Khách du lịch tham quan, khám phá văn hóa di sản |
Chủ động
Tại các buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới, Phú Vang và Quảng Điền, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Đức Tiến luôn nhấn mạnh rằng, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây là niềm tự hào rất lớn, khẳng định vai trò, vị thế của Huế. Chính vì vai trò của một thành phố trực thuộc Trung ương trong dòng chảy phát triển chung của đất nước, nên thành phố Huế nói chung và các địa phương sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần, tự lực, chủ động trong các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Để đưa thành phố Huế ngày càng phát triển, vai trò, trách nhiệm của mỗi một cán bộ, đảng viên càng được đề cao hơn; trong đó, cán bộ đảm nhiệm ở vị trí lãnh đạo càng cao, trách nhiệm sẽ phải càng lớn và nặng nề hơn. Điều này luôn được lãnh đạo thành phố nhấn mạnh trong các hội nghị Thành ủy, các cuộc làm việc với các địa phương, sở, ngành thời gian qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Đức Tiến: “Giải quyết công việc trong bộ máy Nhà nước cũng như trong một gia đình vậy. Nếu trông chờ hay phụ thuộc người khác sẽ rất bị động. Phải nỗ lực, tự lực trước, chủ động suy nghĩ các hướng đi dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu những mô hình kinh tế mới, phù hợp với địa phương và có tính đón đầu để áp dụng”.
Làm việc với các cán bộ chủ chốt huyện A Lưới trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh vấn đề tự lực, chủ động trong các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Nếu cán bộ, người dân A Lưới vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài mà không tự tham gia sản xuất, triển khai các mô hình kinh tế; học sinh không có ý thức vươn lên, không tập trung cho học tập thì rất khó để A Lưới có thể thoát nghèo bền vững, vươn mình cùng thành phố.
Khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Huế tại sự kiện trao quyết định công nhận thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng sự nỗ lực của thành phố Huế và cũng đặt ra yêu cầu, xét về các chỉ số phát triển, như quy mô kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, Huế vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Từ năm 2025, thành phố Huế bước vào giai đoạn phát triển mới, với vị thế mới của thành phố trực thuộc Trung ương nên cần tiếp tục nỗ lực, tự lực, tự cường hơn nữa để phát triển xứng tầm.
Xác định nội lực để phát triển
Tự lực, tự cường, chủ động triển khai các giải pháp phát triển KT-XH, trước hết các địa phương phải xác định đúng nội lực, tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương mình; từ đó, có những ưu tiên theo thứ tự để tập trung các giải pháp phát triển.
Chẳng hạn như với quận Thuận Hóa, ưu tiên quan trọng nhất là phát triển dịch vụ. Quận cần tiếp tục hoàn thiện, nâng chất lượng các dịch vụ để phục vụ khách tốt nhất. Phú Xuân lợi thế là không gian cổ kính, yên bình gắn với hệ thống di sản, nên quận cần sớm hình thành những mô hình du lịch để phát huy tối đa thế mạnh văn hóa di sản. Với A Lưới, ưu tiên quan trọng hơn cả là phát triển kinh tế gắn với rừng, chuyển đổi cây trồng, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng dược liệu…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Đức Tiến phân tích, Quảng Điền là địa phương có các lợi thế phát triển rất rõ. Đó là du lịch biển và đầm phá; có diện tích nông nghiệp lớn. Từ những lợi thế, cần có những giải pháp mới hơn để phát triển du lịch. Chủ động thu hút đầu tư, nâng chất lượng dịch vụ du lịch; kết nối với doanh nghiệp để đưa khách đến sử dụng dịch vụ. Với nông nghiệp, cần suy nghĩ, chủ động nghiên cứu áp dụng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nếu duy trì sản xuất theo phương thức cũ sẽ rất khó để làm thay đổi về quy mô và hiệu quả kinh tế.
Với tâm thế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam, đó cũng sẽ là định hướng xuyên suốt trong các chiến lược phát triển của Huế. Nội lực của Huế là có, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, các sản phẩm du lịch của Huế chỉ mới khai thác được phần “xác” của văn hóa di sản, khách đến chủ yếu tham quan, khám phá. Còn phần “hồn” là những trải nghiệm, sống cùng văn hóa di sản thì chưa thể khai thác hết. Vì vậy, tập trung các giải pháp để khai thác tối đa lợi thế văn hóa di sản là yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch trong thời gian đến.
Với lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, những định hướng phát triển cũng đã được đặt ra. Đó là phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đối với nông nghiệp, phải thúc đẩy phát triển công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu… Với những lợi thế, nội lực đã được xác định, kỳ vọng trong thời gian tới, Huế sẽ bứt phá trong phát triển.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-luc-chu-dong-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-152161.html
Bình luận (0)