Thiệt hại lớn
Cập nhật mới nhất của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 11h00 ngày 18 đến 11h00 ngày 19-5), trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tại Chiêm Hóa, các xã: Bình Phú lượng mưa đo được là 114mm, Hà Lang 109mm. Huyện Yên Sơn, các xã: Hoàng Khai lượng mưa đo được lên đến 163mm, Tiến Bộ 139mm. Huyện Na Hang, xã Hồng Thái 126mm. Huyện Sơn Dương, các xã Thượng Ấm 146mm, Tân Trào 111mm.
Lực lượng chức năng huyện Na Hang vệ sinh đường giao thông sau mưa lũ.
Mưa lớn dồn dập đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất của người dân và mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực trong tỉnh đang ở trạng thái gần bão hoà (trên 85%) hoặc đã đạt đến trạng thái bão hoà nguy cơ sạt lở đất ở các khu vực vùng núi, taluy rất cao.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 15h ngày 19-5, đã có 302 nhà dân bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó nhiều nhất tại Na Hang, với trên 100 nhà. Ngoài ra gần 200 ha lúa, ngô, rau màu và cây lâm nghiệp bị đổ gãy, ngập úng; trên 9 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, 2 lồng cá bị lũ cuốn trôi; 21 vị trí giao thông trên các tuyến đường của huyện Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương bị mưa lũ làm hư hỏng, sạt lở…
Đồng chí Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, mới vào đầu mùa mưa, tuy nhiên đã xuất hiện những trận mưa rất lớn, gây thiệt hại nặng đến tài sản, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Thực tế đã cho thấy, trong những ngày vừa qua, liên tiếp xảy ra hiện tượng sạt lở ở các địa phương trên địa bàn huyện đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân và các công trình.
Cũng theo phản ánh của người dân trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn thời tiết đang có diễn biến bất thường, mưa lớn xuất hiện ngay từ đầu vụ, không theo quy luật, tác động xấu đến hoạt động sản xuất, thiệt hại tài sản của người dân.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Theo đồng chí Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang, ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lớn và ngập, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Công nhân Hạt giao thông Na Hang thu dọn đất sạt trượt xuống đường, đảm bảo giao thông thông suốt
Hiện tại toàn bộ tuyến đường trên địa bàn thị trấn Na Hang đi xã Sơn Phú đã được các đơn vị chuyên môn huy động máy móc, nhân lực thu dọn đất đá sạt trượt đảm bảo giao thông thông suốt. Đến 7h ngày 19-5, các tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã đã trở lại bình thường. Riêng với các hộ bị đất sạt trượt cũng đã được bà con lối xóm, lực lượng dân quân hỗ trợ nhân lực để san gạt, gia cố lại nhà ở an toàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua kiểm tra, một số địa phương của huyện Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang có diện tích ngô, lúa bị mưa lớn làm đổ, gãy, ngập úng. Chi cục đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện hướng dẫn người dân khơi thông hệ thống mương máng tiêu thoát nước ứ đọng, tạo điều kiện cho cây trồng phục hồi.
Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chia sẻ, dù mới vào đầu mùa mưa nhưng những trận mưa lớn, rất lớn đã xuất hiện, báo động ở cấp độ 2 (cấp độ rất nguy hiểm) cho thấy mức độ thiên tai năm nay khó dự đoán và rất nguy hiểm. Thêm vào đó, mưa lớn, dông lốc lại tập trung xảy ra vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Do đó, để hạn chế thiên tai người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, nhanh chóng di dời đến nơi an toàn bảo vệ mình, người thân.
Trong kế hoạch Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang yêu cầu: Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra chặt chẽ các vị trí xung yếu, cắm biển cảnh báo nghiêm cấm người dân đi vào khu vực nguy hiểm; thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, lượng mưa trên các nền tảng xã hội và truyền thanh để người dân nắm được. Khi thiên tai xảy ra thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/ung-pho-khac-phuc-hau-qua-mua-lon-212127.html
Bình luận (0)