Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn Yên đưa “văn hoá” thành sản phẩm du lịch

Với gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Văn Yên đã làm tốt công tác bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vào phát triển du lịch. Đây là hoạt động thiết thực, giúp người dân đưa văn hóa trở thành sản phẩm hàng hóa đặc biệt, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng, quảng bá và lan tỏa văn hóa đến du khách trong, ngoài nước.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái25/04/2025

>> Văn Yên lấy du lịch sinh thái, văn hóa làm chủ đạo
>> Văn Yên khai thác tiềm năng để phát triển du lịch
Bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa 

Nằm nép mình dưới chân núi Mỏ Vọ của thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A, huyện Văn Yên, ngôi nhà nhỏ của bà Hoàng Thị Quán luôn rộn rã trong âm thanh của những điệu múa, bài hát Then. Với bà Quán và người Tày Ngòi A, Then không chỉ là một hoạt động mang tính tín ngưỡng dân gian mà còn chính là tiếng lòng, là cuộc sống của họ. Lời Then hoà trong điệu múa cùng tiếng sóc lục lạc, lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với "Mường Trời" để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người. 
Gần 40 năm gắn bó với những làn điệu Then, bà Hoàng Thị Quán được dân bản biết đến như một người "thầy Then” có tiếng trong vùng bởi đã thành thạo rất nhiều bài hát, điệu múa Then cổ. Vì vậy, nhà bà Quán thường là nơi để mọi người tập trung tới tập luyện, biểu diễn trong các ngày lễ, tết hoặc trong những sự kiện quan trọng của người Tày vùng này như: nghi lễ cúng Then, cúng thần linh, cúng tổ tiên, lễ hội xuống đồng, hội mừng cơm mới, nghi lễ mừng nhà mới... cùng các hoạt động văn hóa của đồng bào Tày. 
Mặc dù bước sang tuổi 85 nhưng tình yêu những làn điệu Then đã giúp bà Quán dẻo dai và khỏe mạnh để cùng con cháu và các thành viên trong câu lạc bộ văn nghệ của xã tập múa, tập hát. Cũng chính từ những buổi như thế, phong trào hát Then, múa Then của người Tày ở xã Ngòi A được nhiều người quan tâm hơn trước, duy trì hoạt động thường xuyên và thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Bà Quán chia sẻ: "Tôi cho rằng, việc truyền dạy và lan tỏa được tình yêu dân ca dân tộc đến với tất cả mọi người là trọng trách của người nghệ nhân trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến thế hệ tương lai của cộng đồng dân tộc mình để cùng gìn giữ văn hóa không bị mai một”. 
Dù không cùng tiếng nói nhưng những lời ca, tiếng hát cùng sự mến khách của người dân xã Ngòi A đã khiến ông Michel Olier - du khách đến từ đất nước Canada rất ấn tượng. Ông Michel Olier hào hứng: "Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi quyết định chọn nơi đây làm điểm dừng chân để trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Yên Bái. Dù những nét sinh hoạt hàng ngày có lạ lẫm nhưng con người nơi đây lại rất thân thiện, cởi mở. Được ăn những món ăn của đồng bào Tày, được xem và cùng hát, múa với người dân, tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi rất thích!”.

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông Nà Hẩu thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Tại xã Nà Hẩu, xác định, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, địa phương này đã tích cực triển khai nhiều giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hoá của người Mông, tạo tiền để phát triển du lịch địa phương. Ngoài việc hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy nghề, dạy văn hoá truyền thống, tổ chức các lớp học tiếng Mông, khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội, xã Nà Hẩu cũng đã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. 
Chỉ tính riêng năm 2024, xã Nà Hẩu đã tổ chức được 7 lớp học truyền dạy văn hoá truyền thống dân tộc Mông. Trong đó có 2 lớp khèn Mông, 1 lớp múa gậy sinh tiền, 1 lớp học hát dân ca, 1 lớp học nghề truyền thống và 2 lớp học thêu thùa trang phục truyền thống. Đặc biệt, với sự nỗ lực, cố gắng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá, năm 2024, "Lễ cúng rừng” của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đã được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào to lớn, đồng thời là động lực để người dân Nà Hẩu tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của di sản này cho các thế hệ mai sau. 
Ông Giàng A Sềnh - người có uy tín xã Nà Hẩu cho biết: "Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết bởi văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của đất nước, của dân tộc. Văn hóa phát triển thì đời sống của người dân cũng sẽ ngày một đi lên. Các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, từ đó sẽ thúc đẩy du lịch phát triển”.
Nỗ lực biến "văn hoá” thành sản phẩm du lịch
Văn Yên là huyện miền núi với đông đảo đồng bào dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Với những tài nguyên văn hóa phong phú như các phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Dao, Tày, Mông, Cao Lan, Xa Phó… cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc như trình diễn xòe Then của người Tày xã Đông Cuông, trình diễn sáo mũi và khèn bè của người Xa Phó... Để bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại các xã trên địa bàn, huyện Văn Yên đã thành lập các câu lạc bộ dân gian, lớp truyền dạy do các nghệ nhân truyền dạy như hát giao duyên, dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc, dạy hát then, đàn tính dân tộc Tày, dạy dệt may, thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc… 
Đến nay, Văn Yên có 185 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện Văn Yên đặc biệt chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch; phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số với tư cách là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá.
Trong thời gian qua, huyện Văn Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như các các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng, hội thi … nhằm tạo không khí vui tươi trong cộng đồng, cổ vũ cho đồng bào các dân tộc có ý thức sưu tầm, bảo tồn, sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong cộng đồng.… Bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa như: hát chầu văn hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Tày các xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Ngòi A,…; hát páo dung, múa rùa, múa gông, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, lễ cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Ngòi A, Quang Minh; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Xa Phó xã Châu Quế Thượng; múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Mông xã Nà Hẩu… 

Lễ cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu đã được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Huyện Văn Yên cũng tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, cộng đồng dân cư, nguồn hỗ trợ để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa, kêu gọi các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh các điểm thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn; gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc với phát triển kinh tế, xã hội. 
Cùng với đó khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người gắn với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại; quan tâm chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chương trình, chính sách ưu đãi, xóa đói giảm nghèo; hướng dẫn việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, chỉ tính riêng năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, huyện Văn Yên đã thu hút được 665 nghìn 300 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và khám phá nét độc đáo của văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện. Từ đó mang về doanh thu từ du lịch lên đến gần 420 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào bảo tồn các di tích lịch sử, tu bổ và tôn tạo các công trình di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đồng thời, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, với mục tiêu tiếp tục đưa một số lễ hội và nghệ thuật truyền thống vào danh mục di sản quốc gia; triển khai liên kết giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, nhằm biến di sản thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, phát triển các làng nghề và các hoạt động du lịch gắn với văn hóa địa phương. Ngoài ra, huyện Văn Yên sẽ chú trọng bảo tồn các môn thể thao và giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với mục tiêu đưa "văn hoá” thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc riêng có, để ngành du lịch ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương”. 
Với những bước đi bài bản và cách làm sáng tạo, huyện Văn Yên không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay, huyện Văn Yên có 30 di tích lịch sử được xếp hạng di tích; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 28 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Huyện có 2 di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Lễ hội Đền Đông Cuông và Lễ cúng Rừng của người Mông xã Nà Hẩu.
Thu Trang

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/349367/Van-Yen-dua-van-hoa-thanh-san-pham-du-lich.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm