Tàu du lịch Vịnh Xanh QN-7105 được lai dắt về khu cảng Cái Lân sáng 20-7 - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 20-7, ông Nguyễn Văn Công, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chủ trì buổi họp báo thông tin vụ tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 bị lật trong cơn dông làm 35 người tử vong, 4 người mất tích.
Buổi họp báo còn có ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, và bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.
Dông lốc bất ngờ gây lật tàu
Theo ông Nguyễn Văn Công, hôm qua 19-7, trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành xảy ra dông lốc hết sức phức tạp. Dông lốc khiến tàu Vịnh Xanh bị lật trên vịnh Hạ Long, thiệt hại hết sức nặng nề về người.
Ngay khi nhận thông tin, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Ông Nguyễn Văn Công, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tại họp báo - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Cù Quốc Thắng, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, thông tin thêm: sau tai nạn, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường, huy động 14 tàu, xuồng cao tốc cùng 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp triển khai các phương án cứu nạn, cứu hộ liên tiếp và xuyên đêm.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng công an phối hợp các lực lượng cứu được 10 người và 35 thi thể. Hiện cơ quan chức năng đã bàn giao 35 thi thể nạn nhân cho gia đình để lo mai tang.
Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng, huy động các phương tiện khẩn trương tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích.
Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra khẩn trương tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật tàu để xử lý theo đúng quy định pháp luật, và sẽ thông tin đến các cơ quan thông tấn khi có kết quả.
Ông Cù Quốc Thắng, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, thông tin về vụ tai nạn - Ảnh: NAM TRẦN
Tranh thủ "thời gian vàng" tìm người mất tích
Thông tin tại buổi họp báo, Đại tá Hoàng Văn Thuyết, chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, nhận định tàu bị lật do lốc lớn đột ngột. Ngay khi nhận được thông tin, cơ quan này đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu triển khai các phương án.
Đến thời điểm tối 19-7, đã huy động 1.000 người, trên 100 phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn. Trong đó động viên vận động hơn 500 ngư dân thông thạo các luồng lạch tham gia công tác tìm kiếm các nạn nhân, trục vớt tàu bị nạn.
"Hiện nay, sở chỉ huy tiếp tục chỉ đạo lực lượng tìm kiếm, tranh thủ giờ vàng tìm kiếm các nạn nhân. Theo dự báo, cơn bão số 3 đã vào Biển Đông, nếu bão vào thì buộc phải dừng công tác tìm kiếm.
Từ giờ tới tối nay, lực lượng chức năng tiếp tục tích cực triển khai các phương án, hy vọng tìm kiếm được những nạn nhân còn mất tích", ông nói.
Toàn cảnh vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 chở 49 người trên vịnh Hạ Long
80-90% nạn nhân có mặc áo phao
Tại họp báo, một số phóng viên đặt câu hỏi về công tác quản lý xuất bến đối với tàu, thuyền trên vịnh Hạ Long và quy chuẩn đối với tàu du lịch hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, du khách lên tàu có bắt buộc phải mặc áo phao?
Ông Bùi Hồng Minh, phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết theo quy định, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải có quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn quốc gia, 100% tàu đã đạt. Tàu Vịnh Xanh có hệ số an toàn ổn định 2,3 (quy chuẩn là 1).
Đối với câu hỏi du khách có bắt buộc phải mặc áo phao khi lên tàu du lịch, ông Minh cho biết theo quy định của luật, chỉ có hành khách đi trên phương tiện di chuyển ngang sông thì mới bắt buộc phải mặc áo phao suốt hành trình, còn lại đi đường dài chỉ phải mặc khi có nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ hướng dẫn.
"Quá trình trục vớt, chúng tôi thấy có 80-90% nạn nhân được đưa từ trong tàu ra đều mặc áo phao. Nghĩa là trước đó thuyền trưởng đã cảnh báo hành khách mặc áo phao sẵn sàng ứng phó tình huống bất lợi", ông Minh thông tin.
Tin cảnh báo dông lốc được gửi sau khi tàu đã xuất bến
Ông Bùi Hồng Minh, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Bùi Hồng Minh, phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thêm bộ phận cảng vụ có hợp đồng riêng với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cung cấp bản tin một ngày 3 lần, căn cứ vào đó có phương án điều tiết.
Với ngày hôm qua 19-7, bản tin dự báo thời tiết sáng và trưa đều thông báo vịnh Hạ Long có gió cấp 2, cấp 3, không có cảnh báo gì thêm.
Đến 13h30, trung tâm dự báo gửi bản tin cảnh báo có dông lốc nhưng tàu đã xuất bến trước đó.
"Ngay khi nhận được bản tin bổ sung cảnh báo dông lốc, cảng vụ đã triển khai thông báo dừng cấp phép toàn bộ tàu du lịch, thông tin trên nhóm các chủ tàu về tình hình thời tiết", ông Minh nói.
Vì sao tàu lật 3 tiếng sau mới cứu người?
Cũng tại họp báo, một phóng viên thông tin có nạn nhân phản ánh sau 3 tiếng xảy ra vụ lật tàu mới được cứu? Trao đổi lại, ông Hoàng Văn Thuyết cho biết: trưa qua 19-7, thời tiết rất nắng. Tuy nhiên lúc 14h, dông lốc bất ngờ nổi lên kèm mưa đá, lúc này tàu Vịnh Xanh 58 mất tín hiệu.
Theo ông Thuyết, thời tiết cực đoan diễn ra trong khoảng 1 tiếng sau đó. Ở vùng biển, việc phát hiện tàu lật khi mịt mù mưa lốc là rất khó. Tuy nhiên ngay sau khi nhận tin báo, tàu cứu hộ chỉ mất khoảng hơn 10 phút để đến nơi tàu lật và kịp thời cứu những người còn sống.
Về ý kiến đặt vấn đề tại sao không dùng trực thăng để cứu nạn, ông Thuyết cho biết: "Từ vị trí bị nạn đến Tuần Châu chỉ hơn 1km, đến đất liền 3km, mà lại đang dông lốc, nếu huy động máy bay phải xin nhiều ý kiến và không hợp lý. Thực tế chỉ sau 10 phút đã có tàu ra cứu nạn. Quân đội không ngại nghiệm vụ gì; vì dân mà không chờ xin lệnh để cứu dân, điều tàu đi ngay rồi thông tin, báo cáo".
Đại tá Hoàng Văn Thuyết, chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, thông tin về công tác cứu nạn nhân vụ lật tàu - Ảnh: NAM TRẦN
"Cố gắng còn nước còn tát tìm người mất tích"
Thông tin thêm về công tác tìm kiếm cứu nạn, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Công cho biết sau 15 phút từ khi nhận thông tin, tàu biên phòng đã có mặt ở hiện trường. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thông tin đến chậm nên công tác ra hiện trường có độ trễ.
Về lý do không dùng máy bay trực thăng cứu nạn, ông Công lý giải vì khoảng cách từ bờ ra vị trí bị nạn chỉ 15-20 phút. "Nếu đi trực thăng ra đến nơi không đỗ xuống được, gặp bão gió cũng gây nguy hiểm. Việc sử dụng máy bay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, chỗ đỗ nên trường hợp này là chưa cần thiết", ông Công nói.
Đối với 4 nạn nhân chưa tìm thấy, ông thông tin ngày 20-7 tỉnh huy động 269 người, 51 phương tiện liên tục tìm kiếm từ sáng. "Rất là chua xót, chúng tôi đang cố gắng, còn nước còn tát", ông Công nói.
Có khởi tố vụ án để điều tra?
Tại họp báo, một phóng viên đặt câu hỏi: Đến thời điểm này công an có khởi tố vụ án để điều tra không?
Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết Cơ quan điều tra đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp khám nghiệm hiện trường, xác minh các thông tin liên quan thì mới có kết luận nguyên nhân vụ lật tàu. Nếu đủ căn cứ sẽ làm các bước theo quy định.
Liên quan số liệu nạn nhân, lãnh đạo Công an tỉnh khẳng định đến thời điểm này, căn cứ kết quả điều tra xác định tàu có 3 thuyền viên và 46 du khách đều là người Việt Nam.
"Chúng tôi đang tập trung cao nhất cho công tác cứu hộ cứu nạn. Đêm qua, lực lượng chức năng thức trắng tìm kiếm nạn nhân. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy", phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
10 người được cứu sức khỏe ổn định, được miễn toàn bộ viện phí
Ông Bùi Mạnh Hùng, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cung cấp thông tin về cứu chữa cho các nạn nhân - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Bùi Mạnh Hùng, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết ngay sau tai nạn, ngành y tế đã vào cuộc rất quyết liệt, cử 12 đội cấp cứu cùng xe cứu thương có mặt tại các điểm tiếp đón nạn nhân. Đến tối 19-7, ngành y tế huy động thêm 31 xe cấp cứu để hỗ trợ các gia đình đưa thi thể người bị nạn về nhà.
Đối với 10 trường hợp còn sống, sau khi vào bệnh viện đã được chăm sóc, thăm khám kịp thời. Rất may mắn cả 10 người chỉ bị chấn thương phần mềm, một số bị thương ở đầu, đến nay tất cả đều ổn định.
Riêng trường hợp cháu bé (đi cùng bố mẹ và em gái đã mất) sáng nay được chuyển về Bệnh viện Nhi trung ương để chăm sóc.
Một trường hợp khác là chị Thùy Linh đi cùng cả gia đình nhưng chỉ mình chị được cứu. Chị Linh sau khi được chăm sóc sức khỏe đã xin về để lo hậu sự cho người thân.
Ông Hùng cho biết thêm, toàn bộ việc khám chữa, chăm sóc các nạn nhân trong vụ lật tàu đều miễn phí.
Sẽ có cơ chế hỗ trợ các cháu mồ côi
Kết thúc họp báo, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công gửi lời chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân. "Đến 4h30 ngày 20-7, tàu gặp nạn được lai dắt vào vị trí neo đậu, thể hiện quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn", ông nói.
Ông cho biết thêm, sự việc tàu Vịnh Xanh bị lật là một tai nạn không may, nằm ngoài dự đoán, không thể cảnh báo kịp thời về thời tiết do dông lốc xảy ra. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ các nạn nhân theo đúng quy định và kêu gọi thêm sự giúp đỡ từ mạnh thường quân.
"Quảng Ninh cũng có định hướng đối với các nạn nhân chưa đến tuổi vị thành niên mà mồ côi sẽ có cơ chế cho các cháu để sau này có điều kiện cống hiến cho xã hội", ông Công chia sẻ.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, chiều 19-7, tàu Vịnh Xanh QN 7105 trong quá trình chở khách tham quan ở tuyến 2 trên vịnh Hạ Long đã bất ngờ bị lật tại khu vực gần đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh.
Ngay sau khi nhận được tin báo, tỉnh Quảng Ninh đã huy động các lực lượng gồm hàng trăm người và hàng chục phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, xác định trên tàu có 3 thuyền viên và 46 hành khách, đều là người Việt Nam.
Tính đến trưa 20-6, các lực lượng đã cứu được 10 người, tìm thấy 35 thi thể, hiện còn 4 người mất tích. Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc đang được tiến hành song song để xử lý theo quy định.
Sau vụ tai nạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; đồng thời chỉ đạo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ông cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn.
Đồng thời điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động...
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/vu-lat-tau-o-ha-long-co-tim-nguoi-mat-tich-truoc-toi-nay-se-co-co-che-ho-tro-tre-mo-coi-20250720132901673.htm
Bình luận (0)