Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Mỹ là thị trường xuất khẩu trị giá tới 119 tỷ USD/năm của Việt Nam. Theo mức thuế suất mới, Việt Nam sẽ phải chịu khoản thuế lên tới hơn 54 tỷ USD, tương đương 10% GDP. Ông Hiếu nhận xét đây là mức thuế rất nặng nề.
"Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ áp mức thuế đến 46% lên 90% hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì có thể nói hầu như tất cả các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều sẽ phải chịu mức thuế quan trong nhóm cao nhất thế giới. Tôi e ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong năm nay”, ông Hiếu nhấn mạnh thêm.
Trước đó, theo phân tích của Công ty chứng khoán KBSV, khoảng 50% GDP và việc làm của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu (theo WorldBank), trong đó thị trường Mỹ chiếm 30% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu. "Chúng tôi ước tính, trong trường hợp bị Mỹ áp thuế đối ứng, GDP Việt Nam giảm 0,7 - 1,3% so với kịch bản cơ sở. Một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5% nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%", báo cáo của KBSV nêu.

Mỹ áp 46% thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Trả lời về tác động của động thái áp thuế đối ứng của Mỹ sẽ có hiệu lực từ 9/4 tới, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định, chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, dự báo các ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là nội thất (đặc biệt là đồ gỗ), dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, điện tử...
"Thuế tăng lên thì giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng. Đáng nói là mức thuế Mỹ áp với Việt Nam cao hơn các nền kinh tế khác đang xuất khẩu cùng các mặt hàng vào Mỹ. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vì giá sẽ tăng lên. Đây là ảnh hưởng rõ rệt nhất", ông Bình nói.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng hơn khi so với một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Theo bảng thuế suất mới, Việt Nam chịu mức thuế cao hơn từ 10-20%.
“Tôi thường xuyên qua Mỹ và thấy rằng rất nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam được lưu thông trên thị trường này, trong đó đến từ các lĩnh vực như may mặc, điện tử, da dày… Với mức thuế thay đổi cao, trong tương lai, các nhà kinh doanh Mỹ có thể lựa chọn những sản phẩm này từ các nước khác có mức thuế thấp hơn. Điều này có thể khiến những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chuyển hướng, tìm đến các quốc gia lân cận để đầu tư”, ông Hiếu nói.
Với mức thuế suất mới, ông Hiếu nhận định hàng hóa Việt Nam vẫn sẽ được tiêu thụ ở Mỹ nhưng chắc chắn sẽ ở một mức thấp hơn rất nhiều.
“Tại thời điểm này chúng ta chưa thể có dự báo là hàng hóa của Việt Nam có thể giảm bao nhiêu, nhưng theo tôi nhìn thấy thì có khả năng giảm tới một nửa. Giảm tới một nửa sẽ ảnh hưởng tới GDP rất nhiều của Việt Nam”, chuyên gia bày tỏ.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành e ngại, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hoá thì hàng Việt Nam khó xuất khẩu sang Mỹ vì thuế cao, người tiêu dùng nước Mỹ sẽ lựa chọn các mặt hàng tương tự từ nước khác có mức thuế thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngoại thương của Việt Nam, trong đó có giảm sản lượng hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Nhận định về lý do Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể Mỹ đang không chỉ nhắm đến Việt Nam, mà còn nhắm đến các nước khác. Nguyên nhân là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ phần lớn là mặt hàng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam.
“Những công ty đó thường xuất khẩu các sản phẩm phần lớn không có hàng gốc từ Việt Nam, mà nhập khẩu nguyên liệu về từ các nước và sử dụng lao động của Việt Nam gia công, chế biến thành sản phẩm để xuất đi. Ngoài ra còn có một số mặt hàng tạm nhập, tái xuất, trong đó nhiều mặt hàng của Trung Quốc hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.
Tương tự, ông Hiếu cho rằng, Mỹ lo ngại Việt Nam có thể trở thành trạm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc để né mức thuế cao. Do đó, Mỹ đã đánh thuế Việt Nam cao tương đương để ngăn chặn việc này xảy ra.
Mặc dù bị áp thuế cao nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng Việt Nam sẽ có chính sách ứng phó phù hợp. Các chuyên gia của KBSV nhấn mạnh: "Kể cả trong trường hợp bị Mỹ cho vào danh sách bị áp thuế đối ứng, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đảo ngược tình hình, chủ động đưa ra thêm các điều chỉnh cân bằng hơn chính sách thuế quan giữa 2 nước, từ đó có cơ sở đàm phán với Mỹ".
Nguồn: https://vtcnews.vn/viet-nam-se-mat-10-gdp-khi-my-ap-thue-46-ar935431.html
Bình luận (0)