
Hiện tại, trong điều kiện phát triển mới của đất nước và của Quảng Nam từ cuộc cách mạng cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy; cần nhìn nhận lại để có những giải pháp thích ứng với chặng đường phát triển mới.
Lát cắt từ câu chuyện 50 năm
Sử dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng từ những ngày đầu sau giải phóng quê hương để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đến Quảng Nam - Đà Nẵng lúc đó, được thu hút từ nhiều nguồn khác nhau, từ chiến khu xuống, từ miền Bắc vào, nhưng chiếm tỷ lệ rất ít so với tổng số lực lượng lao động toàn tỉnh.
Năm 1976, số người có trình độ đại học của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là 3.821 người, chiếm 7,26% toàn lực lượng lao động có kỹ thuật. Trong khi đó, có khoảng 800 người có trình độ đại học trở lên, đã làm việc trong vùng kiểm soát của chế độ cũ, chưa được sử dụng bao nhiêu, nhiều người phải chạy vào TP.Hồ Chí Minh và các nơi khác để sinh sống.
Nhận thấy đây là thiếu sót lớn, tháng 4/1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị “Về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ”, và yêu cầu các cấp, ngành sử dụng hết số trí thức cũ; cố gắng chăm lo hơn nữa đời sống của họ.
Nhờ chủ trương này mà nhiều trí thức cũ đã đóng góp tích cực trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, công, nông nghiệp, khoa học - công nghệ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Hồ Nghinh đã có chủ trương linh hoạt trong “cải tạo công, thương nghiệp” bằng hình thức thành lập các công ty hợp doanh, thu hút nguồn lực của giới tư sản dân tộc, những người có tâm huyết với quê hương, tham gia đầu tư phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Sau khi Quảng Nam tái lập, Đảng bộ tỉnh đã đề ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Việc trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa được triển khai thực hiện mạnh mẽ. Tháng 3/2002, UBND tỉnh đã có quyết định về cơ chế, chính sách đào tạo và thu hút nhân tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.
Tỉnh thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có tuyển chọn gửi đi đào tạo ngoài nước. Tỉnh cũng đã thực hiện Đề án 500 và Đề án 600 để tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ cấp xã và miền núi. Những năm sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã tiếp tục cập nhật những chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài.
Có thể thấy, nhờ những chính sách đó, chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Nam đã nâng lên. Tuy nhiên, tư duy về trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua còn luẩn quẩn. Chính sách đào tạo người tài còn nặng tư duy bao cấp và hình thức. Còn lẫn lộn giữa đào tạo nhân tài với đào tạo người có tài, có đức để làm lãnh đạo, quản lý.
Giải pháp cho thời kỳ mới
Chúng ta đang đứng trước thời cơ, tác động của việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, chuyển đổi nền kinh tế theo chiều sâu bằng khoa học công nghệ.

Trước sự thay đổi đó, các địa phương như Quảng Nam sẽ gặp nhiều thách thức mới trong thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, đổi mới tư duy là điều đặt ra.
Địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ mang tính lâu dài. Cần có chiến lược từ giáo dục - đào tạo, đến định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời đại “công dân toàn cầu”, không cần thiết phải có tư tưởng đến Quảng Nam phải có nhà ở Quảng Nam. Điều quan trọng hơn, là xây dựng và thực thi chính sách để trọng dụng người tài có tâm huyết với Quảng Nam từ nơi khác đến và nhân tài ở Quảng Nam ít chạy đi nơi khác làm việc!
Ưu tiên cho các lĩnh vực đột phá, trực tiếp sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân. Hạn chế thực hiện “chính sách tiền mặt” để có người về làm việc, trong khi chưa biết kết quả sẽ ra sao; cần xây dựng môi trường, điều kiện làm việc và chính sách thu nhập cho cá nhân xứng đáng với thành quả làm việc của họ.
Hơn thế, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích để các tổ chức trong xã hội thu hút được người tài, phát triển nhân lực chất lượng cao cụ thể tại cơ sở. Tỉnh không làm thay cơ sở!
Trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sẽ nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tăng cường cấp xã, lãnh đạo cần nhận biết được người có tài, có đức để trọng dụng phù hợp.
Tinh gọn bộ máy hành chính, nhưng phải tăng cường tiềm lực cả cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính và con người (thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ) cho hệ thống sự nghiệp công, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế - công nghiệp dược phẩm, hệ thống sự nghiệp kinh tế (nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, công nghệ thông tin - viễn thông, du lịch, dịch vụ…) đi đôi với cải thiện chế độ tiền lương.
Khi chế độ tiền lương được cải thiện ngang bằng nhau giữa khu vực công và tư, nếu có chính sách phù hợp, tạo môi trường, phương tiện, điều kiện làm việc tốt, thì chắc chắn khu vực công sẽ hấp dẫn, thu hút, giữ chân người tài.
Thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp quản lý cho địa phương quyết định những chính sách phù hợp cho phát triển. Vì vậy, nên nghiên cứu cơ chế, chính sách đồng bộ về đất đai, thuế khóa... về kết quả sáng tạo và đổi mới công nghệ.
Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là xây dựng tiềm lực KH&CN của tỉnh nói chung, công tác nghiên cứu - triển khai nói riêng.
Cần có cơ chế vượt trội để thu hút cán bộ KH&CN đầu ngành trong và ngoài nước đảm nhận xây dựng, vận hành các phòng thí nghiệm trọng điểm, các cơ sở R&D mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Vì vậy, Quảng Nam cũng nên tính toán để có những dự án KH&CN cụ thể.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/trong-dung-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-3151854.html
Bình luận (0)