Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điện Biên: Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm tạo sức hấp dẫn đối với du khách

Những năm qua, tại tỉnh Điện Biên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được khôi phục và phát triển; các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được xây dựng, phát triển, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch26/04/2025

Là tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có nguồn lực văn hóa, du lịch dồi dào khi hội tụ 19 dân tộc với những nét văn hóa riêng biệt. Tận dụng những nét văn hóa riêng có ấy để phát triển thành sản phẩm du lịch trải nghiệm đã và đang được coi là nhân tố tích cực tạo nên sự hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với Điện Biên.

Đến với Điện Biên, thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được đắm chìm vào đời sống văn hóa, những phong tục, lễ nghi của địa danh đó, được trò chuyện, sinh hoạt cùng với người dân bản địa... Đây vừa là cơ hội để giới thiệu, quảng bá đến du khách văn hóa, con người, cảnh vật của mỗi địa danh, vừa là giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến của Điện Biên.

Điện Biên: Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm tạo sức hấp dẫn đối với du khách - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại homestay vịnh Pa Phông, huyện Tủa Chùa.

Tại bản du lịch cộng đồng Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), người dân không chỉ tạo cảnh quan, không gian gần gũi với thiên nhiên, chế biến những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái, mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm như dệt vải, đan lát, bắt cá suối… để thu hút và tạo ấn tượng cho du khách.

Theo chị Lèng Thị Chiên - người dân bản Nà Sự, khi khách có nhu cầu trải nghiệm nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống, chị sẵn sàng hướng dẫn tận tình để du khách có thể tự mình thao tác các công đoạn của quy trình dệt vải. Chính sự trải nghiệm này đã tạo được sự thích thú cho du khách. Đây cũng là một cách quảng bá để du khách hiểu thêm về văn hóa của đồng bào Thái.

Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn, mang đặc trưng của huyện biên giới, Mường Nhé có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bởi nơi đây hội tụ nhiều di sản văn hóa độc đáo của 10 đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó còn các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn của dân tộc Mông, nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì ở các xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Chung Chải.

Đến với các bản của dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái... ở Mường Nhé, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào nơi đây. Được tham gia trải nghiệm làm bếp với các món cải muối, canh cá nấu rau chua, món chua tổng hợp, đồ uống từ hạt thảo quả, rễ cỏ tranh và uống chè rừng có hương vị thơm ngon.

Tính đến hết quý I năm nay, tỉnh Điện Biên đón gần 430 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, đạt trên 29% kế hoạch năm 2025. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 4.000 lượt, tăng 21%; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 770 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch. Trong quý I, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thành công các lễ hội lớn như Lễ hội Hoa ban năm 2025 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ 8; Lễ hội Hoa anh đào... với nhiều hoạt động đặc sắc đã thu hút đông đảo du khách. Cùng với đó, các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh là những điểm đến thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước. Nhiều công trình du lịch, thiết chế văn hóa được đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh; hầu hết di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được khôi phục và phát triển; các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được xây dựng. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong thời gian tới để phát huy hết các tiềm năng thế mạnh về du lịch của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai các nội dung trong Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030. Định hướng các tổ chức, cá nhân tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trực tiếp phục vụ khách du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương rà soát, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó giành ưu tiên cơ chế đặc thù khuyến khích các Nhà đầu tư lớn tham gia phát triển các dự án du lịch cao cấp tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích phát triển du lịch, huy động sự ủng hộ và khuyến khích nhân dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Tiếp tục nâng cao, đổi mới hiệu quả hoạt động thông tin xúc tiến du lịch; tăng cường vốn ngân sách cho xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên.

Cùng với đó, duy trì và đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc và các hoạt động hợp tác liên kết khác trong và ngoài nước mở rộng trên bốn lĩnh vực, gồm, xây dựng cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/dien-bien-phat-trien-san-pham-du-lich-trai-nghiem-tao-suc-hap-dan-doi-voi-du-khach-20250426165339383.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm