Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tuổi thơ con

Chiều rơi dần trên mái ngói rêu phong. Những vệt nắng muộn lặng lẽ luồn qua kẽ lá, in bóng dài trên khoảng sân nhỏ trước hiên nhà. Tuấn ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ, ánh mắt dịu dàng dõi theo hai đứa con đang nô đùa với mấy hòn sỏi. Tiếng cười trẻ thơ vang lên trong veo giữa một ngày cuối tuần yên bình. Anh mỉm cười, lòng chợt se lại như một dòng nước âm thầm chảy qua kẽ đá.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị10/05/2025

Tuấn, hơn ba mươi tuổi, là công chức một cơ quan nhà nước. Công việc ổn định, đời sống gia đình không quá dư dả nhưng đủ đầy, ấm áp. Vợ anh là giáo viên, hiền lành, đảm đang. Họ có hai con, một trai một gái. Cuộc sống tưởng chừng giản dị nhưng lại đòi hỏi nhiều nỗ lực âm thầm. Tuấn không chỉ là một người chồng tận tụy mà còn là người cha mẫu mực - điều mà không phải ai cũng hiểu, hoặc thậm chí có người xem nhẹ.

Tuổi thơ con

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Ở cơ quan, có lúc Tuấn cảm nhận rõ những ánh mắt ái ngại, vài lời xì xào khi anh từ chối tụ họp sau giờ làm, không nhận thêm việc ngoài giờ hay bỏ lỡ vài cơ hội thăng tiến vì “bận chăm con”. Có người chặc lưỡi: “Tuấn là đàn ông của gia đình đấy, chỉ biết quanh quẩn với vợ con”. Có người bóng gió: “Làm cha mà mềm lòng quá thì sau này con nó hư”. Nhưng anh chỉ mỉm cười, lặng lẽ. Bởi lẽ, có những giá trị không cần được chứng minh bằng lời nói. Anh tin rằng, tuổi thơ của con nếu bỏ lỡ thì dù có bỏ vàng cũng không mua lại được. Đó không chỉ là triết lý sống, mà còn là niềm tin vững chắc đã nảy mầm từ thuở anh còn thơ bé.

Ngày ấy, Tuấn lớn lên trong một gia đình đông con. Cha anh là bộ đội, thường xuyên vắng nhà. Mẹ tảo tần bán buôn, sớm hôm lo miếng cơm manh áo. Anh không trách cha nhưng cũng chưa từng quên cảm giác trống trải mỗi lần tập xe đạp một mình hay đi họp phụ huynh mà không ai đi cùng. Những khoảnh khắc nhỏ nhặt ấy hằn vào ký ức như vết cứa lặng lẽ, không chảy máu nhưng âm ỉ suốt đời. Tuấn từng thề với lòng, sau này nếu có con, anh sẽ không để chúng cô đơn trong tuổi thơ. Anh sẽ hiện diện, không chỉ bằng hình bóng mà bằng cả trái tim và thời gian sống cùng con.

Có lần, cậu con trai đầu lên cơn sốt giữa đêm. Tuấn vừa làm báo cáo về nhà, chưa kịp thay áo đã vội chạy vào buồng. Thằng bé thở khò khè, trán nóng hầm hập. Vợ anh rơm rớm nước mắt. Cả đêm ấy, Tuấn bế con trên tay, vừa dỗ, vừa canh nhiệt độ. Khi bình minh ló rạng, cơn sốt hạ xuống, thằng bé thiếp đi trong vòng tay anh. Tuấn ngồi đó, áo ướt đẫm mồ hôi con, tóc rối bời, mắt thâm quầng, nhưng trái tim thì nhẹ bẫng. “Mình làm cha rồi. Làm cha thật rồi” anh nghĩ.

Từ ấy, mỗi tối, anh đều dành thời gian đọc sách cho con. Mỗi sáng, anh chuẩn bị bữa sáng, đưa con đi học. Thời gian rảnh thì dạy con rửa chén, lau nhà. Những điều nhỏ bé, nhưng Tuấn tin, đó là cách gieo mầm nhân cách. Người xưa có câu: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá” - Nuôi mà không dạy là lỗi của cha. Dạy không chỉ bằng lời, mà bằng cả sự hiện diện âm thầm. Không phải bằng roi vọt hay lời quát tháo, mà bằng gương sáng mỗi ngày.

Một lần, cơ quan anh mở rộng phòng ban, cần người đứng đầu dự án mới. Tuấn có đủ năng lực, kinh nghiệm, lại được nhiều người quý trọng. Nhưng vị trí ấy yêu cầu đi công tác thường xuyên, thậm chí xa nhà hàng tuần. Vợ anh ủng hộ, bảo anh cứ mạnh dạn nhận. Nhưng đêm ấy, khi nghe con gái thủ thỉ “Ba kể chuyện tiếp cho con nha” và cậu con trai véo tay áo ba hỏi “Ba đi công tác rồi ai đón con học về?”, Tuấn bỗng thấy lòng mình như bị bóp nghẹt.

Anh từ chối nhận vị trí đó. Người ta ngạc nhiên. Có người tiếc cho anh. Nhưng cũng có người lặng lẽ nhìn anh bằng con mắt khác - một cái nhìn sâu hơn, nể hơn.

Một chiều cuối năm, khi hai đứa trẻ hí hoáy làm thiệp tặng cha mẹ, con gái Tuấn cười tươi đưa anh mảnh giấy: “Ba ơi, con vẽ ba là siêu nhân, lúc nào cũng bên con”. Tuấn lặng đi. Không phải vì tấm thiệp đẹp, mà vì dòng chữ run run mực lem: “Ba là người bạn thân nhất của con”.

Anh bỗng nhớ đến câu hát trong bài Mẹ tôi của Trần Tiến: “Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt”. Một tuổi thơ được chắp cánh bằng tình yêu thương, sự có mặt và chở che, chính là món quà quý giá nhất anh có thể để lại cho con mình - như chiếc gối mềm mại nâng đỡ cuộc đời.

Nhiều năm sau, khi con cái khôn lớn, rời xa vòng tay cha mẹ, Tuấn tin rằng những ký ức đẹp sẽ trở thành điểm tựa cho chúng bước tiếp. Những lần cùng nhau dọn sân, những buổi tối cùng nhau đọc sách, những buổi sáng cha cột tóc cho con gái, hay ánh mắt dịu dàng khi con trai vấp ngã... sẽ là hành trang âm thầm mà bền bỉ. Có người dùng tuổi thơ để chữa lành cuộc đời. Cũng có người dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Tuấn không muốn làm cả hai. Anh chỉ chọn một điều: làm sao để con mình có một tuổi thơ không cần chữa lành.

Dưới tán cây bàng già, khi chiều muộn buông xuống, Tuấn ngồi yên nhìn hai đứa con chạy nhảy, lưng áo lấm lem đất cát, nụ cười rạng rỡ dưới ánh nắng cuối ngày. Anh mỉm cười. Trong cái nhìn xa xăm và dịu hiền ấy, có cả một tuổi đời đang lặng lẽ gối đầu lên tuổi thơ con.

Trần Tuyền

Nguồn: https://baoquangtri.vn/tuoi-tho-con-193549.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm