Chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của văn hóa đọc. (Nguồn: VGP) |
Thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin
Trong bối cảnh công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm nghe nhìn như mạng xã hội, video ngắn, podcast hay game giải trí đang dần chiếm lĩnh quỹ thời gian của con người. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho sự phát triển văn hóa đọc.
Không thể phủ nhận con người đang dần quen với việc tiếp nhận thông tin nhanh và mang tính giải trí cao. Các video ngắn trên TikTok, YouTube hay những dòng tin tức ngắn gọn trên mạng xã hội đã định hình nên một xu hướng "đọc lướt, xem nhanh".
Điều đáng nói, giới trẻ ngày nay lớn lên cùng điện thoại thông minh và mạng xã hội thì việc đọc sách truyền thống, với độ dài và chiều sâu trở nên khó tiếp cận hơn. Thêm vào đó, sự thiếu kiên nhẫn trong việc tiếp nhận nội dung dài hơi khi đọc cũng làm giảm chất lượng và hiệu quả của việc đọc. Văn hóa đọc, nếu chỉ được hiểu theo cách truyền thống sẽ có nguy cơ bị mai một trong dòng chảy công nghệ số.
Thực tế hiện nay, xu hướng tiếp cận tri thức qua văn hóa đọc truyền thống đang bị thay đổi, chịu sự cạnh tranh của mạng xã hội và các phương tiện nghe nhìn. Sự phát triển mạng mẽ của Internet khiến cho sách dường như bị “bỏ quên”. Thay vì tìm đến sách, nhiều người tìm kiếm thông tin, đọc qua các nền tảng mạng xã hội hoặc phim ảnh. Đã quen với hình ảnh từ người già đến người trẻ chăm chăm vào chiếc điện thoại để đọc báo, lướt web hoặc mạng xã hội. Đồng thời, nhiều người cũng tìm kiếm các nội dung nóng, giật gân... điều này đang ảnh hưởng đến xu hướng tiếp cận của người đọc, làm lệch chuẩn về mặt nhận thức.
Nhiều người lo ngại rằng, sự phát triển của các loại hình giải trí trên mạng xã hội đang “chiếm lĩnh” quá nhiều thời gian của con người. Từ đó, gây nên tình trạng lười đọc sách, lười tìm kiếm tri thức từ các nguồn chính thống. Vậy làm thế nào để thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số?
Cơ hội từ công nghệ
Nếu nhìn nhận một cách toàn diện, thời đại số không chỉ có rào cản mà còn mở ra cơ hội để văn hóa đọc được lan tỏa và thích ứng theo cách mới mẻ, hiện đại hơn. Công nghệ đang mở ra những hướng đi đầy triển vọng cho việc phát triển văn hóa đọc. Sự ra đời của sách điện tử, sách nói và các nền tảng chia sẻ, đọc sách trực tuyến hay các thư viện số giúp việc tiếp cận tri thức trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn.
Không chỉ vậy, mạng xã hội đang trở thành công cụ hiệu quả để lan tỏa niềm yêu thích sách. Các cộng đồng yêu sách, blog review sách, kênh YouTube chia sẻ về nội dung sách đang ngày càng phát triển và thu hút đông đảo giới trẻ. Việc “kể chuyện sách” bằng hình ảnh, âm thanh, hay các đoạn video ngắn chính là cách sáng tạo để đưa sách đến gần hơn với công chúng hiện đại.
Văn hóa đọc trong thời đại số không nhất thiết phải gắn chặt với những trang sách giấy truyền thống. Đọc có thể dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh; có thể là đọc truyện, đọc blog, đọc báo chuyên sâu… Điều quan trọng là giữ được tinh thần của việc đọc, đó là khả năng tiếp nhận, suy ngẫm và phát triển tư duy.
Thời đại 4.0 cũng cho phép cá nhân hóa trải nghiệm đọc. Mỗi người có thể lựa chọn hình thức, nội dung và thời gian đọc phù hợp với mình. Đây là yếu tố then chốt giúp duy trì và phát triển thói quen đọc trong xã hội hiện đại. Điều đáng nói, cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng ít thời gian đọc, vì vậy, thông qua công nghệ số, sách ngày càng phát triển khiến chúng ta có thể tiếp cận nguồn tri thức nhanh và dễ dàng hơn.
Vấn đề quan trọng là làm sao để mỗi người trẻ trở thành “đại sứ” văn hóa đọc? Cũng phải nhận thức rằng, việc phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng nhưng không dễ dàng, cần những giải pháp đồng bộ tác động đến công chúng, nhất là người trẻ.
Muốn vậy, cần thiết chú trọng giáo dục cho người đọc hiểu rõ vai trò của gia đình trong việc hình thành văn hóa đọc. Nhà trường cũng nên có những ngày hội về sách để nâng cao vai trò của văn hóa đọc. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện phải số hóa sách để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Để văn hóa đọc phát triển bền vững thì thực tiễn hoạt động đọc phải phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Hơn thế, mỗi người cũng nên tạo thói quen đọc sách mỗi ngày, nhất là trong thời đại số hóa như hiện nay.
Có lẽ, quan niệm về văn hóa đọc cần thiết phải thay đổi cho phù hợp với thời đại số. Phải xem công nghệ là chìa khóa mở ra giai đoạn phát triển cho văn hóa đọc. Sách nói, sách điện tử ngày càng phát triển, đồng thời các hình thức đọc này còn có khả năng tương tác cao. Người đọc không chỉ đơn thuần tiếp cận tri thức một chiều qua sách mà còn có thể tương tác với tác giả, với người đọc khác thông qua không gian mạng. Như vậy, không thể phủ nhận tiện ích mà công nghệ đem đến cho độc giả.
Nếu biết cách thích nghi, đổi mới và tận dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc. Việc phát triển văn hóa đọc trong thời đại 4.0 không chỉ là trách nhiệm của cá nhân người đọc, mà còn là sứ mệnh của nhà xuất bản, nhà giáo dục, các nhà quản lý văn hóa và cả cộng đồng xã hội. Bởi lẽ, một xã hội biết đọc và đọc sâu luôn là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquocte.vn/van-hoa-doc-trong-dong-chay-cong-nghe-311373.html
Bình luận (0)