.jpg)
“Hàng không đóng thuế thì làm gì có hóa đơn”
Đây là câu nói của chủ một cửa hàng chuyên bán điện thoại “xách tay” ở huyện Bình Giang. Không riêng cửa hàng này, rất nhiều cửa hàng bán đồ "xách tay" khác đều trong tình trạng tương tự.
Chỉ cần gõ cụm từ "mua điện thoại xách tay" trên Facebook, lập tức hiện ra rất nhiều tài khoản đăng bán. Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với cửa hàng ở Bình Giang nói trên, chuyên bán các dòng điện thoại từ second hand (hàng đã qua sử dụng) đến điện thoại đập hộp, nguyên seal (tem bóc khi mở hộp điện thoại mới).
Khi đặt vấn đề muốn lấy hóa đơn mua hàng, đầu dây bên kia nói rằng muốn mua điện thoại có hóa đơn thì cần tìm đến những cửa hàng bán lẻ như Thế giới di động, Cellphones… “Tôi chỉ bán hàng bảo đảm chất lượng nhưng có mức giá tốt hơn các cửa hàng bán lẻ khác. Hàng xách tay không đóng thuế thì làm gì có hóa đơn”, người bán này cho biết.
“Không hóa đơn” cũng là câu trả lời của một cửa hàng bán đồ “xách tay” khác ở TP Hải Dương. Cửa hàng này bày bán nhiều mặt hàng, từ thực phẩm chức năng, đồ gia dụng đến đồ điện tử. Theo nhân viên bán hàng tại đây, phần lớn hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản, một số mặt hàng được sản xuất ở Trung Quốc, bán tại Nhật Bản. Cửa hàng này sẽ gom sản phẩm từ Nhật Bản, sau đó bán ở Hải Dương. Hầu hết sản phẩm ở đây chỉ được dán duy nhất một mẩu giấy ghi vài con số, thể hiện giá bán bằng Việt Nam đồng, ngoài ra không có thêm bất kỳ thông tin nào khác.

Thông tin mô tả hàng hóa đều bằng tiếng nước ngoài. Thậm chí, một số sản phẩm nhân viên bán hàng còn chưa thuộc tên, phải dùng phần mềm dịch ảnh chụp để dịch sơ bộ cho người mua. Để chứng minh nguồn gốc sản phẩm, một số cửa hàng bán đồ xách tay thường cho khách xem những tờ hóa đơn tính tiền khi mua ở nước ngoài. Song ngay cả tờ hóa đơn này, cửa hàng vừa nêu cũng không có.
Ngoài những địa chỉ bán hàng cụ thể, trên mạng xã hội có nhiều tài khoản bán hàng "xách tay" với nhiều mẫu mã, mức giá khác nhau. Các chủ tài khoản kinh doanh thường giới thiệu trực tiếp sang nước ngoài lấy hàng hoặc có người thân ở nước ngoài gửi hàng về Việt Nam nên không mất thuế, giá “mềm” hơn so với hàng nhập ngoại do doanh nghiệp phân phối...
Phải kinh doanh theo pháp luật
Việc bán hàng "xách tay" được coi là đúng luật nếu hàng hóa đó đáp ứng các điều kiện: đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lý của người xuất nhập cảnh, được quy định tại điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP; bảo đảm đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn. Trường hợp bán hàng “xách tay” không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định, không làm thủ tục hải quan... được xác định là bán hàng nhập lậu. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu hoặc trốn thuế.
Căn cứ theo điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/7/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (Sở Công thương) đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo anh Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh), hiện nay, nhiều người tiêu dùng có tâm lý ưa chuộng hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Khi mua những mặt hàng này, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Lựa chọn mua ở những cơ sở kinh doanh uy tín, có thông tin rõ ràng về đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm.
PVNguồn: https://baohaiduong.vn/troi-noi-hang-xach-tay-412139.html
Bình luận (0)