân Thành và được giao nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị tham gia đánh Xuân Lộc, Long Khánh chốt chặn trên quốc lộ 20. Từ ngày 20 – 22/3/1975, đơn vị hành quân về Trảng Bom. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là trên đường hành quân đã vinh dự gặp đại tá Trần Nguyên Độ, khi ấy là Chính ủy Sư đoàn 341. “Khi gặp chúng tôi, trên tay chính ủy vẫn cầm điếu hút thuốc lào”, ông Danh kể. Rồi ông tiếp: "Chúng tôi ngồi quây quần nói chuyện, bất ngờ thủ trưởng hỏi: Các đồng chí có muốn về thăm bố mẹ không?”
Anh em òa lên:
- Có chứ ạ!
Đồng chí Trần Nguyên Độ nói, muốn về thăm bố mẹ thì phải đánh thắng 3 trận lớn nữa. Đó là các trận đánh Trảng Bom, Biên Hòa và Sài Gòn.
Với tinh thần “đánh thắng 3 trận lớn nữa sẽ được về nhà”, những người lính trẻ năm ấy như được tiếp thêm sức mạnh, nhất là khi biết rằng, trận chiến tại Trảng Bom sẽ là trận đánh mở màn với mật khẩu “Hồ Chí Minh - muôn năm”.
Trong hồi ức của ông Danh và ông Phạm Hữu Huy, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Trảng Bom ngày ấy hầu như không có dân cư vì bà con đã rút về Sài Gòn. Hai bên đường là những vườn chuối, vườn đu đủ, những cánh rừng cao su.
Trảng Bom là một mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng thủ Trảng Bom - Biên Hòa - Sài Gòn của địch. Tại đây, chúng bố trí lực lượng gồm 3 Chiến đoàn bộ binh, 2 Chi đoàn thiết giáp và Chiến đoàn 315, tập trung chủ yếu ở hướng đông và đông bắc, nơi có 7 trận địa pháo binh. Một số đơn vị bảo an, dân vệ được bố trí bên trong các vị trí phòng ngự.
Ngày 26/4/1975, sau bữa cơm tối, các chiến sĩ trong đơn vị ông Danh như thường lệ chuẩn bị cơm nắm, lương khô rồi lên đường hành quân. Đến địa bàn thị trấn Trảng Bom ngày nay thì dừng lại đào hầm hào chờ lệnh. Hơn 4 giờ sáng 27/4, pháo cối, hỏa lực của ta bắt đầu bắn vào rừng cao su, nơi địch bố trí các trận địa, chủ yếu là bao cát. Trận đánh diễn ra ác liệt giữa hai bên. Địch dùng máy bay lượn trên đầu quân ta, dùng hỏa lực chống trả. Có nhiều loại vũ khí đến sau này ông Danh mới biết đó là tên lửa M72. Đến trưa 27/4, đơn vị ông Danh giành thắng lợi, chiếm được toàn bộ trận địa.
Tại hội thảo về chiến thắng Trảng Bom được tổ chức tại Đồng Nai năm 2024, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân đội cho biết, trong trận Trảng Bom, tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và việc phát huy sức mạnh các binh chủng đã được thể hiện rõ ở việc mở màn trận đánh và kết thúc thắng lợi nhanh chóng. Từ 4 giờ 5 đến 10 giờ 30 ngày 27/4/1975, quân ta đã cơ bản làm chủ toàn bộ yếu khu Trảng Bom. Trận đánh Trảng Bom là trận đánh giành thắng lợi mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng đông. Với kết quả đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, "mở cửa" thành công, tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 cơ động lực lượng vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.
Trảng Bom hôm nay
Đi trên những con đường của thị trấn Trảng Bom hôm nay, tôi không nhận ra dấu tích của chiến tranh. Cánh rừng cao su bên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Trảng Bom, nơi diễn ra trận đánh giữa đơn vị của ông Danh với địch giờ nhà cửa san sát.
Ở các xã khác trong huyện, diện mạo làng quê, phố thị khang trang. Người dân phấn khởi được sống trong hòa bình, được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở xã Bình Minh cho biết, tận dụng gỗ thừa của làng nghề mộc ở địa phương, cơ sở sản xuất mô hình vũ khí, nhạc cụ… để xuất khẩu, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của cơ sở đã được công nhận OCOP. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, cơ sở luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng huyện Trảng Bom.
Theo đồng chí Đỗ Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, huyện mới được thành lập từ năm 2004 trên cơ sở tách ra từ huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Với 17 đơn vị hành chính cấp xã, từ một huyện nông nghiệp, sau hơn 20 năm thành lập, Trảng Bom đã chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Địa phương có 4 khu công nghiệp thu hút khoảng 200 dự án FDI với với lượng công nhân lúc cao điểm lên tới 120.000 người và 1 cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp của Trảng Bom đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng/năm, riêng năm 2024 đạt 166 nghìn tỷ đồng; ngành dịch vụ đạt từ 20.000 – 30.000 tỷ đồng/năm; nông nghiệp đạt từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng/năm. Thu ngân sách địa phương đạt khoảng 45.000 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 88 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh Đồng Nai.
Huyện đã có 12/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hệ thống giáo dục, y tế của địa phương đáp ứng tốt yêu cầu. Các hoạt động an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh được bảo đảm. Trảng Bom nhiều năm liền là điển hình về công tác quốc phòng – quân sự địa phương, luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao.
50 năm sau ngày giải phóng, những cựu chiến binh như ông Danh, ông Huy vẫn xúc động rơi nước mắt khi nhớ về đồng đội đã nằm lại chiến trường. Nhưng tôi tin rằng, với sự phát triển của Trảng Bom nói riêng và của cả nước nói chung, họ sẽ yên lòng. Thế hệ trẻ ngày nay sẽ tiếp bước cha anh xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Kỳ sau: Trận chiến trên không và mặt đất Tân Sơn Nhất
HOÀI ANHNguồn: https://baohaiduong.vn/tro-lai-nhung-chien-truong-lich-su-bai-5-mo-canh-cua-tien-vao-sai-gon-tu-huong-dong-410049.html
Bình luận (0)