Gia đình chị Phan Thị Thu (làng Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đang canh tác 7 sào dưa lưới. Trước đây, chị trồng theo phương pháp truyền thống nên thường bị sâu bệnh gây hại dẫn đến năng suất kém. Năm 2020, chị quyết định đầu tư xây dựng nhà màng và áp dụng các giải pháp kiểm soát sâu bệnh theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo đó, chị sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn cây và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong trường hợp gặp mưa, chị dùng vôi bột phun để hút ẩm và ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh.
“Nhờ có nhà màng nên nhiệt độ trong vườn được giữ ổn định, cây phát triển tốt, năng suất đạt 4 tấn/sào/vụ. Năm 2024, cả 7 sào dưa lưới đều đưa vào canh tác đồng loạt, mỗi năm trồng 3 vụ, thu được trên 84 tấn. Với giá bán 30-65 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 2 tỷ đồng”-chị Thu chia sẻ.

Gia đình anh Trần Kiên Trung (làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cũng trồng 10 ha sầu riêng theo hướng hữu cơ. Theo đó, anh Trung chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, anh không sử dụng thuốc diệt cỏ. Năm 2023, gia đình anh thu được 60 tấn quả. Đến năm 2024, vườn cây cho thu đồng loạt hơn 100 tấn quả, bán giá 70 ngàn đồng/kg, lãi gần 5 tỷ đồng.
“Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm “Sầu riêng Trung Thảo” của gia đình được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022. Bên cạnh đó, toàn bộ diện tích sầu riêng hiện đã có tem truy xuất nguồn gốc. Tới đây, tôi sẽ làm mã số vùng trồng để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm”-anh Trung nêu dự định.

Tại thôn Thống Nhất (xã Sơn Lang, huyện Kbang), chị Bùi Thị Cẩm Hồng cũng canh tác 8 sào cam Vinh và 2 sào quýt hồng theo hướng hữu cơ.
Theo chị Hồng, thay vì mua phân bón ngoài thị trường, chị tự ủ vỏ cà phê và trấu với phân bò, phân gà và men vi sinh. Đồng thời, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà tự làm chế phẩm sinh học từ vôi bột trắng, nước rửa chén, dầu ăn và nước lọc để phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây.
“Nhờ bón bằng phân hữu cơ, vườn cây phát triển tốt và hầu như không bị rụng quả. Những năm gần đây, lượng khách hàng đã được mở rộng tại một số địa phương như: Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng. Mỗi năm, gia đình thu trên 15 tấn cam Vinh và 2-4 tấn quýt hồng; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng”-chị Hồng cho hay.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 33 ngàn ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là sầu riêng, thanh long, chuối, bơ, mít... Trong đó, có trên 21,47 ngàn ha được chứng nhận canh tác theo các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh được cấp 166 mã số vùng trồng xuất khẩu và 4 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt cho các loại cây ăn quả.
Năm 2024, sản lượng cây ăn quả của tỉnh đạt trên 522,3 ngàn tấn, trong đó, nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…
Ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Theo kế hoạch đến năm 2030, Gia Lai có khoảng 90 ngàn ha cây ăn quả. Đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 55 ngàn ha, tương ứng 61,11%.
Để đạt được kế hoạch đã đề ra, tỉnh đã xây dựng một số giải pháp như: tiếp tục tổ chức lại hình thức sản xuất, hình thành các vùng thâm canh cây ăn quả chủ lực tập trung gắn với phát triển cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm; tăng cường chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm, đặc biệt chế biến sâu gia tăng giá trị và tạo sự khác biệt của một số loại trái cây có lợi thế của tỉnh gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây Gia Lai.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh hình thành trên 25 mô hình sản xuất thâm canh cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/trong-cay-an-qua-theo-tieu-chuan-giai-phap-on-dinh-dau-ra-cho-nong-dan-post322011.html
Bình luận (0)