BHG - Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, huyện Yên Minh có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách tạo đà phát triển nông nghiệp, huyện đã quan tâm bảo tồn các cây trồng giá trị có nguy cơ bị thoái hóa. Nhờ đó phục tráng thành công nguồn gen quý, mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Người dân xã Na Khê phun thuốc khắc phục tình trạng cây hồng bị rụng hoa, quả. |
Xác định rõ thế mạnh trong sản xuất, huyện Yên Minh đưa cây lúa chất lượng cao trở thành cây trồng chủ lực với các thương hiệu như: ĐS1, nếp Râu Yên Minh, Tám thơm, Khẩu mang… Việc đa dạng nguồn giống mang lại nhiều lợi thế nhưng lại gây đa chủng, kết hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa dẫn đến tình trạng thoái hóa giống nhanh, sâu bệnh nhiều, chất lượng lúa, gạo kém. Trước thực tiễn sản xuất tại địa phương đặt ra yêu cầu nghiên cứu, bảo tồn giống lúa đặc sản bản địa. Do đó, năm 2021, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh chủ động triển khai Dự án Bảo tồn và phục tráng giống nếp Râu Yên Minh.
Đồng chí Giang Lộc Thăng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Minh cho biết: Phòng tích cực phối hợp với Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên), các chuyên gia của Trung tâm Khoa học ứng dụng, bảo tồn và Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tỉnh để triển khai dự án bài bản với nhiều kinh nghiệm, kiến thức hay được áp dụng. Với mục tiêu phục tráng giống nếp Râu Yên Minh, cung cấp giống chất lượng cao phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện nói riêng và của tỉnh nói chung; chọn lọc 10-15 dòng đạt tiêu chuẩn để hỗ trợ tạo giống siêu nguyên chủng. Quy mô thực hiện 2 vụ, diện tích 1 ha tại xã Mậu Duệ và có sự tham gia trực tiếp của cán bộ nông nghiệp kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật theo hướng dẫn “5 cùng”. Qua đánh giá giống có độ thuần cao, khả năng chịu thâm canh, chống đổ, chịu chua, phèn khá. Đặc biệt, mức độ gây hại của sâu bệnh thấp, chống chịu được bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu.
Giống nếp Râu Yên Minh sau phục tráng được trồng đại trà, mang lại thu nhập cao cho người dân. |
Sau 4 năm thực hiện thành công dự án, đến nay giống nếp Râu Yên Minh đã được đưa vào sản xuất đại trà, tập trung phát triển tại các xã: Mậu Duệ, Hữu Vinh, Đông Minh, Ngọc Long, Du Già, Bạch Đích... Năng suất thu hoạch đạt từ 50,6 tạ/ha, cao hơn so với giống nếp khác trồng tại địa phương từ 3-5 tạ/ha. Hiện nay 1 kg lúa thương phẩm trung bình 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đạt trên 61 triệu đồng/ha. Ngoài hiệu quả về kinh tế, qua phục tráng còn tạo hiệu quả xã hội rõ rệt trong thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ thâm canh, người dân thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng kỹ thuật tiến bộ. Qua đó, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần tích cực trong giảm nghèo. Đặc biệt, từ nguồn giống lúa chất lượng từ dự án, xã Bạch Đích đã đầu tư, xây dựng sản phẩm nếp Râu đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Vốn được biết đến là cây ăn quả ôn đới chủ lực của huyện, Hồng không hạt Na Khê là sản phẩm đặc trưng hàng hóa chất lượng cao được chứng nhận nhãn hiệu. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, cây hồng có hiện tượng bị rụng quả từ 30 - 60%; một số vườn có hiện tượng cây chết rải rác, tỷ lệ 15-20%. Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện đã khẩn trương phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thí điểm khắc phục, khôi phục các vườn trồng. Trong đó, từ đầu năm 2025, tiến hành khảo sát, kiểm tra phát triển, sinh trưởng, lấy mẫu cành, rễ kiểm tra, giám định và tham mưu phương án khắc phục. Qua đó, xác định được nguyên nhân rụng quả, chết do biến đổi thời tiết, tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh hại làm khô cành, rụng lá, hoa, quả. Một số hộ không chăm sóc cây thường xuyên dẫn đến cây nhiễm nấm Diaporthe sp và Colletotrichum sp.
Xã Hữu Vinh duy trì và bảo tồn giống ổi đặc sẳn địa phương. |
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh, Viện Bảo vệ thực vật cho biết: Căn cứ vào thực tế, viện phối hợp với ngành chuyên môn, xã Na Khê triển khai lộ trình và các giải pháp khắc phục. Trong đó, tập trung quy trình xử lý, phun thuốc theo các đợt và khuyến cáo người dân dùng các chế phẩm có khả năng diệt nấm, vi khuẩn trên cây để hạn chế rụng hoa, quả. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp cắt tỉa, hạn chế nguồn nấm lây lan, kết hợp với bón phân để cây phát triển khỏe mạnh, quang hợp tốt, kích thích ra hoa, đậu quả. Qua 2 tháng thí điểm cho thấy cây hồng đang tiến triển tốt, tình trạng nấm, sâu ăn lá giảm, thể trạng tốt, tỷ lệ rụng hoa giảm.
Việc bảo tồn, phục tráng các giống cây trồng bản địa tại huyện Yên Minh đã và đang góp phần vào bảo tồn nguồn gen cây trồng quý của địa phương. Bên cạnh đó, không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững mà còn mang giá trị văn hóa, bảo tồn sản vật quê hương.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/yen-minh-bao-ton-cay-trong-co-gia-tri-43126c8/
Bình luận (0)