Vẹn nguyên cảm xúc ngày khải hoàn, đất nước trọn niềm vui
Các cựu TNXP Nguyễn Tế Thanh và Mai Văn Hưng (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội C2371-N237, Ban xây dựng 67 Trường Sơn gặp gỡ nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Lê Hà
Lần nào gặp ông Đoàn Công Khanh (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc), chúng tôi cũng nhận được nụ cười rạng rỡ, thân thiện. Sự đôn hậu, lạc quan và dí dỏm của ông khiến cho không khí cuộc gặp gỡ thêm ấm cúng, gần gũi. Câu chuyện của ông về những năm tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại ùa về. Ông đã đưa chúng tôi ngược về những năm tháng lịch sử, về cuộc đời anh dũng, bền bỉ cống hiến của những chiến sĩ TNXP.
Với ông Đoàn Công Khanh, ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình là may mắn được chứng kiến giây phút lịch sử 30/4/1975 ngay tại Sài Gòn. Khi đó, nghe đài phát thanh phát bản tin chiến thắng: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11h30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu Ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” mà cả đơn vị reo hò đến chảy nước mắt. Các ngả đường người đông như trẩy hội kéo nhau về khu vực trung tâm, các tuyến đường chính mừng chiến thắng. Ông Khanh xúc động: "Cán bộ, chiến sĩ Sư 471 Đoàn 559 chúng tôi cùng hàng vạn Nhân dân nô nức, vui mừng. Hình ảnh người dân ùa ra đường tay cầm hoa vừa hoan hô vừa tiếp thức ăn cho bộ đội; trên cao loa truyền thanh phát bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” (cũng thường được gọi là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - TS) trong giờ phút chiến thắng khiến tôi và đồng đội dâng lên niềm xúc động khó tả, đến tận bây giờ vẫn không thể nào quên...”. Giây phút thiêng liêng ấy càng khiến ông Khanh nhớ mãi và hiểu thêm chân lý: Sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chiến tranh Nhân dân có sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu. Chúng ta đã thực hiện được ý nguyện của Bác trong Thư chúc Tết Mậu Thân 1968: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Câu chuyện về ngày đại thắng vẫn cứ tiếp diễn theo mạch cảm xúc của ông Khanh: "Năm 1965, tôi nhập ngũ vào đơn vị C48-N21, Đoàn 559 làm nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ tuyến đường cho xe vận chuyển người và vũ khí vào mặt trận. Sau 2 năm, cấp trên điều chuyển tôi sang quân đội thuộc Sư đoàn ô tô vận tải, phòng tham mưu vận tải Sư 471 Đoàn 559, làm nhiệm vụ tại Đắk Lắk, Sài Gòn. Sau khi chiếm được Dinh Độc lập ngày 30/4/1075 đến ngày 10/5/1975, lực lượng quân Giải phóng đã biểu dương (diễu binh, diễu hành) trong đó có Sư đoàn ô tô vận tải 471 của tôi quanh TP Sài Gòn làm rung chuyển thành phố. Các nhà báo, nhiếp ảnh gia đưa tin, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông về những hình ảnh quân giải phóng đã phá tan nhận thức, tâm lý chiến mà Mỹ, Nguỵ tuyên truyền sai lệch về cộng sản và nhận ra rằng quân cách mạng thực sự lớn mạnh. Nhân dân gần gũi, gắn bó, kính phục và rất đỗi tự hào trước hình ảnh anh giải phóng quân, nữ dân quân.
“Cảm giác lâng lâng như đi trên mây” khi nghe tin đại thắng cách đây đã nửa thế kỷ nhưng lạ thay, vẫn còn như mới trong ký ức ông Nguyễn Tế Thanh, xã Đông Nam, TP Thanh Hóa. Nhất là dịp cả nước đang hướng về miền Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ông Thanh càng thêm bồi hồi, xúc động, tự hào như đang sống trong thời khắc lịch sử hào hùng của năm tháng ấy. Khó có thể diễn tả hết bằng lời, ông Thanh không kìm được nước mắt nhớ lại phút giây nghe tin chiến thắng, dù thời điểm đó, ông không ở trên đất Việt, mà đang làm nhiệm vụ nơi đất nước Lào xinh đẹp.
Ông Thanh chia sẻ: "Nhiệm kỳ của TNXP kết thúc năm 1972, tôi tình nguyện sang Lào và công tác tại Công ty Xây dựng K2C (Bộ Xây dựng) và làm thư ký công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên. Khi nghe tin đại thắng, bất ngờ trong tôi như có gì đó nhấc bổng tôi lên. Chúng tôi ôm nhau nhảy, mừng vui ngay tại nơi làm việc. Nhưng cũng chính thời khắc đó, tôi đã khóc vì nhớ thương đồng đội đã không may mắn được đón nhận tin đại thắng này mà vĩnh viễn nằm lại đất mẹ. Đêm đó, chúng tôi đã ôn lại những năm tháng làm nhiệm vụ ở đơn vị C2371-N237, Ban xây dựng 67 Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Trị cho đồng đội và những người bạn Lào nghe về công việc làm nhiệm vụ giao liên của mình và mở đường, san lấp hố bom của đồng đội...".
Hòa trong không khí cả nước hướng về đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, ông Mai Văn Hưng, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) kể cho chúng tôi nghe về những người bạn của mình với niềm xúc động: “Năm 1973, tôi tròn 20 tuổi nhập ngũ làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn tại đơn vị C87, E515, F473, đoàn 559. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ sản xuất vật liệu cung cấp cho các tuyến đường Trường Sơn. Những người lính công binh như chúng tôi và lực lượng TNXP làm việc rất vất vả và luôn phải giữ bí mật: không được tiếp xúc với dân, cắt đường rừng, không đi đường mòn dân đi... Đi dài ngày nên lương thực cạn kiệt, có hôm phải nhịn khát cả ngày. Đơn vị chúng tôi có 360 người khai thác vật liệu làm 3 ca liên tục trong ngày để bảo đảm vật liệu cung cấp cho các đơn vị mở đường. Hồi đó chúng tôi mới 20 tuổi có sức khỏe và nhanh nhẹn. Làm việc trên đỉnh núi với độ cao 100 đến 150m, khoan những tảng đá lớn với chiếc máy nặng 30kg - tương đương cân nặng của mình. Trang bị làm việc là những dây thừng thô sơ buộc vào gốc cây, vách đá, thân mình... Cứ thế, chúng tôi như những con sóc, con khỉ rừng thoăn thoắt khoan, đặt mìn, bộc phá nổ... Làm việc trong điều kiện gian khó nhưng phải luôn bảo đảm an toàn cho người và máy. Tại đường 9 Nam Lào, Khe Xanh là nơi trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn quyết bám trụ và luôn tin tưởng chiến thắng đang đến gần.
Cho đến một ngày đang làm việc trong rừng sâu, vẫn khoan những tảng đá lớn để lấy vật liệu làm đường, thì nghe tin chiến thắng qua chiếc đài cát-xét nhỏ mà tất cả anh em vui mừng khôn xiết. Ngày 30/4/1975 là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi ôm nhau mà khóc. Khóc vì chiến dịch của chúng ta đã chiến thắng, bao mất mát, hy sinh đã được đền đáp xứng đáng. Gương mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ; có những người khóc nấc vì cảm xúc dâng trào trong niềm vui đại thắng".
Ông Hưng tâm niệm: "Nhờ có Đảng lãnh đạo, có Bác Hồ, có Quân đội và Nhân dân anh hùng và mồ hôi, nước mắt, xương máu của đồng bào đã ngã xuống mới có giờ phút vinh quang này”. Dù chiến thắng, nhưng nhiệm vụ vẫn còn tiếp diễn. Đơn vị của ông không ai được về phép mà tiếp tục ở lại lao động, sản xuất. Những dòng thư đi, thư đến và những cuộc đến thăm của hậu phương dành cho cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn được kết nối.
Giờ phút chiến thắng lịch sử trọng đại đã đi qua nửa thế kỷ nhưng mỗi khi nhớ lại, cựu cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu lại dâng trào cảm xúc tự hào và muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ rằng: để giành được độc lập, tự do, lớp lớp cha ông đã chiến đấu anh dũng hy sinh, vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm hiểu biết lịch sử, kiên quyết bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh. Thế hệ trẻ chúng tôi may mắn chứng kiến những cuộc gặp gỡ đầy xúc động của những cán bộ, chiến sĩ gắn bó tuổi thanh xuân trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Khúc khải hoàn ca vẫn ngân vang, tự hào.
Lê Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ven-nguyen-cam-xuc-ngay-khai-hoan-dat-nuoc-tron-niem-vui-247086.htm
Bình luận (0)