“Cảnh giới an lạc” trên đỉnh núi Bà Đen
Trong tiếng tụng kinh trầm hùng và ánh nến lung linh của lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, Đại lễ Vesak 2025, núi Bà Đen – ngọn núi cao nhất Nam Bộ – đã trở thành nơi hội tụ linh thiêng của hàng ngàn Phật tử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ là điểm hành hương, nơi đây đang dần khẳng định vị thế của một trung tâm Phật giáo mang tầm vóc toàn cầu.
![]() |
Núi Bà Đen là nơi hội tụ của Phật tử từ hơn 80 quốc gia trên thế giới trong đại lễ Vesak 2025. |
“Chúng ta đang đứng tại một nơi được kinh điển Pali gọi là thiên đàng”, Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch ICDV chia sẻ. (Kinh điển Pali là bộ tổng tập kinh điển tiêu chuẩn trong truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ. Đây là bộ kinh điển Phật giáo sơ kỳ hoàn chỉnh nhất còn tồn tại - PV).
![]() |
Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là hình mẫu cho năm dạng an lạc của Vesak Liên Hiệp Quốc. |
“Thiên đàng không phải là nơi phải chờ đến khi nhắm mắt mới đến, mà là cảnh giới ta có thể đạt được ngay trong cuộc sống này. Và hôm nay, trên đỉnh núi Bà Đen, chúng ta đang được tận hưởng cảnh giới an lạc đó”. Ông gọi nơi đây là hình mẫu cho năm dạng an lạc của Vesak Liên Hiệp Quốc: từ kinh tế, xã hội, môi trường đến tâm hồn và tình bằng hữu quốc tế. Và chính Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam, với điểm đến Bà Đen, đã góp phần hiện thực hóa điều đó.
Một Việt Nam thân thiện, hiếu khách và linh thiêng
Nhiều đại biểu lần đầu đến Việt Nam, đặc biệt là núi Bà Đen, vô cùng xúc động và bất ngờ không chỉ trước vẻ đẹp thiên nhiên hay quy mô các công trình tâm linh mà còn bởi cách Phật giáo hiện hữu trong đời sống - không phải như một tín ngưỡng xa vời, mà như một nguồn sống an tịnh bao trùm cả không gian và con người nơi đây.
![]() |
Xá lợi Đức Phật được tôn trí tại núi Bà Đen, Tây Ninh |
TS. Arunjyoti Bhikkhu từ Ấn Độ – quê hương của Đức Phật – cho biết: “Tôi rất xúc động khi thấy người dân Việt Nam đón nhận xá lợi Đức Phật với lòng thành kính sâu sắc. Núi Bà Đen đẹp như Rajgir ở Ấn Độ – nơi có chùa Hòa Bình (Peace Pagoda) vậy. Nơi này rất đẹp và tôi đã thấy Phật tử Việt Nam không chỉ coi Phật giáo là tín ngưỡng mà còn trở thành lối sống, vì họ còn đã xây dựng quần thể tâm linh Phật giáo nguy nga như thế này”.
Hòa thượng Kosho Tomioka từ Nhật Bản lần đầu đến Tây Ninh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên: “Chúng tôi chưa từng thấy một công trình tâm linh đồ sộ như vậy trên núi. Ở Nhật không có xá lợi như thế này. Đây thực sự là điều đặc biệt và đáng trân trọng”.
![]() |
Chiêm bái xá lợi trên đỉnh núi Bà Đen là một “phước lành lớn lao” |
Với Hòa thượng Maha Veth Masaenai – Phó Chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào, việc được chiêm bái xá lợi trên đỉnh núi Bà Đen là một “phước lành lớn lao”: “Trên đỉnh núi này, tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng rất tốt, không khí trong lành. Đây cũng là một mối nhân duyên tốt, khi mà xá lợi của Đức Trí Tôn được an trí trên núi Bà Đen để cho bà con được chiêm bái.”
Niềm tin và kỳ vọng về một điểm đến Phật giáo thế giới
Một trong những nghi thức gây xúc động mạnh tại núi Bà Đen là lễ trồng 108 cây Bồ đề – biểu tượng của trí tuệ, từ bi và tỉnh thức – bởi các đại biểu đến từ khắp thế giới.
![]() |
Lễ trồng 108 cây Bồ đề - biểu tượng cho trí tuệ, từ bi và tỉnh thức |
Hòa thượng Thích Minh Thiện – Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An – cho biết: “108 cây như đại diện cho ước nguyện mọi người phải cùng thương yêu lấy nhau, hãy bảo vệ lấy nhau và hãy xây dựng hạnh phúc bằng từ bi và trí tuệ”.
Phó Chủ tịch ICDV – Ven. T. Dhammaratana – thì gọi đó là “khoảnh khắc sẽ được ghi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam”: “Cả ngọn núi như được phủ kín bởi màu vàng của áo cà sa. Không chỉ một mà 108 cây Bồ đề đã được trồng, biến nơi này thành khu vườn tâm linh cho chư Phật tử và chư Bồ Tát”.
Trong khuôn khổ sự kiện, lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới cũng đã được cử hành tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn. Hàng nghìn ngọn nến được thắp lên bởi chư tôn đức và Phật tử năm châu, lan tỏa ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi giữa không gian linh thiêng. “Lần đầu tiên tôi được cùng bạn bè quốc tế thắp nến dưới chân tượng Quan Âm. Khoảnh khắc ấy tĩnh lặng mà ấm áp, như thể cả thế giới cùng nguyện một điều lành”, chị Nguyễn Thị Thu Hòa - một Phật tử tham dự - xúc động chia sẻ.
![]() |
Núi Bà Đen là điểm hành hương nổi bật trong mắt bạn bè quốc tế. |
Không chỉ là nơi tổ chức nghi lễ, núi Bà Đen đang trở thành một biểu tượng mới cho Phật giáo Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Thượng tọa Dhammaratana nhìn nhận: “Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, có tự do tôn giáo, có chính quyền ủng hộ. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm trở thành điểm đến Phật giáo của thế giới, trong đó có núi Bà Đen là điểm hành hương nổi bật”.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực GHPGVN - thì khẳng định: “Từ một đồng bằng lớn như thế, lại có một ngọn núi mát mẻ quanh năm, được đầu tư tâm linh bài bản. Sau Vesak 2025, chắc chắn nhiều du khách quốc tế sẽ biết đến núi Bà Đen như một điểm hành hương không thể bỏ qua”.
Được tổ chức từ ngày 6 đến 8/5/2025, Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025 là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu. Xá lợi Phật được tôn trí tại Trung tâm triển lãm Phật giáo, núi Bà Đen từ ngày 8-13/5/2025 để Phật tử và công chúng chiêm bái, đảnh lễ bảo vật Phật giáo thế giới và đón nhận hồng ân của Đức Phật.
Nguồn: https://baophapluat.vn/vesak-2025-nui-ba-den-se-la-diem-den-phat-giao-cua-the-gioi-post548281.html
Bình luận (0)