
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo cấp cao hai nước bấm nút khởi công nhà máy, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày 25-27/5.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vaccine VNVC, cho biết nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn sẽ giúp giảm giá thành, chủ động cung ứng trong nước, xuất khẩu và sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu, đóng góp vào an ninh y tế Việt Nam và khu vực.
Ông Burak Pekmezci, Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam, kỳ vọng Nhà máy vaccine và Sinh phẩm VNVC đạt chuẩn toàn cầu sẽ sớm cung cấp các vaccine, thuốc cùng các giải pháp phòng ngừa bệnh tật cho người dân Việt Nam. "Đây sẽ là dự án đột phá, góp phần thực hiện sứ mệnh bảo vệ sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn", ông nói.
Dự kiến khi đi vào hoạt động cuối năm 2027, Nhà máy Vaccine và Sinh phẩm VNVC sẽ từng bước nhận chuyển giao công nghệ từ Sanofi (Pháp) để ưu tiên "nội địa hóa" sản xuất các vaccine quan trọng, vaccine công nghệ mới của Sanofi.
Để đạt được các mục tiêu trên, nhà máy có nhiều phân khu gồm phân khu nghiên cứu phát triển, nhà thí nghiệm động vật, dây chuyền sản xuất vaccine và sinh phẩm ở nhiều công nghệ khác nhau. Bước đầu có ba dây chuyền chiết rót và đóng gói, bao gồm công nghệ hiện đại isolator và dây chuyền đóng bút tiêm.
Công trình đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về Thực hành sản xuất tốt EU GMP của châu Âu, FDA GMP của Mỹ và WHO GMP của Tổ chức Y tế Thế giới. Đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn Thực hành tốt trong phòng thí nghiệm (GLP) và tiêu chuẩn quốc tế (AAALAC) về an toàn, phúc lợi và đối xử nhân đạo cho khu vực nghiên cứu động vật thí nghiệm cùng nhiều tiêu chuẩn cao cấp khác về bảo vệ môi trường, giảm phát thải...
Toàn bộ dự án ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, như: bê tông tái chế và sơn không chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, năng lượng mặt trời và công nghệ thu gom, tái sử dụng nước mưa phục vụ tưới tiêu và làm mát. Hệ thống cách nhiệt giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng, kết hợp hệ thống xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.
Các dây chuyền có thể chuyển đổi linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sản xuất vaccine số lượng lớn hoặc tập trung, phù hợp khi cần khẩn cấp phòng ngừa đại dịch mới.
VNVC cũng đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) với quy mô 1.500 m2, chuyên nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sản xuất vaccine và sinh phẩm tiên tiến, đặc biệt là vaccine công nghệ mRNA. Trung tâm có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia, trường đại học, hãng dược phẩm để thực hiện thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng ngay tại Việt Nam. Nhờ đó, người dân có cơ hội tiếp cận sớm thuốc và vaccine, phát minh mới, rút ngắn thời gian đăng ký cấp phép.
Công ty Vaccine VNVC sở hữu Hệ thống tiêm chủng VNVC ra mắt năm 2017 với hơn 220 trung tâm trên toàn quốc. Đơn vị cung ứng hơn 50 loại vaccine, giúp phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm, trong đó có các loại vaccine mới, thường xuyên khan hiếm trên thị trường. Nhiều vaccine quan trọng được đơn vị triển khai tại Việt Nam như sốt xuất huyết, não mô cầu B... góp phần bảo vệ sức khỏe hàng triệu người dân.
T.H (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiduong.vn/vnvc-khoi-cong-nha-may-san-xuat-vaccine-2-000-ty-dong-412573.html
Bình luận (0)