Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp giao ban - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG
Sáng 13-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và quý 2-2025.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 4 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,47 tỉ USD, tăng 5,4% so với tháng 4-2024.
Tính chung 4 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 21,15 tỉ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất siêu đạt 5,18 tỉ USD, dù giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, nhưng vẫn cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (5,02 tỉ USD).
4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mặt hàng nông sản đóng góp 11,6 tỉ USD, lâm sản 5,56 tỉ USD, thủy sản gần 3,1 tỉ USD, còn lại là sản phẩm chăn nuôi và đầu vào sản xuất.
Có 6 mặt hàng vào "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 2 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ 5,2 tỉ USD, cà phê 3,78 tỉ USD, tôm 1,24 tỉ USD.
Riêng xuất khẩu gạo và rau quả con số lần lượt 1,75 tỉ USD và 1,62 tỉ USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì hai mặt hàng này giảm tới 14%.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản tăng đột biến như giá cà phê 5.698 USD/tấn (tăng 67,5%), cao su 1.935 USD/tấn (tăng 30%), hạt tiêu 6.893 USD/tấn (tăng 62,5%), hạt điều 6.808 USD/tấn (tăng 27%), riêng gạo rớt xuống 514 USD/tấn (giảm 20%).
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỉ trọng lần lượt 20,5%, 17,1% và 7,5%.
Xuất khẩu sầu riêng 4 tháng đầu năm nay sụt giảm sâu so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: T.VY
Phát biểu tại cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao những kết quả sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp và môi trường.
Theo ông Duy, nếu duy trì được đà tăng trưởng này và sớm tháo gỡ các vướng mắc về thuế quan với Mỹ, mục tiêu xuất khẩu 65 tỉ USD và tăng trưởng ngành khoảng 4% trong năm nay hoàn toàn khả thi.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song ông Duy nhận định rằng không thể chủ quan, bởi tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cạnh tranh thương mại, xung đột lợi ích và biến động thị trường.
Đối với trong nước, ông Duy nhấn mạnh nổi lên hai vấn đề cấp bách. Trước tiên là những vướng mắc về kiểm định khiến xuất khẩu sầu riêng, mặt hàng từng đạt 3,2 tỉ USD năm 2024 đang có dấu hiệu chững lại, hiện mới chỉ đạt 20% kế hoạch năm 2025.
Bên cạnh đó, sâu bệnh và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Thời tiết khô hạn kéo dài khiến nhiều địa phương gặp khó khăn. Tại Bắc Giang, vùng trồng vải lớn trong suốt tháng qua chỉ có một cơn mưa, nguồn nước tưới khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất.
Do đó ông Duy đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, khó khăn để đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ trong tháng 5, quý 2 và 6 tháng đầu năm.
"Chúng ta không còn nhiều thời gian. Nếu không có quyết tâm và giải pháp mạnh mẽ, sát thực tiễn, sẽ rất khó để hoàn thành chỉ tiêu cả năm, cả nhiệm kỳ" - ông Duy nói.
Mặt hàng chủ lực thì cần xử lý khẩn trương
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, hôm 8-5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì họp với các đơn vị liên quan, nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng.
Tại cuộc họp này, ông Duy đã chỉ đạo các đơn vị liên quan loạt giải pháp trước mắt và lâu dài để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi hơn.
"Đây là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một thị trường cũng chủ lực, do vậy phải rất khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục. Đã gọi là chủ lực thì mình phải ứng xử như một mặt hàng chủ lực" - ông Duy nói tại cuộc họp hôm 8-5.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh (thậm chí có thời điểm tạm dừng) kể từ thời điểm đầu tháng 1 khi nước này siết chặt kiểm soát dư lượng chất vàng O và Cadimi (từ cuối năm 2024).
Khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị chuyên ngành đã có nhiều giải pháp, nhưng 4 tháng trôi qua, tình hình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn khó khăn.
Nguyên nhân chính là các lô hàng sầu riêng vẫn có dư lượng Cadimi hoặc chất vàng O.
Hiện diện tích trồng sầu riêng Việt Nam đạt gần 170.000ha, dự kiến năm nay cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu tấn, tập trung từ nay đến tháng 9.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xuat-khau-sau-rieng-sut-giam-vi-chat-vang-o-cadimi-20250513120037446.htm
Bình luận (0)