Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế tìm giải pháp đổi mới sáng tạo, hướng tới chuyển đổi năng lượng hiệu quả, bền vững

Sáng 17/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tham dự và phát biểu khai mạc.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế17/04/2025

Toàn cảnh phiên thảo luận “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững”. (Ảnh: Bích Quyên)
Toàn cảnh phiên thảo luận “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững”. (Ảnh: Bích Quyên)

Tham dự phiên thảo luận có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Ethiopia Adela Fitsum Assefa, Bộ trưởng Bộ Phát triển Đô thị và Cơ sở hạ tầng Ethiopia Ibrahim Chaltu Sani, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia Leonardo A.A. Teguh Sambodo, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Quách Phương, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu Italy Francesco Corvaro, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng.

3 định hướng quan trọng của Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, hiện nay, thế giới đang đối mặt với những thách thức, tác động to lớn về biến đổi khí hậu, môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Do đó, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh ba định hướng quan trọng và những bài học thực tiễn từ hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam. (Ảnh: Bích Quyên)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh 3 định hướng quan trọng và những bài học thực tiễn từ hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam. (Ảnh: Bích Quyên)

Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của quốc gia, đồng thời đáp ứng bối cảnh, yêu cầu, xu thế chung của toàn cầu. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh 3 định hướng quan trọng và những bài học thực tiễn từ hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.

Thứ nhất là đổi mới sáng tạo. Đây là chìa khóa quan trọng để vượt qua thách thức trong chuyển đổi năng lượng bền vững. Chúng ta cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển nhằm dẫn lối cho các công nghệ mang tính đột phá như AI, lưới điện thông minh, hệ thống pin tích trữ năng lượng (BESS) và năng lượng hydro. Những công nghệ này giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí.

Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự phát triển, cần có sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, bao gồm ưu đãi tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đổi mới trong lĩnh vực năng lượng cần sự phối hợp chặt chẽ, từ việc xây dựng chính sách đến huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Con người luôn là yếu tố quyết định trong mọi tiến trình này.

Tin liên quan
Phó Chủ tịch IFAD: Trao quyền cho nông dân là chìa khoá khai mở nông nghiệp bền vững Phó Chủ tịch IFAD: Trao quyền cho nông dân là chìa khoá khai mở nông nghiệp bền vững

Thứ hai là mô hình đối tác công - tư và hợp tác quốc tế. Chuyển đổi năng lượng bền vững cần sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, hợp tác công - tư giúp chia sẻ nguồn lực, giảm rủi ro và mở rộng giải pháp. Chính phủ định hướng chính sách và thiết lập mục tiêu, trong khi khu vực tư nhân cung cấp tài chính và triển khai linh hoạt, sáng tạo.

Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế, như P4G, giúp các quốc gia, bao gồm Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận tài chính xanh toàn cầu. Đây là minh chứng rõ ràng rằng chỉ khi chúng ta kết hợp, huy động mọi nguồn lực và chia sẻ rủi ro thì mới có thể thực hiện các dự án lớn, đáp ứng yêu cầu về thời gian và hiệu quả.

Thứ ba là lấy con người làm trung tâm. Chuyển đổi năng lượng bền vững không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là một cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và yếu thế.

“Chúng tôi hiểu rằng chuyển đổi năng lượng bền vững không thể thành công nếu thiếu sự công bằng xã hội. Các chính sách bao trùm, như cung cấp tài chính vi mô để hộ gia đình tự đầu tư vào năng lượng tái tạo, chính là nền tảng để mọi người có thể tham gia đóng góp vào hành trình này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhận định, quá trình chuyển đổi ngành năng lượng luôn đòi hỏi sự hài hòa trong phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, hướng tới một tương lai xanh, bền vững và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Indonesia hỗ trợ các công ty tiên phong về năng lượng tái tạo

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Leonardo A.A. Teguh Sambodo cho biết, các quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện những bước quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ hướng tới trung tính carbon.

Đối với Indonesia và nhiều quốc gia đang phát triển, hành trình hướng tới trung tính carbon là một quá trình phức tạp, bị tác động bởi yêu cầu kép của phát triển kinh tế và tiếp cận năng lượng cùng với nhu cầu sử dụng các giải pháp tài chính đổi mới.

Ngài Leonardo A.A. Teguh Sambodo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia phát biểu khai mạc phiên thảo luận (Ảnh: Bích Quyên).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Leonardo A.A. Teguh Sambodo khẳng định, để tiến về phía trước, thế giới phải rời xa mô hình tăng trưởng kinh doanh thông thường và chấp nhận sự đổi mới (Ảnh: Bích Quyên).

Để tiến về phía trước, thế giới phải rời xa mô hình tăng trưởng kinh doanh thông thường và chấp nhận sự đổi mới. Indonesia đang hướng đến việc thúc đẩy nhanh năng lượng tái tạo, mở rộng mạng lưới điện, thúc đẩy giao thông xanh, việc làm xanh, tăng cường sử dụng năng lượng sinh học và áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực khó thích nghi.

“Chúng tôi cũng tin rằng công nghệ tiên tiến là nền tảng của một tương lai năng lượng sạch hơn, bền vững hơn. Do đó, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các giải pháp đổi mới như lưới điện thông minh, giám sát dựa trên IoT và ứng dụng mô phỏng kỹ thuật số để tăng cường hiệu quả và tính bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng”, ông Sambodo nhận định.

Theo ông Sambodo, chính phủ Indonesia đang tiến hành hỗ trợ các công ty tiên phong trong việc khám phá các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như tích hợp năng lượng tái tạo, hệ thống lưu trữ năng lượng, quản lý điện lực, đảm bảo rằng các hệ thống năng lượng được tin cậy và bền vững đối với môi trường.

Italy muốn trở thành trung tâm năng lượng vùng Địa Trung Hải

Đặc phái viên đặc biệt về Biến đổi khí hậu của Italy Francesco Corvaro chia sẻ Italy đang tích cực đổi mới hệ thống năng lượng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả (Ảnh: Bích Quyên)
Đặc phái viên đặc biệt về biến đổi khí hậu của Italy Francesco Corvaro chia sẻ, nước này đang tích cực đổi mới hệ thống năng lượng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả (Ảnh: Bích Quyên)

Bên cạnh đó, Đặc phái viên đặc biệt về biến đổi khí hậu của Italy Francesco Corvaro khẳng định, Italy đang tích cực đổi mới hệ thống năng lượng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra hiệu quả. Bằng cách tăng cường kết nối điện với các nước láng giềng, Italy tạo ra một lưới điện châu Âu tích hợp mạnh mẽ hơn.

Theo ông Corvaro, những kết nối mới này đóng vai trò quan trọng để cân bằng yếu tố cung - cầu trong lĩnh vực năng lượng xanh, cho phép tích hợp tốt hơn các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng trên toàn khu vực.

Theo hướng đó, Italy đang định vị mình như một trung tâm năng lượng trong vùng Địa Trung Hải, tích cực thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng và ổn định cho tất cả các đối tác liên quan.

Ông Trịnh Minh Hoàng khẳng định năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá trong chuyển đổi năng lượng bền vững của Ninh Thuận (Ảnh: Bích Quyên).
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng khẳng định, năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá trong chuyển đổi năng lượng bền vững của Ninh Thuận (Ảnh: Bích Quyên).

Ninh Thuận hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Chia sẻ về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh rằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là lĩnh vực trụ cột, đột phá, được tỉnh ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Trịnh Minh Hoàng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về giá điện, đặc biệt là đối với điện gió, thủy điện tích năng… nhằm tạo điều kiện triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh một cách đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những giải pháp được nhấn mạnh gồm hoàn thiện công cụ tài chính để hỗ trợ điện sạch cạnh tranh với nhiệt điện than, phát triển thị trường carbon trong nước, đồng thời khuyến khích công nghiệp chế tạo thiết bị ngành năng lượng nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tăng sức cạnh tranh.

“Với tiềm năng sẵn có về nắng, gió cùng quyết tâm chính trị cao, Ninh Thuận đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, ông Hoàng khẳng định.

Chuyển đổi năng lượng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để đổi mới

Tại phiên thảo luận, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về lộ trình phát triển xanh của mình, đóng góp cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Ông Lê Mạnh Cường khẳng định chuyển đổi năng lượng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả và thực hiện các cam kết về môi trường. (Ảnh: Bích Quyên)
Ông Lê Mạnh Cường cho rằng chuyển đổi năng lượng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả và thực hiện các cam kết về môi trường. (Ảnh: Bích Quyên)

Về phía Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), Phó Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường cho biết, với vai trò là doanh nghiệp chủ chốt trong ngành năng lượng quốc gia, PVN nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi năng lượng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả và thực hiện các cam kết về môi trường.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, cụ thể là: Đổi mới và áp dụng các công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả và bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn như tái sử dụng khí đồng hành, thu hồi nhiệt thải, xử lý và tái sử dụng nước sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Lê Mạnh Cường chia sẻ, việc thí điểm các dự án nghiên cứu về điện gió ngoài khơi, hydro xanh, amoniac xanh và thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), là sự chuẩn bị quan trọng cho chiến lược giảm phát thải lâu dài của PVN. Trong lĩnh vực thăm dò và khai thác, các công nghệ tiên tiến đã được áp dụng để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao an toàn và giảm phát thải.

Ông Edwin Tan nhấn mạnh Frasers Việt Nam cam kết trung tính carbon và tạo giá trị bền vững cho con người, hành tinh và xã hội. (Ảnh: Bích Quyên)
Ông Edwin Tan chỉ rõ, Frasers Việt Nam cam kết trung tính carbon và tạo giá trị bền vững cho con người, hành tinh và xã hội. (Ảnh: Bích Quyên)

Về phần mình, Phó Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Frasers Việt Nam Edwin Tan khẳng định, bất động sản đóng góp gần 40% lượng phát thải carbon trên toàn cầu và chiếm hơn 70% lượng phát thải của một thành phố. Do đó, bền vững luôn là lĩnh vực trọng tâm của Frasers Property.

Ông Edwin Tan chia sẻ, Frasers Việt Nam đã theo đuổi hành trình bền vững từ năm 2006 và rất nghiêm túc với phương châm này. “Trong suốt vòng đời bất động sản, chúng tôi phải dẫn đầu và hành động như một nhà đầu tư, nhà phát triển và quản lý có trách nhiệm và cam kết đạt được trung tính carbon cho môi trường xây dựng, tạo ra giá trị lâu dài cho con người, hành tinh và xã hội”, ông Tan bày tỏ.

Armida Salsiah Alisjahbana phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Bích Quyên)
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc Armida Salsiah Alisjahbana tuyên bố, để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sâu rộng, cần mở rộng quy mô các giải pháp công nghệ đa dạng và phù hợp với từng bối cảnh.. (Ảnh: Bích Quyên)

Trong phiên thảo luận, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) nhấn mạnh, để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sâu rộng, cần mở rộng quy mô các giải pháp công nghệ đa dạng và phù hợp với từng bối cảnh.

Ngoài ra, bà cũng khẳng định một số lĩnh vực công nghệ mới như năng lượng từ đại dương, kinh tế tuần hoàn cho vật liệu năng lượng tái tạo, nền tảng giao dịch năng lượng cộng đồng, hay công nghệ làm mát thông minh đang được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững và toàn diện hơn.

Ông Chandan Singh, Giám đốc điều hàn
Ông Chandan Singh, Giám đốc điều hành quốc gia, Công ty Năng lượng Hitachi Việt Nam, cho rằng Lộ trình chuyển đổi năng lượng cần được rà soát và sửa đổi định kỳ dựa trên việc giám sát liên tục và đánh giá tiến độ. (Ảnh: Bích Quyên)

Chia sẻ các giải pháp ứng dụng công nghệ mới đang được áp dụng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng, ông Chandan Singh, Giám đốc điều hành quốc gia, Công ty Năng lượng Hitachi Việt Nam chia sẻ, việc liên kết lưới điện cho phép trao đổi năng lượng, giúp cân bằng cung và cầu trên các khu vực rộng lớn hơn, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, lưu trữ năng lượng cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự ổn định của lưới điện và đảm bảo cung cấp năng lượng một cách đáng tin cậy. Hơn nữa, hạ tầng lưới điện thông minh, được kích hoạt bởi phần mềm và công nghệ AI mới nhất, giúp tăng cường vòng đời của tài sản, cải thiện quản lý năng lượng và cung cấp dự báo tải chính xác.

Theo ông Chandan Singh, trong quá trình xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi năng lượng bền vững, điện khí hóa vẫn là trọng tâm để đạt được các mục tiêu này. Lộ trình chuyển đổi năng lượng cần được rà soát và sửa đổi định kỳ dựa trên việc giám sát liên tục và đánh giá tiến độ. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch và đầu tư vào xây dựng năng lực sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng công nghệ mới, giúp chúng ta luôn đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông Andrew Fairthorne, Tổng giám đốc Công ty Stride chia sẻ. (Ảnh: Bích Quyên)
Ông Andrew Fairthorne, Tổng giám đốc Công ty Stride, giới thiệu vê dự án mới tại Việt Nam. (Ảnh: Bích Quyên)

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Stride Andrew Fairthorne bày tỏ, Stride đã phát triển một phương pháp đổi mới tại Việt Nam, cho phép các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, nông dân tiếp cận năng lượng mặt trời với chi phí ban đầu thấp và có thể sở hữu hệ thống năng lượng mặt trời theo hình thức trả góp.

Ông Fairthorne khẳng định, số tiền tiết kiệm được từ việc sử dụng năng lượng mặt trời đủ để chi trả cho việc đầu tư ban đầu. Đây là một phương pháp rất đổi mới. Ngoài lợi nhuận dành cho doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam có thể tiếp cận năng lượng mặt trời và giảm chi phí điện, và giảm gánh nặng cho môi trường.

Bên cạnh đó, ông Fairthorne cũng cho biết, Stride đang thực hiện một dự án năng lượng mặt trời với mục tiêu ít nhất 50% hộ gia đình sẽ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này. Điều đó không chỉ giúp giảm chi phí điện mà còn nâng cao nhận thức của người dân về việc góp phần chống lại biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

'Cú hích' để phát triển du lịch xanh Thủ đô

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 14-17/4.

Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-chung-tay-cu-ng-cong-do-ng-quoc-te-ti-m-giai-phap-doi-moi-sang-tao-huong-toi-chuyen-doi-nang-luong-hieu-qua-ben-vung-311412.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm