Khi chiến sĩ được cán bộ đồng hành, tin tưởng, quan tâm động viên kịp thời, nhất là những khi họ gặp khó khăn… sẽ là cội nguồn sức mạnh để chiến sĩ yên tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Để làm được điều đó cần phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các cá nhân trong toàn đơn vị. Trong đó, vai trò cán bộ là “then chốt” trong việc nắm, hiểu biết rõ về đặc điểm tâm lý đối tượng quản lý; thấu cảm nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội và có cách thức giải quyết kịp thời. Khi bộ đội được thỏa mãn nhu cầu nào đó sẽ là “cội nguồn tích cực” giúp họ vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Kiểm tra lễ tiết, tác phong quân nhân. 

Chiến sĩ thường ở độ tuổi 19-22, họ như “tấm chiếu mới, chưa trải sự đời, mong manh dễ vỡ”. Nên cán bộ trung đội, đại đội cần phải nắm được đặc điểm này, để có phương cách quản lý, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội đạt được hiệu quả cao nhất.

Về trình độ văn hóa, chất lượng chính trị, điều kiện thể lực. Thực tế chất lượng chiến sĩ nhập ngũ hiện nay cho thấy: Trình độ tốt nghiệp cấp ba khoảng (65%), cấp hai (30%); và có khoảng (5%) đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học; tỷ lệ là đảng viên khoảng 4,5%; chất lượng chính trị bảo đảm tốt; nền tảng thể lực dồi dào…. Với các điều kiện thuận lợi trên rất cần thiết cho quá trình chiến sĩ học tập, huấn luyện, rèn luyện ở các đơn vị; giúp họ nhanh chóng hình thành tính cách, khí chất, bản lĩnh quân nhân cách mạng - xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Về cảm xúc tình cảm, do đặc thù lứa tuổi thanh niên nên đa số chiến sĩ đều có chung tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn; trân quý tình cảm của ông bà, cha mẹ; với môi trường mới có tính chất đặc thù nên có nhiều cảm xúc muốn được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè cùng trang lứa; mong  được mọi người quan tâm, yêu thương và muốn có cảm giác được an toàn từ sự đồng hành, hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quá trình họ thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị.

Về ý chí, tuyệt đại đa số chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, ý chí quyết tâm cao, trách nhiệm tốt với bản thân, đơn vị để vượt lên chính mình, thông qua các điều kiện huấn luyện, rèn luyện, chiến đấu khắt khe của đơn vị (thực hành 3 tiếng nổ, hành quân rèn luyện mang vác nặng ban ngày, ban đêm; diễn tập tổng hợp có bắn đạn thật, kết hợp làm công tác dân vận dài ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp...). Tuy nhiên, vẫn còn một số chiến sĩ do chưa nhận thức đúng, đủ về vai trò, trách nhiệm của bản thân với đơn vị và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nên có tâm lý sợ khó khăn vất vả, tư tưởng cầm chừng, dẫn tới hành vi thoái thác nhiệm vụ.

Nhu cầu là một trạng thái tâm lý vốn có ở con người, nó bộc lộ rất phong phú tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính, điều kiện bản thân, gia đình, tính cách, khí chất của chủ thể; có cả nhu cầu chính đáng và bất chính đáng. Với chiến sĩ ở các đơn vị hiện nay, các nhu cầu chính đáng có thể khái quát đó là: Những mong muốn được cấp trên, đơn vị đáp ứng điều gì đó liên quan đến ăn, ở, mặc, đi lại, chế độ học tập, rèn luyện, mối quan hệ giao tiếp, được chia sẻ thông tin, được làm những việc mình thích, mình có năng khiếu….

Cán bộ trực tiếp quản lý, huấn luyện cần chú ý đến nhu cầu mong có điều kiện, cơ hội được khẳng định bản thân trong công tác của chiến sĩ. Do vậy, cán bộ khi tiếp nhận, quá trình công tác cần tinh tế nhìn nhận, phát hiện những năng khiếu, sở trường của từng quân nhân. Từ đó tiếp tục có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn để chiến sĩ được tôi rèn chuyên môn và được khẳng định giá trị bản thân trong các hội thi, hội thao ở các cấp, sau đó mỗi họ có thể trở thành các tài năng cho đơn vị và quân đội.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng, và nhờ kỷ luật nghiêm”. Học theo Bác Hồ, yêu cầu cán bộ các cấp cần thực hiện tốt nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tự phê bình và phê bình”, “liêm chính”, bảo đảm đầy đủ chế độ tiêu chuẩn, chính sách quân nhu, quân lương, quân trang, vật tư công tác Đảng, công tác chính trị, duy trì phong phú đời sống văn hóa, chính trị tinh thần cho chiến sĩ. Góp phần xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh.

Cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần có sự trao đổi, thống nhất và phân công cán bộ duy trì có nền nếp, chất lượng chế độ sinh hoạt chính trị tinh thần, tăng cường đối thoại dân chủ với bộ đội; qua đó kịp thời lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, tâm tư, tình cảm và có cách giải quyết thỏa đáng, kịp thời các nhu cầu chính đáng của bộ đội. Tạo sự thống nhất cao trong toàn đơn vị. Đối với những nhu cầu, đòi hỏi không chính đáng cần giải thích, thuyết phục, động viên, tôn trọng nhân cách quân nhân.

Quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội, cán bộ cấp trung đội, đại đội cần kịp thời phát hiện những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong học tập, huấn luyện, rèn luyện, SSCĐ… để giới thiệu đề nghị cấp trên biểu dương, khen thưởng bằng vật chất và tinh thần. Yêu cầu quá trình này phải “công tâm, khách quan”, tránh tư tưởng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “cào bằng, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm”…như thế sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, làm cho thi đua trở thành ganh đua. Đó là một nguyên nhân dẫn tới mất đoàn kết, nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau trong tập thể; làm suy yếu toàn đơn vị.

Thượng tá, ThS PHAN HUY HÙNG - Đại tá, TS HÀ THANH TÙNG - Trung tá, ThS NGUYỄN HỮU THẮNG (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục  xem các tin, bài liên quan. 

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/van-dung-tam-ly-hoc-quan-su-vao-phat-huy-tinh-tich-cuc-chu-dong-sang-tao-cua-chien-si-o-don-vi-hien-nay-822818