Những thứ bạn ăn vào đều được biểu hiện qua 3 chỉ số: Mức cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu. 3 chỉ dấu này đồng thời cũng xác định nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Vì vậy, nguy cơ đột quỵ có thể giảm thông qua các loại thực phẩm chúng ta ăn, theo trang tin y khoa Medical Express.
Bác sĩ José Ordovás, cho biết: Rất khó để thay đổi chế độ ăn một cách đột ngột mà hãy thực hiện dần dần, từng bước một, ngay từ hôm nay.
Những thứ bạn ăn vào đều được biểu hiện qua 3 chỉ số: Mức cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu
Ảnh: AI
Bắt đầu bằng cách giảm muối
Giáo sư Ordovás cho biết cho biết: Muối - với thành phần chính là natri, là một trong những thủ phạm chính gây ra đột quỵ. Ăn nhiều muối khiến cơ thể giữ lại nhiều chất lỏng hơn, làm phình các tế bào máu và tăng huyết áp. Huyết áp cao có thể làm vỡ mạch máu hoặc có thể khiến cục máu đông dễ dàng di chuyển đến não gây ra đột quỵ.
Kali là chất đối trọng với natri; nó giúp giãn thành mạch máu và giảm huyết áp. Tuy nhiên, nạp kali không có nghĩa là có thể ăn bao nhiêu muối tùy thích.
Bác sĩ Ordovás khuyên: Nếu bạn muốn bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống để giảm nguy cơ đột quỵ, hãy bắt đầu bằng cách giảm muối.
Đáng chú ý, thực phẩm chế biến sẵn là nguồn muối ẩn, vì vậy hãy thay thế đồ ăn vặt chế biến sẵn bằng trái cây. Nên chọn thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, khoai lang, dưa lưới và rau bina.
Chất béo tốt và chất xơ
Cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chất béo lành mạnh, không bão hòa có thể giúp chống lại cholesterol. Những chất béo này có trong dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt, quả bơ và cá béo giàu omega-3. Thay thế đồ ăn nhẹ chế biến có nhiều chất béo bão hòa bằng những lựa chọn lành mạnh hơn này là cách đơn giản nhưng hiệu quả.
Chất xơ là một vũ khí chống cholesterol khác, nhưng thường thiếu trong chế độ ăn uống. Chất xơ liên kết với các hạt cholesterol, loại chúng khỏi cơ thể mà không đi vào máu. Giáo sư Ordovás lưu ý trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và yến mạch đều là nguồn chất xơ dồi dào.
Nguy cơ đột quỵ có thể giảm thông qua các loại thực phẩm chúng ta ăn
Ảnh: AI
Nói không với thực phẩm chế biến kỹ
Bác sĩ Ordovás cho biết: Cách hiệu quả để tăng lượng chất béo tốt và giảm chất béo xấu là tránh thực phẩm chế biến kỹ.
Những thực phẩm này thường chứa nhiều đường, muối, chất béo và cả chất bảo quản, hương vị nhân tạo và màu sắc.
Nói không với thực phẩm siêu chế biến có thể là cách tuyệt vời để làm nên sự khác biệt.
Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất
Các nghiên cứu của bác sĩ Ordovás cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải giàu trái cây, rau, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa đột quỵ lần đầu và tái phát, theo Medical Express.
Ông Ordovás cho biết ngay cả ở người lớn tuổi, có nguy cơ cao, thay đổi chế độ ăn uống có thể dẫn đến những cải thiện có ý nghĩa.
Tất nhiên, để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, cần kết hợp việc thay đổi trong chế độ ăn uống với việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế rượu, kiểm soát tình trạng sức khỏe, mức cholesterol và huyết áp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/4-dieu-chinh-che-do-an-ngay-hom-nay-co-the-cuu-ban-khoi-dot-quy-185250412233208572.htm
Bình luận (0)