Khi "lòng phơi phới dậy tương lai"
Hòa cùng hàng loạt chương trình nghệ thuật mừng Ngày đất nước thống nhất được tổ chức rộng khắp mọi miền Tổ quốc, tại đầu cầu Hà Nội - "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", dịp này cũng diễn ra nhiều chương trình lớn được chờ đợi. Trong đó, phải kể đến chương trình Ký ức Trường Sơn do Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN thực hiện, dự kiến diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 27.4.
Chương trình Bài ca chiến thắng diễn ra tối 25.4
Người đảm trách vai trò viết kịch bản và tổng đạo diễn là một tên tuổi gạo cội trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn: NSND Trần Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát.
Từng thực hiện vô số chương trình nghệ thuật chào mừng những ngày lễ trọng của đất nước trong bề dày hơn 50 năm làm nghề của mình, từ sàn tập của Ký ức Trường Sơn, NSND Trần Bình xúc động chia sẻ với Thanh Niên: "Có lẽ chưa lần nào lại khiến tôi cảm thấy "trọng trách" như lần này. Vẫn những ca khúc cách mạng quen thuộc qua bề dày năm tháng, nhưng khi được cất lên từ không gian sang trọng của Nhà hát Lớn và đặc biệt là trong không khí nao nức mừng ngày lễ trọng của đất nước ở cột mốc đẹp 50 năm, thêm lần nữa, ký ức Trường Sơn, ký ức hào hùng của những con người "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai" lại khiến chúng ta xúc động hơn bao giờ, là một dịp để chúng ta được nghĩ sâu hơn về giá trị sống, giá trị làm người - những giá trị thiêng liêng chưa bao giờ cũ".
NSND Trung Đức và NSND Thu Hiền sẽ tái ngộ khán giả trên "chuyến tàu ký ức"
ẢNH: BTC
Chọn điểm xuất phát là cột mốc chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve năm 1954, cũng là năm đất nước bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17 và kéo dài tới tận 21 năm sau đó, chuyến tàu Ký ức Trường Sơn lần lượt đi qua 4 "sân ga"với các chủ đề: Chia cắt; Vì miền Nam ruột thịt, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Tri ân.
Tại "sân ga" số 1, nỗi đau chia cắt "ở hai đầu nỗi nhớ" được khắc dấu qua những ca khúc khắc khoải lay động lòng người: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tình ca, Xa khơi... "Sân ga" số 2 là con đường huyết mạch Trường Sơn, con đường huyền thoại được tạc nên bởi những con người căng tràn dũng khí, với Xuân chiến khu; Chào em cô gái Lam Hồng; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Cô gái mở đường; Đêm Trường Sơn nhớ Bác; Cùng anh tiến quân trên đường dài; Chiếc gậy Trường Sơn... "Sân ga" số 3 gồm các toa tàu ký ức: Hành khúc ngày và đêm; Tiến về Sài Gòn; Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh... "Sân ga" số 4 là các toa tàu: Kỷ niệm của tôi (một sáng tác còn ít người biết tới của nhạc sĩ Phú Quang), Giai điệu Tổ quốc, Em vẫn đợi anh về, Bài ca không quên...
"Chuyến tàu ký ức" cũng là dịp để chúng ta nghe lại những giọng ca đi cùng năm tháng: NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSND Quang Thọ, NSND Trung Đức, NSND Quốc Hưng, Bảo Yến... và các nghệ sĩ lớp sau như: NSND Phạm Phương Thảo, NSND Hồng Hạnh, NSƯT Việt Hoàn... cùng MC sở hữu chất giọng giàu màu sắc tự sự: MC Chiến Thắng. Sức hút của chương trình được minh chứng bằng lượt vé bán ra đầy tự tin của nhà tổ chức mà trong đó, người viết kịch bản và tổng đạo diễn vốn là một "ông bầu" nổi tiếng mát tay.
Rạo rực "Bài ca chiến thắng"
Trước đó, tối 25.4 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ là chương trình hòa nhạc giao hưởng dân tộc - thính phòng Bài ca chiến thắng do Nhà hát Ca múa nhạc VN thực hiện (chương trình đồng thời được livestream trên các nền tảng số). Chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng danh tiếng Lê Phi Phi. Người đảm trách lên kịch bản và tổng đạo diễn là một gương mặt trẻ, hiện là Phó giám đốc Nhà hát: NSƯT Trường Bắc, cùng sự góp mặt của các giọng ca đang độ chín nghề: giọng opera tên tuổi Đào Tố Loan, NSƯT Tố Nga, NSƯT Lương Huy, Lê Anh Dũng, Hà Lê... cùng dàn hợp xướng Nhà hát Ca múa nhạc VN, dẫn chương trình: MC Nguyên Bảo.
NSƯT Trường Bắc - tác giả kịch bản, tổng đạo diễn, cũng là nghệ sĩ biểu diễn tại chương trình Bài ca chiến thắng
NSND Trần Bình - tác giả kịch bản và tổng đạo diễn chương trình Ký ức Trường Sơn
ẢNH: NVCC
Bức chân dung Bài ca chiến thắng được phác nên từ 3 mảng màu: Khát vọng hòa bình - Bài ca ra trận - Chào mùa xuân chiến thắng. Thêm lần nữa, Câu hò bên bờ Hiền Lương (hát - hòa tấu) được cất lên, mở đầu cho hành trình gian lao đi tới ngày toàn thắng. Phần 1 - Khát vọng hòa bình chất chứa những ánh nhìn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt với Vì miền Nam; Trăng sáng đôi miền; Bài ca hy vọng; Tình ca... Phần 2 - Bài ca ra trận là nguồn cảm hứng hào sảng về hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (hợp xướng); Lời ca dâng Bác... và những cảm xúc náo nức vui tươi như Chào em cô gái Lam Hồng; Anh quân bưu vui tính... hay khắc khoải nhớ mong như Ở hai đầu nỗi nhớ; Bóng cây Kơ Nia; Em vẫn đợi anh về... Phần 3 - Chào mùa xuân đại thắng, lúc bừng lên với Huế - Sài Gòn - Hà Nội; Bão nổi lên rồi; Đất nước trọn niềm vui; Trên đường chiến thắng (hòa tấu)..., lúc lại da diết mênh mang với Nhớ về Hà Nội; Tổ quốc yêu thương...
"Để thực hiện chương trình đặc biệt này, lần đầu tiên chúng tôi kết hợp một dàn nhạc giao hưởng dân tộc - thính phòng với quy mô lớn chưa từng có", NSƯT Trường Bắc cho biết. Người viết kịch bản và đạo diễn chương trình cũng xúc động chia sẻ với Thanh Niên: "Chúng tôi làm chương trình này không phải chỉ để nhìn lại quá khứ, mà là để nhắc nhở rằng hôm nay - trong từng nụ cười, từng bước đi bình yên của đất nước - đều có bóng dáng của những con người đã đi trước. Tôi mong rằng mỗi khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, khi theo dõi chương trình, sẽ cảm nhận được niềm tự hào, biết ơn, và trên hết là ý thức giữ gìn những giá trị quý báu ấy trong hành trình của chính mình".
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-ky-uc-truong-son-den-bai-ca-chien-thang-185250424231403507.htm
Bình luận (0)