
Ngoài lưu giữ tình yêu với cách đọc truyền thống, họ đang dần tiếp nhận những phương thức đọc mới mẻ, thú vị và hiện đại.
Nét đẹp văn hóa lâu đời
Đi dọc đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), không khó để bắt gặp những tiệm sách cũ mang trong mình nét đẹp hoài cổ của kho tàng tri thức một thời. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một tiệm sách cũ trên đường Láng, chia sẻ: “Khách đến đây không chỉ để mua sách mà còn để tìm lại những kỷ niệm gắn liền với những cuốn sách cũ. Có người tìm lại cuốn sách tuổi thơ, có người lại muốn sưu tầm những ấn bản đặc biệt. Tôi luôn cố gắng tạo không gian ấm cúng để mọi người có thể ngồi lại, đọc sách và trò chuyện về những tác phẩm yêu thích”.
Cũng theo ông Minh, giờ đây, mặc dù sách, báo điện tử ngày càng chiếm ưu thế, song nhiều người vẫn giữ thói quen đọc và sưu tầm sách, báo cũ. Với họ, đây vừa là niềm vui, cũng là một nét đẹp văn hóa riêng để bắt nhịp với thời đại số.
Nhiều cuốn sách và tài liệu dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn được lưu giữ cẩn thận trong các hiệu sách trên phố Đinh Lễ, đường Láng… Đó là minh chứng cho sự trân quý tri thức và văn hóa đọc của người Hà thành.
Anh Trần Trung Quân (30 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh có thói quen sưu tầm sách. Trong tủ sách của anh có rất nhiều cuốn sách cổ, sách cũ đa dạng về nội dung và thể loại.
“Đôi khi có những cuốn sách giới hạn số lượng in, các bản đặc biệt hoặc những tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng đã không còn tái bản mà tôi chỉ có thể tìm lại chúng ở những tiệm sách cũ. Đó có thể là những tác phẩm văn học kinh điển, tiểu thuyết lịch sử, sách khoa học, đến các ấn bản hiếm và phiên bản đặc biệt.
Một số người thường nghĩ sách cũ không có chất lượng bằng sách mới. Tuy nhiên, thực tế là sách cũ cũng có dăm bảy loại, có những quyển được người chủ cũ bảo quản một cách cẩn thận vì vậy chúng vẫn sạch sẽ, đẹp như mới. Trong tủ sách của tôi có những cuốn sách cũ còn mới 90 - 95%, mà giá thành thì thấp hơn nhiều”.
Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều phố sách, hội sách, triển lãm sách và đa dạng các quán cà phê sách. Một số không gian nổi bật được nhiều người yêu đọc sách biết tới là phố 19/12, phố sách Đinh Lễ; các nhà sách Kim Đồng, Nhã Nam, Mão…
Ngoài ra, các bạn trẻ cũng rất ưa chuộng loại hình cà phê sách với không gian yên tĩnh như Tiny Café, Nhã Nam, Café Stucolab, The Wiselands Coffee, Le Book club… Những địa điểm này hoặc mở theo định kì hoặc tổ chức các hoạt động đọc sách, phát triển văn hóa đọc quanh năm, tạo thành địa chỉ quen thuộc, là “điểm hẹn” với sách quen thuộc của người Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thùy Phương, nhân viên phòng Truyền thông của Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều chiến dịch và dự án để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi sử dụng các nền tảng này để chia sẻ những bài viết, video giới thiệu sách, tổ chức các cuộc thi đọc sách trực tuyến, và tương tác trực tiếp với độc giả”.
Trong thời đại công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ, các hội nhóm đọc sách trực tuyến thu hút đông đảo sự quan tâm của những người yêu sách từ khắp nơi. Chị Thùy Phương cho biết thêm, yếu tố quan trọng nhất để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với các hoạt động khuyến khích đọc sách là sự sáng tạo và tính tương tác. Giới trẻ ngày nay thích những hoạt động năng động, có tính tương tác cao như các thử thách đọc sách trên mạng xã hội, hay giao lưu trực tuyến với tác giả.
Ngoài công việc tại phòng Truyền thông của Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam, chị Phương còn thể hiện niềm đam mê với sách qua kênh TikTok cá nhân có tên “Loạt soạt”, nơi chị chia sẻ những cảm nhận riêng về sách, về các tác phẩm văn học, đồng thời lan tỏa tình yêu đọc sách đến cộng đồng mạng.
Những nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng đã và đang mang lại kết quả tích cực. Đây không chỉ là cách để duy trì và phát triển văn hóa đọc mà còn là cách để xây dựng một cộng đồng tri thức, nơi mọi người cùng nhau học hỏi, chia sẻ và phát triển.

Hòa nhịp trong thời đại số
Đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe - nhìn đã có tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có cả phương thức đọc và thói quen tìm hiểu học hỏi tri thức thông qua sách.
Sự xuất hiện của sách điện tử (ebook) và các nền tảng đọc sách trực tuyến như Google Play Books hay ứng dụng đọc sách của các nhà xuất bản đã mang đến những lựa chọn mới, tiện lợi và phù hợp với nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, sách truyền thống vẫn giữ được vị thế quan trọng trong lòng những người yêu sách. Sự kết hợp giữa hai hình thức đọc này đang giúp văn hóa đọc tại Hà Nội phát triển đa dạng và phong phú hơn.
Khi được hỏi về thói quen đọc sách trong thời đại mới, Vũ Thị Ngọc Bích, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tôi nhận thấy sự phát triển của công nghệ đã thay đổi thói quen đọc sách của giới trẻ Hà Nội rất nhiều. Mọi người có xu hướng thích đọc sách điện tử vì tính tiện lợi, có thể đọc mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách giấy bởi phương pháp này khiến tôi ít bị xao nhãng hơn, có thể ghi chú lại những đoạn quan trọng. Đọc sách cũng là cách giúp mỗi người giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống”.

Là người có niềm đam mê với sách, Phạm Khánh Ly, sinh viên Học viện Ngoại giao bày tỏ sự đồng tình với những chuyển biến của văn hóa đọc trong thời đại mới. Khánh Ly chia sẻ, sự kết hợp giữa sách truyền thống và sách điện tử trong thời đại 4.0 là rất hiển nhiên và cần thiết.
“Sách giấy mang lại cảm giác chân thật, thuận tiện trong việc ghi chú và đánh dấu. Bên cạnh đó, đọc sách giữ cho đôi mắt của chúng ta khỏe mạnh, tập trung tốt hơn. Nhiều cuốn sách cũng mang giá trị tinh thần khi là món quà từ bạn bè, gia đình hay những cuốn sách được lưu truyền từ thế hệ trước.
Đặc biệt, đọc sách giấy cũng là một cách chúng ta góp phần bảo vệ bản quyền tác giả. Trong khi đó, sách điện tử thì tiện lợi, có thể đem theo mọi lúc mọi nơi và quan trọng nhất là nó phù hợp với nhịp sống hối hả của thời đại. Cả hai hình thức đều mang cho mình những giá trị riêng và có thể bổ sung cho nhau”, Khánh Ly cho biết.
Nhìn chung, sự kết hợp giữa sách truyền thống và sách điện tử được coi là bước tiến trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa đọc của người Hà Nội. “Hà Nội đang thích ứng một cách linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy được giá trị truyền thống của văn hóa đọc.
Để duy trì và phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần tích cực tham gia nhiều hoạt động khuyến khích đọc sách, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Các chương trình như ‘Ngày hội đọc sách’, cuộc thi đọc sách, hay các buổi giao lưu với tác giả sẽ giúp lan tỏa tình yêu với sách đến đông đảo công chúng”, Khánh Ly nhấn mạnh.
Văn hóa đọc đang thích ứng một cách linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống. Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, văn hóa đọc tại Hà Nội đang từng bước phát triển, tạo nên một cộng đồng tri thức năng động, nơi mọi người cùng nhau học hỏi, chia sẻ và phát triển.
Mong rằng, bên cạnh sự phát triển của sách điện tử, thị trường sách in truyền thống sẽ vẫn tồn tại như một phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức.
“Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là sự cạnh tranh với các hình thức giải trí khác như phim ảnh, game, và mạng xã hội. Để vượt trở ngại này, chúng tôi cần tập trung vào việc xây dựng những nội dung hấp dẫn, tận dụng lợi thế từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để tiếp cận giới trẻ được coi là phương pháp hiệu quả” - Nguyễn Thùy Phương, nhân viên phòng Truyền thông của Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam
Nguồn: https://baolaocai.vn/van-hoa-doc-trong-nhip-song-hien-dai-nguoi-tre-va-su-menh-gin-giu-tiep-noi-post401523.html
Bình luận (0)