Quảng Trị nằm ở miền Trung, từng là "vành đai trắng" trong kháng chiến chống Mỹ. Tỉnh hiện có nhiều di tích lịch sử như thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải ghi dấu các sự kiện quan trọng của thời kỳ chia cắt đất nước.
Dịp lễ 30/4/2025, các tour du lịch về nguồn thu hút đông đảo du khách từ Bắc vào Nam, Quảng Trị trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam và một trang sử trong hành trình thống nhất đất nước.
Lịch trình 48 giờ ở Quảng Trị, dựa trên gợi ý của Huy Hoàng, hướng dẫn viên du lịch tại khu vực miền Trung và khảo sát của phóng viên VnExpress.
Ngày 1
Di chuyển
Để đến Quảng Trị, du khách có thể bay đến Huế hoặc Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó di chuyển đường bộ đến Đông Hà - trung tâm của tỉnh. Trong đó, sân bay Phú Bài (Huế) có tần suất chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM nhiều hơn. Quảng Trị nằm trên trục Quốc lộ 1A, thuận tiện di chuyển bằng xe cá nhân, xe khách hoặc tàu hỏa.
Ngoài ra, du khách có thể đi theo đường Hồ Chí Minh hoặc cao tốc Bắc - Nam (CT01). Một số nhà xe giường nằm chạy tuyến Bắc - Nam có dừng tại Đông Hà gồm Camel Travel, Hoàng Long, Quốc Vương, Thiên Trung, Quang Dũng... Tàu Thống Nhất, gồm các đôi tàu nhanh SE1/2 và SE3/4, cũng dừng ở ga Đông Hà. Giá tàu, xe dao động từ khoảng 400.000 đồng đến 1.500.000 đồng một chiều cho một người, tùy điểm xuất phát. Từ Hà Nội, TP HCM và các địa phương khác, du khách nên chọn chuyến bay hoặc tàu xe đến Quảng Trị vào sáng sớm để có đủ thời gian di chuyển tham quan.
Du khách có thể ăn sáng tại thị TP Đông Hà trước khi xuất phát, các món địa phương được gợi ý như bánh ướt thịt heo, bún bò giò heo, cháo lòng với giá dao động 30.000 đồng tùy món.
Thành cổ Quảng Trị
Di tích thành cổ nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị, cách TP Đông Hà khoảng 14 km. Thành cổ được xây dựng từ 1809 đến 1837, bắt đầu từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng. Thời Việt Nam Cộng hòa, thành được đặt tên là thành Đinh Công Tráng.
Thành có hình vuông, mỗi cạnh 500 m, bao quanh là hào nước rộng 18 m, sâu đến 3 m với mục đích phòng thủ. Thành có 4 cổng, cổng chính nằm ở hướng Nam. Từ thành Quảng Trị có thể đi vào nam hay ra bắc bằng đường sông, đường bộ, đường biển đều thuận tiện. Từ ngày 28/6 đến 16/1972, Mỹ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa rải xuống thành cổ và thị xã Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn nhằm tái chiếm thành, gây sức ép trên bàn đàm phán Paris. Tham quan di tích du khách thắp hương ở đài tưởng niệm trung tâm, sau đó ghé bảo tàng để nghe những câu chuyện về cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ.
Thả hoa đăng tại đền tưởng niệm phía nam sông Thạch Hãn
Cách thành cổ khoảng 500 m, hai bến thả hoa bên sông Thạch Hãn là nơi tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khi vượt sông chi viện cho thành cổ năm 1972. Dịp lễ, người dân và du khách thường đến viếng đền tưởng niệm, thả hoa trôi theo dòng nước, tri ân những người đã ngã xuống.
Ăn trưa tại TP Đông Hà, Huy Hoàng gợi ý du khách có thể chọn nhà hàng phục vụ cơm cho gia đình, khách đoàn hoặc ghé khu ẩm thực chợ Đông Hà. Một số địa chỉ nhà hàng đông khách địa phương với giá hợp lý như cơm niêu Yên Loan, Tân Châu, nhà hàng Bích La Thôn với giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng một người.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, nằm cách TP Đông Hà khoảng 25 km về phía tây bắc, cách quốc lộ 1A khoảng 20 km. Nghĩa trang có diện tích 140.000 m2, cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Nơi an nghỉ của hơn 10.200 liệt sĩ được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành ngày 10/4/1977, có quy mô lớn nhất Việt Nam, chia thành 10 khu vực theo địa phương. Nghĩa trang nằm trong hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Kết thúc hành trình, du khách có thể quay về Đông Hà để nghỉ ngơi hoặc ghé biển Cửa Việt, cách khoảng 17 km, để tắm biển và ăn tối với các món hải sản tươi ngon.
Du khách cũng có thể lựa chọn lưu trú tại các homestay hoặc khách sạn ở trung tâm TP Đông Hà, như khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, Mường Thanh, Hữu Nghị, với mức giá dao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng mỗi đêm.
Ngày 2
Ăn sáng cháo bột cá lóc
Cháo bột cá lóc hay cháo vạt giường là món ăn đặc trưng của Quảng Trị, với nguyên liệu nấu từ bột gạo và cá lóc đồng. Tuy gọi là "cháo" nhưng thực chất món này gồm những sợi bột dài, dẹt, trông như nan giường.
Người làm chọn loại gạo ngon, ngâm mềm qua đêm rồi xay nhuyễn. Bột sau đó được nhào dẻo với chút nước, cán thành lớp mỏng bằng chai thủy tinh hoặc ống tre, rồi thái thành từng sợi đều nhau. Phần nước dùng là linh hồn món ăn: cá lóc hấp chín, gỡ lấy thịt làm nhân, phần đầu và xương được giã nhuyễn, lọc lấy nước để nấu thành nước dùng ngọt thanh.
Di tích cầu Hiền Lương - sông Bến Hải
Đôi bờ Hiền Lương là "nhân chứng lịch sử" của đất nước. Cụm di tích hiện gồm đôi bờ Hiền Lương, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ bờ Bắc, nhà liên hợp, đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" ở bờ Nam, nhà bảo tàng vĩ tuyến 17. Theo hiệp định Geneve 1954, vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải, cầu Hiền Lương được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự. Sau hai năm, hai miền sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đôi bờ Hiền Lương đã bị chia cắt tới năm 1975.
Cây cầu từng chứng kiến bom đạn và cả cuộc chiến màu sơn xanh - vàng. Sau khi đất nước thống nhất, cầu được sơn màu ghi. Năm 2014, cầu Hiền Lương lần đầu được phục dựng hai màu xanh - vàng, nhằm nhấn mạnh khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc
Địa đạo Vịnh Mốc nằm ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, dài hơn 1.700 m, gồm ba tầng và 13 cửa ra vào. Trong thời chiến, toàn huyện có 114 địa đạo và hệ thống làng hầm, nhưng hiện chỉ Vịnh Mốc được khai thác phục vụ du lịch. Công trình được gọi là "làng hầm" vì tái hiện đầy đủ không gian sinh hoạt dưới lòng đất, gồm hội trường, khu ở, nhà hộ sinh, giếng nước, trạm phẫu thuật và nhà vệ sinh.
Ngoài địa đạo Vịnh Mốc đang khai thác du lịch, hiện Vĩnh Linh còn nhiều địa đạo nguyên vẹn chưa được khai thác như Mũi Sy, thôn Roọc, Troong Môn - Cửa Hang, Hải Quân, Hương Nam, địa đạo công an vũ trang, địa đạo 61.
Ăn trưa nghỉ mát tại biển Cửa Tùng
Biển Cửa Tùng cách địa đạo Vịnh Mốc hơn 6 km, từng là điểm nghỉ dưỡng được người Pháp lựa chọn vào đầu thế kỷ XX nhờ bãi cát trắng, thoải và kéo dài gần một km. Trước đây, bãi biển có hình cánh cung, bờ cát rộng khoảng 25 - 30 m.
Từ năm 2003, tỉnh xây dựng nhiều hạng mục tại cửa sông Bến Hải như đê kè chắn sóng, cảng cá, cầu Cửa Tùng. Những công trình này làm thay đổi dòng chảy, khiến bãi tắm bị xâm thực, cát bị cuốn trôi, sóng biển đánh sát vào chân kè. Hiện du khách đến Cửa Tùng có thể ghé các quán ăn ven biển, thưởng thức các món hải sản địa phương như mực nháy hấp, cháo cá mú, gỏi rong biển, với giá từ 100.000 đến 300.000 đồng một người.
Lựa chọn thay thế
Sân bay Tà Cơn, khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, đảo Cồn Cỏ. Các điểm này nằm rải rác trong tỉnh, với những tuyến đường đi khác nhau, nên cần nhiều thời gian di chuyển hơn.
Theo vnexpress.net
Nguồn: https://baohanam.com.vn/du-lich/48-gio-o-dat-lua-quang-tri-158357.html
Bình luận (0)