Xã Trung Thành, huyện Tràng Định có 5 thôn, 286 hộ, với 1.280 nhân khẩu. Những năm qua, để hỗ trợ người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã về phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi.
Ông Nông Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, UBND xã ban hànhcác văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Đặc biệt, xã chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất lâm nghiệp (xã có 4.784 ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 90% diện tích đất tự nhiên), UBND xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng. Từ đó, người dân trên địa bàn xã tập trung phát triển cây keo, bạch đàn, quế, đến nay, diện tích rừng trồng của xã có trên 1.100 ha.
Để người dân có kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, hằng năm, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt (trong đó có trồng rừng). Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất. Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn xã là 11,6 tỷ đồng, với trên 150 hộ vay.
Anh Nông Văn Huy, thôn Khuổi Kìn cho biết: Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn, năm 2021, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp với huyện tổ chức, gia đình tôi đã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu. Trong quá trình chăm sóc, tôi thường xuyên học hỏi thêm kiến thức tại các mô hình trong và ngoài xã, nhờ đó đàn trâu của gia đình phát triển tốt, hằng năm gia đình tôi bán ra thị trường 5 - 6 con, đem lại thu nhập 70 triệu đồng, hết năm 2024, gia đình tôi đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng 3 ha rừng (keo, quế). Dự kiến năm nay rừng keo sẽ cho khai thác, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh tạo điều kiện về vốn vay, cấp ủy, chính quyền xã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn xã đã có 22 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 134 con trâu, lợn, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động, tích cực từ người dân, hiện nay, toàn xã có 90% hộ dân phát triển kinh tế rừng. Đây là 1 trong 4 xã có diện tích rừng lớn của huyện. Ngoài ra, xã còn có các mô hình chăn nuôi như: trâu, lợn, dê… Từ việc khai thác hiệu quả thế mạnh của xã trong phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã qua các năm, hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,71% (giảm 13,59% so với năm 2021); thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,5 triệu đồng/người/năm (năm 2021 là 26,6 triệu đồng/người/năm).
Ông Chu Tuấn Doanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Trung Thành là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện, tuy vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Từ đó, khơi dậy ý chí, quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của người dân. Qua đó, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo chung của huyện. Với kết quả này, tháng 2/2025, xã Trung Thành được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2024.
Nguồn: https://baolangson.vn/trung-thanh-khai-thac-loi-the-de-giam-ngheo-5048244.html
Bình luận (0)