
Làng cổ Phong Nam có diện tích hơn 1,6 km2, thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (cũ), nay là địa bàn phường Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng; cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía tây nam.
Theo tư liệu UBND huyện Hòa Vang (cũ), làng cổ Phong Nam có bề dày lịch sử lâu đời với tiền thân là làng Phong Lệ thuộc xứ Đà Ly - được khai phá từ đời nhà Hồ năm 1404. Đến năm Thành Thái thứ VIII (1896), do địa dư quá rộng, sông Yên chảy ngang "cách trở đò giang" mà chính quyền chia làng Phong Lệ thành Phong Lệ Bắc (Phong Bắc) và Phong Lệ Nam (Phong Nam).
.jpg)
Dù chia tách trên lĩnh vực hành chính nhưng hai làng vẫn như một; mọi sinh hoạt cộng đồng, công trình tín ngưỡng... đều tập trung tại vùng đất Phong Nam.
Qua hàng trăm năm lịch sử bên bờ sông Yên, Phong Nam vẫn giữ được những nét xưa của một làng quê truyền thống với đình làng cổ kính, đồng ruộng xanh tươi, cổng làng bên cội đa già, lũy tre xanh chạy dọc đường làng, giếng cổ, những ngôi nhà cổ, hệ thống công trình tín ngưỡng dân gian làng xã...
Từ tháng 3/2025, chính quyền địa phương công bố Đề án phát triển Làng Du lịch văn hóa đặc trưng Phong Nam và ra mắt Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nông nghiệp sinh thái Hòa Châu.
Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nông nghiệp sinh thái Hòa Châu liên kết với 15 hộ nông dân địa phương để tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa làng xã cho du khách; hướng tới phát triển du lịch bền vững, phát huy giá trị văn hóa và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng...
Ông Nguyễn Đình Nhàn - Người sáng lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nông nghiệp sinh thái Hòa Châu







Thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (nay thuộc phường Hòa Xuân) và thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong (nay thuộc xã Hòa Vang) là hai địa phương được huyện Hòa Vang (cũ) chọn triển khai Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 89 tỷ đồng. Trong đó tại thôn Phong Nam 75,33 tỷ đồng, thôn Bồ Bản 14,02 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, gắn với các tiêu chí “xã nông thôn mới nâng cao” và “xã nông thôn mới kiểu mẫu” cùng các yếu tố đặc trưng riêng của địa phương.
Nguồn: https://baodanang.vn/ve-tham-lang-co-phong-nam-3298022.html
Bình luận (0)