Cuốn Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ (NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam), Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (NXB Trẻ), Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam (NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam)... đều đang có tín hiệu khả quan. Trong số này, cuốn Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ mau chóng "cháy hàng" và là cuốn sách có doanh thu cao nhất của Nhã Nam trong những tháng gần đây.
Cuốn sách giải thích về thờ cúng và các thực hành
ẢNH: NHÃ NAM
Điều gì đã làm nên sự thu hút của những cuốn sách cắt nghĩa việc thờ cúng, cũng như hướng dẫn thực hành thờ cúng này, liệu có phải chúng ta đang chú trọng đến việc cúng bái nhiều hơn?
Về điều này, cũng cần nhắc tới quan điểm của cố GS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) về nguy cơ "thấy gì cũng thắp hương".
Theo đó, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng có nhiều năm việc thờ cúng bị ảnh hưởng vì chống phong kiến. Điều này khiến các thực hành thờ cúng gia tiên, thờ cúng ở các điểm di tích bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy. Vì thế, khi không còn việc "chống thờ cúng" nữa, thì việc khôi phục truyền thống bị đứt gãy này đôi lúc trở nên lệch lạc. Từ không thờ, người dân lại có thể thắp hương ở bất cứ đâu. Họ cũng có thể dâng lễ rất nhiều, thậm chí "chạy đua" mâm cao cỗ đầy để tỏ lòng thành kính, gây lãng phí.
Những cuốn sách về thờ cúng gần đây thường cắt nghĩa các tập tục thờ cúng, các đồ thờ… Như cuốn Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (NXB Trẻ), Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam (NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam) giải thích về từng biểu tượng, từng quan điểm với chữ phúc và thọ, long mã, hạc đậu lưng rùa, phượng, về kính trời và thần đêm giao thừa…
Không chỉ cắt nghĩa, nhiều cuốn sách còn mang đến các hình ảnh tư liệu, các hướng dẫn. Chẳng hạn, việc cúng trời nên được thực hiện ngoài sân (tính dương), còn thờ gia tiên lại ở trong nhà (tính âm). Có những hướng dẫn cụ thể, như các bài văn khấn cổ truyền vốn sử dụng nhiều từ cũ, từ Hán Việt đã được soạn lại với lối hành văn hiện đại mà vẫn bảo đảm nội dung cốt lõi. Điều này giúp bạn đọc có thể sử dụng các bài khấn một cách thuận lợi hơn, dễ dàng dâng lễ lên tổ tiên ông bà.
Những hình dung về lễ vật cũng được đề cập cụ thể trong các cuốn sách hướng dẫn. Theo đó, không có việc khuyến khích thờ cúng càng nhiều lễ vật càng tốt. Lễ vật luôn được đặt trong tương quan với lòng thành, với sự giản dị của các thức hoa quả, các loại bánh và thức ăn quen thuộc.
Hình dung về cúng lễ truyền thống với sự thành tâm, không câu nệ xa hoa, tốn kém này rất có ích cho các thực hành cúng lễ hiện tại. Đặc biệt, khi những nguyên tắc, cách thờ cúng này đã đi vào sách vở, sẽ càng trở nên thuyết phục hơn. Nó cũng gợi mở những thói quen thờ cúng giản dị, chân thành trong các gia đình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-sach-ve-tho-cung-chay-hang-185250424225846221.htm
Bình luận (0)