Nguyên nhân khiến giá cà phê 2 năm qua liên tục tăng là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt nên năng suất giảm mạnh. Đồng thời, từ năm 2022 đổ về trước, giá cà phê xuất khẩu luôn ở mức thấp khiến nông dân thua lỗ, nhiều nông dân đã chặt bỏ cà phê, thay bằng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác.
Tại Đồng Nai, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích cây cà phê giảm nhanh. Theo Chi cục Thống kê Đồng Nai, đến cuối năm 2024, diện tích cây cà phê của tỉnh chỉ còn gần 4,8 ngàn hécta, sản lượng gần 13 ngàn tấn/năm. Các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh đa số trồng xen canh với các loại cây trồng khác như tiêu, cây ăn trái nên năng suất không cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường cà phê thế giới trong thời gian tới cầu vẫn vượt cung, giá sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, để giữ vững được thị trường xuất khẩu thì các nhà vườn, doanh nghiệp phải liên kết, sản xuất theo quy trình xanh, tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, cà phê xuất khẩu vào Liên minh châu Âu từ giữa năm 2025 trở đi phải chứng minh được là không trồng trên đất rừng, không gây mất rừng.
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu về xuất khẩu cà phê của thế giới nhưng đa số chỉ xuất thô, qua khâu trung gian và chưa xây dựng được thương hiệu. Việc này làm cho giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam chưa cao. Do đó, ngành cà phê của Đồng Nai cũng như cả nước đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng được thương hiệu, kim ngạch xuất khẩu dễ dàng vượt 10 tỷ USD, khả năng đạt 15-20 tỷ USD và cao hơn nữa. Bởi vì, cà phê chế biến sâu khi xuất khẩu có thể tăng giá trị từ 2-6 lần so với xuất thô.
Khánh Minh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202503/xuat-khau-ca-phe-bo-ngo-gia-tri-gia-tang-68d7d8d/
Bình luận (0)