Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xuyên thời gian trên tàu cao tốc

(NLĐO) - Tương lai của du lịch đường sắt không phải đang đến, nó đã ở đây, khắp vùng nông thôn Trung Quốc ở tốc độ trung bình 250 cây số/giờ

Người Lao ĐộngNgười Lao Động01/07/2025

Con tàu lửa cao tốc từ Thượng Hải đến Tây An lướt đi từ ga Hồng Kiều với âm thanh êm như tiếng thì thầm của gió. Chỉ sau vài phút, khung cảnh hiện đại của thủ đô tài chính Trung Quốc nhường chỗ cho vùng châu thổ xanh mướt của sông Dương Tử. 

Tôi thả mình vào ghế ngồi hạng hai, đủ chỗ để chân và ổ cắm điện, khi tàu lửa tăng tốc lên 300 cây số/giờ.

Hồi xưa, đi Tây An từ Thượng Hải là chuyến đi xuyên đêm kéo dài 16 tiếng, giờ chỉ còn 6 tiếng đồng hồ nhờ mạng lưới đường sắt cao tốc.

Từng đi tàu Shinkansen của Nhật, tôi nhận thấy ngay sự khác biệt. Hệ thống Nhật Bản là sự chính xác, toa tàu thì sạch bóng, và hành khách im lặng như trong thư viện.

Phiên bản Trung Quốc cũng ấn tượng không kém về mặt công nghệ, nhưng trên tàu, người Trung Quốc trò chuyện to tiếng, chia sẻ đồ ăn vặt và xem video trên điện thoại không dùng tai nghe. Cảm giác không giống thư viện, mà như phòng khách chung chạ lao qua vùng nông thôn với tốc độ máy bay.

Dịch vụ trên tàu cũng phản ánh sự khác biệt văn hóa. Cơm hộp ekiben nổi tiếng của Nhật là những tác phẩm nghệ thuật ẩm thực, trình bày đẹp mắt nhưng phải ăn nguội. Đó là loại cơm hộp đặc biệt được bán tại nhà ga, hay ngay trên tàu lửa ở Nhật Bản.

Trong khi đó, xe đẩy đồ ăn trên tàu lửa Trung Quốc - như tàu Việt Nam - phục vụ bánh bao nóng, mì ăn liền với nước sôi, và trà xanh trong bình giữ nhiệt, đơn giản. Cả hai cách đều có ưu điểm riêng, nhưng cách của Trung Quốc phù hợp hơn với nhu cầu của du khách Việt.

Đến đầu giờ chiều, cảnh quan thay đổi khi chúng tôi tiến vào vùng trung tâm của Trung Quốc. Những cánh đồng lúa xanh mướt của Giang Tô nhường chỗ cho cánh đồng lúa mì vàng óng của Hà Nam, nơi những người nông dân đội nón lá - như Việt Nam - dừng tay để ngắm đoàn tàu bạc lướt qua. Wi-Fi trên tàu (một điều hiếm thấy trên tàu cao tốc Nhật Bản), tuy chập chờn, cũng giúp tôi phần nào theo dõi được đường đi dọc theo con đường Tơ lụa từng kết nối Tây An với thế giới.

Xuyên thời gian trên tàu cao tốc - Ảnh 1.

Tàu tốc độ cao của Trung Quốc ở ga Tô Châu (đi từ Thượng Hải). Tàu chạy có lúc lên đến 350 cây số/giờ, nhưng thường trung bình 250 cây số/giờ vì còn phải dừng một số ga trên đường đi.

Tây An: Nơi hồi sinh đế chế

Đến Tây An giống như bước qua cổng thời gian. Nhà ga cao tốc hiện đại nhường chỗ cho những bức tường thành xây dựng từ triều Minh thế kỷ XIV. Chúng bao quanh một thành phố từng là thủ đô Trung Hoa suốt hàng ngàn năm.

Đội quân Đất nung, được phát hiện năm 1974 do một nông dân đào giếng, vẫn là điểm thu hút chính. Đứng trước Hố 1 với 6.000 binh sĩ cỡ người thật, mỗi người có khuôn mặt độc đáo, tôi cảm nhận được quy mô tham vọng của Tần Thủy Hoàng ngay từ thế kỷ III trước Công Nguyên. Những cuộc khai quật mới vẫn liên tục làm hé lộ những bí ẩn. Nghe nói, gần đây, một bức tượng "lực sĩ" đất nung với cơ bắp cuồn cuộn và bụng tròn đã được tìm thấy.

Nhưng vẻ đẹp của Tây An không chỉ nằm ở các di tích khảo cổ. Khi hoàng hôn buông xuống, tôi đạp xe đạp dọc những bức tường thành được thắp sáng, ngắm nhìn ánh đèn neon của khu phố người theo đạo Hồi phía dưới. Mùi thơm của thì là và thịt trừu nướng dẫn lối tôi đến những quầy hàng phục vụ mì kéo bằng tay - như ở các nhà hàng Haidilao ở Việt Nam - và những bát canh dê nóng yangrou paomo với bánh mì vụn. Lịch sử thật sống động. Đây là nơi con cháu của người từng dùng con đường Tơ lụa vẫn nấu những món ăn gia truyền. Tây An không phải là di tích khô cứng.

Hàng Châu: Thơ và thẩn

Chuyến tàu sáng hôm sau đến Hàng Châu thể hiện tài năng của ngành đường sắt Trung Quốc. Chúng tôi vượt qua những đường hầm xuyên núi và thung lũng, trên con đường Marco Polo từng mất hàng tháng trời để đi qua.

Độ ổn định của tàu thật đáng kinh ngạc. Ở tốc độ 300 km/giờ, nhưng tôi vẫn có thể đi lại trong lối đi mà không cần vịn vào đâu cả.

Khi vào tỉnh Chiết Giang, cảnh quan chuyển mình trở thành vẻ đẹp mờ ảo từng truyền cảm hứng cho bao thi nhân Trung Hoa. Những đồn điền chè bậc thang xanh ngắt nối tiếp nhau, trong khi những ngôi làng truyền thống với tường trắng mái ngói đen nép mình bên những con kênh.

Sự chuyển giao từ vẻ tráng lệ đầy bụi đất của Tây An đến nét thanh lịch mềm mại của Hàng Châu chỉ diễn ra trong năm tiếng đồng hồ. Ngày trước, người ta phải cần đến hàng tuần với việc đi thuyền trên sông.

Hai hệ thống, một mục tiêu

Trải nghiệm cả hai, tôi nhận thấy hệ thống tàu lửa cao tốc của Trung Quốc vượt trội hơn Nhật Bản về quy mô và khả năng tiếp cận. Với hơn 40.000 cây số đường ray (so với 3.000 cây số của Nhật), mạng lưới đường sắt Trung Quốc đến được những nơi mà Shinkansen không thể. Giá vé chỉ bằng khoảng một nửa so với Nhật cho quãng đường tương đương, biến du lịch cao tốc cho người có tiền trở nên gần gũi, nếu biết dùng.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giữ ưu thế về sự tinh tế. Nhà ga được thiết kế trực quan hơn, biển chỉ dẫn song ngữ, và những hộp cơm ekiben trên tàu vẫn vô địch. Hệ thống Trung Quốc, cho cảm giác được xây dựng chỉ cho người nói tiếng Trung. Thật ra, điều đó cũng hợp lý khi xét đến đối tượng chủ yếu của loại tàu này là khách nội địa… có tiền. Vì họ vẫn tiếp tục dùng tàu tốc độ thấp, vé giá rẻ hơn.

Khi nhấp ngụm trà Long Tĩnh bên Hồ Tây vào buổi tối, ngắm những chiếc thuyền đánh cá lướt trên mặt nước phẳng lặng, thành tựu thực sự trở nên rõ ràng. Trung Quốc không chỉ xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới; họ đã tạo ra một cách mới để trải nghiệm nền văn minh cổ xưa.

Những đoàn tàu nén thời gian và không gian, cho phép du khách có tiền ăn sáng ở Thượng Hải hiện đại, ăn trưa giữa những kỳ quan xưa cũ của Tây An, và dùng bữa tối, ngắm nhìn ngư dân dùng chim cốc đánh bắt cá; là nghề đã tồn tại cả ngàn năm trên mặt nước Hàng Châu.

Đối với khách công vụ (không dùng tiền của mình mua vé), đây là một cuộc cách mạng: Không phiền toái ở sân bay, không mất thời gian vì an ninh. Đối với khách du lịch (bỏ tiền riêng mua vé), đó là sự xa xỉ: Nhiều thời gian hơn ở điểm đến, ít lãng phí hơn khi di chuyển. Và đối với Trung Quốc, tuy phải bù lỗ mỗi năm, những mạch máu thép này đại diện cho điều gì đó sâu sắc hơn. Đó là sự kết nối lại với vai trò lịch sử của mình, giờ đây được liên kết với nhau ở tốc độ của thế kỷ XXI.

Tương lai của du lịch đường sắt không phải đang đến, nó đã ở đây, khắp vùng nông thôn Trung Quốc ở tốc độ trung bình 250 cây số/giờ. Một bài học cho thế giới về cách vận chuyển con người hiệu quả mà vẫn giữ được niềm vui của việc đi lại, nhưng, trên thực tế... chỉ dành cho người có tiền.

Nguồn: https://nld.com.vn/xuyen-thoi-gian-tren-tau-cao-toc-196250701133103787.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm