Những ngày này, khi đất nước rợp bóng cờ hoa hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người dân Hà Tĩnh, trong đó có những cán bộ ngành y tế từng phục vụ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954 -1975) lại bồi hồi nhớ về một thời gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, luôn kịp thời phục vụ chiến trường và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong những năm tháng đầy mưa bom, bão đạn.
Ông Đặng Đình Chỉ - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh.
Trong căn nhà nhỏ, nép mình bên đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh), ông Đặng Đình Chỉ (SN 1939) - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh vẫn nhớ như in những ngày tháng đầy gian lao của mình và đồng nghiệp.
Ông Chỉ kể: "Những năm tháng ác liệt của chiến tranh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, có những kỷ niệm chung của đồng nghiệp, ngành y tế, có những kỷ niệm riêng của mỗi cá nhân. Về đồng nghiệp của mình, tôi nhớ mãi sự kiện trận đánh ở Đại Nài vào ngày 26/3/1965. Thời điểm đó, tôi đang công tác tại Bệnh viện huyện Đức Thọ và được cử vào Ty Y tế (thị xã Hà Tĩnh) để lấy thuốc. Dù không trực tiếp tham gia phục vụ trên trận địa hôm đó nhưng chứng kiến các đồng nghiệp của mình không quản hiểm nguy xông pha giữa bom đạn, cáng tải cấp cứu thương binh, cứu dân... tôi vừa cảm phục vừa được tiếp thêm ý chí.
Với bản thân tôi, năm 1966, trong một chuyến công tác về xã Thạch Lâm (nay là xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh), tôi cũng suýt chết vì bị máy bay địch phát hiện khi đang đi giữa đồng. Lúc đó, để bảo vệ bản thân và túi thuốc mang theo, tôi vội nhảy xuống cống nước bên đường, tránh được bom thả chỉ cách đó vài ba chục mét... Nói chung, không chỉ riêng tôi, những năm tháng ấy, lực lượng làm công tác y tế đều luôn luôn sẵn sàng đi đến nơi gian khổ, khốc liệt nhất để làm nhiệm vụ. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã hy sinh khi đang cứu người trên chiến hào và các trạm xá ở các địa phương...".
Hiệu thuốc tây đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, tại thị xã Hà Tĩnh. Ảnh: tư liệu.
Sau năm 1954, miền Bắc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã hoàn toàn giải phóng, nhưng điều kiện còn hết sức khó khăn, cơ sở vật chất y tế lạc hậu, đội ngũ cán bộ ngành y thiếu và yếu. Trong bối cảnh đó, ngành Y tế Hà Tĩnh đã nỗ lực củng cố lại hệ thống mạng lưới, xây dựng các cơ sở điều trị và đào tạo nhân lực phục vụ cho cả thời bình lẫn thời chiến. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được nâng cấp đầu tư mở rộng; các trạm y tế xã, đội vệ sinh phòng dịch được thành lập và đi vào hoạt động. Công tác đào tạo đội ngũ y tá, hộ sinh, vệ sinh viên được đẩy mạnh. Trong đó, bệnh viện tỉnh đóng vai trò trung tâm, các bệnh viện huyện, trạm y tế xã trở thành mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, chống dịch bệnh, và sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi có yêu cầu.
Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ chính thức phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Tĩnh trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt. Đối diện với thử thách lớn, ngành Y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Tất cả cán bộ chủ chốt như Trưởng, Phó Ty Y tế, các bác sĩ, y tá, y sĩ đều trực tiếp chỉ huy tổ chức hệ thống cấp cứu chiến thương khẩn cấp. Các cơ sở điều trị trọng yếu được sơ tán khỏi thành phố về vùng nông thôn, vùng núi ở các xã: Thạch Hạ, Thạch Quý, Thạch Hương, Thạch Điền... Bệnh viện tỉnh vẫn duy trì quy mô 200 giường với đầy đủ các khoa trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Ông Đặng Đình Chỉ - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh trò chuyện với phóng viên.
Hệ thống cấp cứu phòng không, phòng chống chiến tranh vi trùng, hóa học được thiết lập từ tỉnh đến xã. Hơn 53.760 cán bộ phòng hóa cấp xã và 768 cán bộ cấp huyện được đào tạo, giúp cứu chữa kịp thời hàng vạn người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong chiến tranh.
Dù đối mặt với bom đạn tàn khốc tại địa phương, ngành Y tế Hà Tĩnh vẫn hướng về miền Nam ruột thịt. Nhiều đoàn cán bộ y bác sĩ được cử vào chiến trường B, C, K phục vụ chiến đấu. Việc chi viện nhân lực y tế không chỉ dừng lại ở cán bộ điều trị, mà còn có cả các lớp đào tạo y tá, hộ sinh tại chỗ nhằm bù đắp cho lực lượng được điều động ra chiến trường, thể hiện tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”.
Ông Nguyễn Huyến - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Lộc khám chữa bệnh tại trạm, tháng 11/1969. Ảnh chụp lại bức ảnh lưu trữ của Bộ VH-TT&DL.
Cùng với nỗ lực cứu chữa thương binh, bệnh binh trên các mặt trận, người dân bị bom đạn bằng cách vận dụng nhiều sáng tạo kỹ thuật cấp cứu, mổ, băng bó vết thương thì một trong những thành công nổi bật của ngành Y tế Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ là điều chế, sản xuất dược.
Theo ông Đặng Đình Chỉ - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh: Năm 1967, Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tĩnh (nay là Công ty CP Dược Hà Tĩnh) được thành lập, sản xuất được nhiều loại thuốc kháng sinh như: Tê-ra-xi-lin, Clo-ro-xit; tất cả các thuốc tiêm chống dị ứng, chống sốc; các loại vitamin… Đặc biệt, bằng nguồn dược liệu thuốc nam được trồng rộng rãi và thu hoạch từ tự nhiên, ngành dược đã điều chế nhiều loại thuốc viên phục vụ cho việc cứu chữa bệnh. Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng sản xuất được bông, gạc y tế đảm bảo… Từ nguồn dược tự điều chế sản xuất, Hà Tĩnh không chỉ phục vụ cho việc cứu, chữa bệnh trên chiến trường, chăm sóc người dân trong tỉnh mà còn gửi vào phục vụ chiến trường ở miền Nam.
Nguồn dược liệu cây thuốc nam bản địa được nhiều địa phương trồng và thu hoạch phục vụ cho ngành Y tế Hà Tĩnh điều chế thuốc.
Một trong những điển hình cơ sở y tế địa phương có thành tích nổi bật trong cứu chữa bệnh và sản xuất điều chế dược liệu giai đoạn chống Mỹ là Trạm Y tế xã Hồng Lộc (trước thuộc huyện Can Lộc, nay thuộc huyện Thạch Hà). Với tâm huyết và sáng tạo của người trạm trưởng thời điểm đó là ông Nguyễn Huyến (sau là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Can Lộc), Trạm Y tế Hồng Lộc đã huy động Nhân dân trồng hàng chục mẫu cây thuốc nam đủ loại để điều chế nhiều loại thuốc hiệu quả, trong đó có bài thuốc nam chữa sốt xuất huyết được ứng dụng rộng rãi trên toàn miền Bắc.
Bà Trần Thị Minh (SN 1946)- nguyên Dược sỹ Trạm Y tế Hồng Lộc nhớ lại: “Những năm 1966-1969, mỗi năm chúng tôi sản xuất hàng chục tấn thuốc nam. Cùng với phục vụ công tác điều trị tại cơ sở, chúng tôi đã chuyển một lượng lớn dược liệu để Ty Y tế tỉnh điều chế thuốc gửi ra phục vụ chiến trường. Năm 1969, chúng tôi vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Đinh Thị Cẩn về tham quan và hết lòng khen ngợi”.
Bên cạnh công tác cứu chữa bệnh, sản xuất dược, ngành Y tế Hà Tĩnh cũng là đơn vị điển hình của miền Bắc về phong trào vệ sinh phòng dịch, nhiều đợt dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng như: sốt xuất huyết, dịch tả… nhanh chóng được đẩy lùi, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Bà Trần Thị Minh (SN 1946) - nguyên Dược sỹ Trạm Y tế xã Hồng Lộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Cùng với những thành tựu, sự nỗ lực, cố gắng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phục vụ chiến trường, trong kháng chiến chống Mỹ, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chứng kiến sự hy sinh của nhiều cán bộ y tế. Đã có 18 cán bộ y tế hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, sơ tán bệnh nhân, nhận thuốc men trong lửa đạn kẻ thù…
Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y tế Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Y tế đã tặng cờ “Đơn vị xuất sắc” cho toàn ngành, nhiều tập thể và cá nhân được tặng huân chương, bằng khen, huy hiệu Bác Hồ… Trong đó, Bệnh viện huyện Kỳ Anh được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (1966); các đơn vị được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, gồm: Nhân dân và cán bộ Trạm Y tế Cẩm Long (Cẩm Xuyên, 1966), Nhân dân và cán bộ Trạm Y tế Hồng Lộc (Can Lộc, 1968), Bệnh viện huyện Đức Thọ (1966), ngành Y tế Hà Tĩnh (1967)…
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nay được đầu tư khang trang, hiện đại cùng với đội ngũ y, bác sỹ lành nghề, thiết bị y tế tân tiến.
Có thể nói, thành tựu của ngành Y tế Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ là biểu tượng cho sự cống hiến âm thầm, bền bỉ trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Những đóng góp ấy mãi là niềm tự hào và bài học quý báu cho thế hệ hôm nay noi theo, không ngừng nỗ lực cống hiến trong công việc chữa bệnh cứu người, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Nguồn: https://baohatinh.vn/vuot-kho-khan-gian-kho-lam-tot-nhiem-vu-chua-benh-cuu-nguoi-trong-khang-chien-chong-my-post286109.html
Bình luận (0)