Các đại biểu xem triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý năm 2025 khai mạc chiều 18-5, tôn vinh 135 tập thể và cá nhân là những bông hoa việc tốt từ khắp mọi miền đất nước và các ngành nghề trong năm qua.
Đây là lần thứ 13 triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Từ người nổi tiếng như Trịnh Kim Chi đến ngoại Sáu bán bánh mì
Những tấm gương người tốt bình dị mà cao quý được vinh danh đến từ mọi ngành nghề, lĩnh vực, từ công an tới bác sĩ, nông dân, công nhân, thanh niên khởi nghiệp, người giữ gìn di sản truyền thống, cán bộ, nghệ sĩ, nhà tu hành, người buôn bán nhỏ…
Bà Nguyễn Thị Ngang (còn gọi ngoại Sáu), 88 tuổi, bền bỉ gánh bánh mì giá rẻ mỗi ngày - Ảnh: BTC
Có người đã nổi tiếng trong cộng đồng như nghệ sĩ Trịnh Kim Chi. Cũng có những người bình dị giữa đời thường - như ngoại Sáu (bà Nguyễn Thị Ngang, sinh năm 1936, ngụ khu phố 3, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với gánh bánh mì giá rẻ trên vai suốt mấy chục năm làm bạn với những người nghèo.
“Từ gánh bánh mì nhỏ, bà lan tỏa tình người, để lại bài học quý về lòng nhân ái và một lối sống đẹp giữa đời thường”, TS Vũ Mạnh Hà - giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - nói.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi được tuyên dương vì những cống hiến trong nghệ thuật và công tác xã hội.
Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, với vai trò đạo diễn, diễn viên và nhà quản lý, Trịnh Kim Chi đã cống hiến nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, tôn vinh truyền thống yêu nước và cách mạng. Đồng thời, bà tích cực tham gia đào tạo nghệ sĩ trẻ, truyền nghề và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam Bộ.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi được giới thiệu tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Với cương vị trưởng Ban Ái hữu nghệ sĩ, Trịnh Kim Chi đã chăm lo chu đáo cho nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, duy trì các hoạt động tôn vinh nghề, như lễ giỗ Tổ sân khấu và chăm sóc Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM.
Còn anh Hoàng Văn Diệp - trưởng thôn làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - thì luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc, lắng nghe ý kiến người dân và đề xuất cấp trên giải quyết.
Đặc biệt trong trận lũ quét ngày 10-9-2024, anh đã chủ động sơ tán các hộ dân vùng nguy hiểm trước khi lũ ập đến.
Khi toàn thôn bị vùi lấp, mất điện, mất liên lạc, anh lập tức báo tin đến chính quyền để huy động cứu hộ.
Anh Diệp trực tiếp phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, tổ chức sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn, hỗ trợ lực lượng chức năng nhận dạng nạn nhân và lo hậu sự chu toàn.
Đồng thời anh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến làng Nủ ủng hộ đúng người, đúng đối tượng, động viên người dân vượt qua mất mát.
Với những đóng góp to lớn, ngày 7-10-2024 anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Nhiều tấm gương khác ở triển lãm cũng khiến người xem cảm phục như tấm gương bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nam - người thầy thuốc trẻ tận tụy, từng cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch.
Hay thượng úy Nguyễn Viết Quân dũng cảm cứu sống 4 người trong vụ cháy tại Quỳnh Lôi, Hà Nội năm 2024.
Trưởng thôn làng Nủ Hoàng Văn Diệp (người chỉ tay) hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn sau lũ quét - Ảnh: BTC
Khẩu hiệu “người tốt, việc tốt” là bắt nguồn từ tên bộ sách Bác Hồ chỉ đạo
Triển lãm còn trưng bày bộ sách Người tốt, việc tốt, được xuất bản lần đầu năm 1968 theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khoảng giữa năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tập hợp lại những bài báo, xác minh thêm và biên tập rồi cho xuất bản thành sách để mọi người cùng học tập, noi theo.
Bộ sách có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời kỳ đó, được coi như một nguồn động viên tinh thần lớn lao. “Người tốt, việc tốt” trở thành khẩu hiệu thi đua rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống nhân dân.
Bộ sách Người tốt, việc tốt được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Triển lãm cũng trưng bày một số huy hiệu Bác Hồ do các cá nhân được trao tặng, tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Cuối năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng huy hiệu mang tên “huy hiệu Bác Hồ” cho những gương làm việc tốt.
Bác Hồ cho rằng: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy. Còn những việc nhỏ, bình thường, nhưng ích nước, lợi dân thì hay bị xem thường”.
Vì vậy mỗi khi đọc báo hay nghe đài, thấy có gương người tốt, việc tốt, Bác thường đánh dấu lại, yêu cầu xác minh và thưởng huy hiệu cho những gương người tốt đó.
Theo các tài liệu tổng kết phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, từ năm 1959 - 1969 đã có khoảng 5.000 người tốt, việc tốt được Bác tặng thưởng huy hiệu mang tên Người.
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 8.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-thon-lang-nu-ngoai-sau-ban-banh-mi-la-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-20250518194715337.htm
Bình luận (0)