Hệ thống di sản được gìn giữ, tôn tạo là niềm tự hào của người Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng

Huế không ồn ào như những nơi bứt phá kinh tế, không phô trương trong cuộc đua tăng trưởng ngắn hạn, nhưng lại luôn hiện diện ở những bước ngoặt sâu sắc của quốc gia - bằng khí chất trầm tĩnh, bằng tư duy chiều sâu, và bằng sức mạnh nội tại của một đô thị văn hóa, di sản, tri thức.

Cải cách thể chế lần này có thể xem là cú hích lớn để Huế khẳng định mô hình phát triển độc đáo của mình: Không chạy theo mở rộng không gian hành chính, mà kiên trì với định hướng “Phát triển nội sinh từ chiều sâu văn hóa, di sản và con người”.

Trong mô hình CQĐPHC, các xã, phường sẽ có thẩm quyền mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực như đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường, trật tự đô thị, di tích, du lịch, giáo dục, y tế… Đây là điều kiện rất thuận lợi để Huế chủ động hơn trong quản lý không gian đô thị cổ, vùng đệm di sản, cảnh quan sông Hương - núi Ngự và hệ thống đền đài, lăng tẩm. TP. Huế giờ đây sẽ có thể nhanh nhạy hơn trong xử lý các vấn đề phát sinh, phát huy hiệu quả mô hình quản trị địa phương phù hợp với đô thị di sản.

Trong thời điểm cả nước chuyển đổi mô hình quản trị, Huế càng cho thấy tư duy đi trước thời đại của mình. Từ nhiều năm trước, thành phố đã từng bước hướng tới việc xây dựng “Chính quyền thân thiện, gần dân”, kết hợp giữa công nghệ số và nghệ thuật ứng xử truyền thống. Những mô hình như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hành lang di sản số”, “Không gian văn hóa cộng đồng”, hay các chính sách khuyến khích bảo tồn nhà rường, nhà cổ do người dân tự quản… chính là biểu hiện sống động của mô hình quản lý gắn với văn hóa - điều mà không nhiều địa phương khác có thể áp dụng thành công.

Việc chuyển sang CQĐPHC còn giúp giải phóng nguồn lực, tăng tốc các chương trình phát triển trọng điểm mà TP. Huế đang theo đuổi như: Chỉnh trang đô thị gắn với di sản, di dời dân cư khu vực I Kinh thành, phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa - tâm linh, bảo tồn phố cổ Bao Vinh, phục hồi hệ thống mặt nước ven sông Hương, mở rộng một số trục đường như “đại lộ văn hóa” xuyên thành phố.

Từ góc nhìn quốc gia, Huế trong thời khắc này là điểm cân bằng quý giá giữa cái mới và cái bền vững, giữa cải cách và bảo tồn. Không phải nơi nào cũng có thể gìn giữ được chiều sâu văn hóa truyền thống trong một quá trình cải cách hành chính mạnh mẽ; nhưng Huế có thể. Bởi vì bản thân văn hóa Huế đã là một mô hình quản trị. Từ sự chặt chẽ trong ngôn ngữ hành chính thời Nguyễn, đến nghi lễ cung đình, lối sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên - tất cả là nền tảng để Huế thích nghi với những mô hình mới mà không bị đánh mất mình.

Và từ trong chiều sâu ấy, Huế không đứng ngoài cải cách, mà đứng đúng nơi mình cần phải đứng: Trầm tĩnh nhưng chủ động, lặng lẽ nhưng kiến tạo, không phô trương nhưng đầy bản lĩnh. Trong mô hình mới, không gian phát triển của Huế sẽ không chỉ là địa lý, mà là không gian sáng tạo, không gian văn hóa, không gian sống tử tế - nơi con người được tôn trọng, quá khứ được nâng niu và tương lai được gieo mầm từ lòng đất Cố đô.

Có thể nói, Huế hôm nay không cần quá nhiều lời tuyên ngôn. Bởi chính sự lặng lẽ bền bỉ của thành phố, chính chiều sâu thể chế được tích lũy qua các đời vua - quan - dân, và chính triết lý “Lấy văn hóa làm nền tảng cho phát triển” là bản tuyên ngôn mạnh mẽ nhất cho thời kỳ mới.

Ngày 1/7/2025 - cả nước rút gọn đơn vị hành chính, đổi mới mô hình tổ chức - còn Huế, vẫn giữ trọn không gian của mình, nhưng thổi vào đó một luồng thể chế mới: Chủ động, linh hoạt, gần dân, minh bạch và mang bản sắc Cố đô. Đó không chỉ là thời khắc lịch sử của quốc gia, mà cũng là thời khắc rất Huế.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn (ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội)

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tu-do-thi-di-san-den-khong-gian-the-che-doi-moi-khi-ban-sac-gap-go-cai-cach-155211.html