Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị.
Góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, các đại biểu cho rằng nội dung văn kiện đã phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều điểm mới. Dự thảo báo cáo đề ra nhiệm vụ và các giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế; tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững; các vấn đề về xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, tăng cường công tác xây dựng Đảng.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ thêm công tác phòng chống tham nhũng; phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước. Đề nghị kiểm soát chặt chẽ phân bổ các công trình đầu tư công; tăng cường quản lý tài sản công sau sáp nhập; xử lý nghiêm các vụ án lớn...
Về quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới; nội dung 13 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030, trong đó cần xác định nguy cơ từ bên ngoài tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; cân nhắc quyết định kịch bản tăng trưởng kinh tế đất nước trên 10%; thúc đẩy khởi nghiệp; khai thác thị trường nội địa trong nước; quan tâm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Rà soát, xây dựng lại các quy hoạch từ quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và liên vùng, nhất là quy hoạch tỉnh cho phù hợp với việc phân định lại đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Quan tâm giải quyết việc làm, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, số hóa… đang phát triển mạnh mẽ. Cần có biện pháp khắc phục hệ lụy của già hóa dân số. Nghiên cứu học hỏi các mô hình “kinh tế đầu bạc” của một số quốc gia trên thế giới…
Góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đại biểu cơ bản đồng ý với dự thảo báo cáo. Có ý kiến góp ý về tiêu đề của dự thảo cần bổ sung để phù hợp với đơn vị hành chính mới.
Hải Dương dự kiến sẽ sáp nhập với TP Hải Phòng. Do vậy, trong báo cáo của văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh cần xác định rõ yếu tố thuận lợi, khó khăn tác động sau khi sáp nhập; khai thác hiệu quả các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương; phát huy yếu tố lịch sử; phát triển du lịch khu vực Hải Dương; xử lý các công trình công sau sáp nhập; quan tâm phát triển làng nghề, bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp sạch.
Một số đại biểu cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu xây dựng thành phố mới trở thành trung tâm kinh tế biển năng động, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistis, du lịch và kinh tế biển. Cần có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của thành phố mới, bảo đảm tính kết nối giữa các khu vực hiện có của Hải Dương và Hải Phòng, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, thông minh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu cho rằng cần liên kết và tái cấu trúc các ngành kinh tế chủ lực, phát triển mạnh mẽ kinh tế biển; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… Cần chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, nhất là sau khi sắp xếp tổ chức mô hình mới, trọng tâm giám sát, phản biện xã hội, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
THNguồn: https://baohaiduong.vn/van-kien-dai-hoi-can-neu-ro-thuan-loi-thach-thuc-sau-sap-nhap-409445.html
Bình luận (0)