Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

GS.TS Đặng Lương Mô - nhà tiên phong vi mạch

GS.TS Đặng Lương Mô, GS danh dự Đại học Hosei (Nhật Bản), cố vấn cao cấp tại Đại học Quốc gia TP.HCM, là người tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ26/04/2025


Đặng Lương Mô - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chào hỏi GS.TS Đặng Lương Mô tại hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 - Ảnh: T.T.D.

Nhiều công trình nghiên cứu của GS.TS Đặng Lương Mô đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học của Mỹ.

Hành trình trở về

Trong những tháng năm ở nước ngoài, GS.TS Đặng Lương Mô vẫn luôn hướng về đất nước và đã có những đóng góp về cả hai mặt: đào tạo nhân tài và tư vấn khoa học công nghệ.

Mùa xuân năm 1994, ông được mời về TP.HCM tham dự hội nghị chuyên đề "Cải tổ giáo dục đại học". Đây chính là mốc khởi đầu cho hành trình trở về của ông để đóng góp cho sự phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tại Việt Nam. 

Năm 1997, ông mở khóa giảng về thiết kế vi mạch tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), đồng thời giúp cho cán bộ trẻ của trường sang tu nghiệp tại Đại học Hosei, dưới sự bảo trợ của ông.

Đến năm 1999, ông vận động ký kết giữa Trường Công nghệ, Đại học Hosei và Trường đại học Bách khoa TP.HCM một hiệp định, theo đó hằng năm, Đại học Hosei cấp cho cán bộ Trường đại học Bách khoa 12 tháng học bổng (180.000 JPY/tháng) cộng với một căn hộ ba phòng ngủ đầy đủ tiện nghi và điện, nước, khí đốt...

"Trường đại học Bách khoa mấy năm đầu gửi sang hai người, nhưng từ năm thứ 3 (năm 1999), đã gửi sang ba người, mỗi người bốn tháng. Ba cán bộ của trường năm 1999 là những người được đào tạo để trở về đảm nhiệm công tác vận hành phòng thí nghiệm thiết kế và mô phỏng vi mạch. Đến nay, hiệp định này đã được 25 năm, vẫn còn hiệu lực... Đã có khoảng 50 cán bộ Trường đại học Bách khoa sang tu nghiệp tại Nhật theo hiệp định này", GS Mô nói.

Năm 2000, vị GS Việt kiều Đặng Lương Mô đã vận động được khoản tiền viện trợ lến đến hơn 35.000 USD để hỗ trợ Trường đại học Bách khoa TP.HCM xây dựng phòng thí nghiệm thiết kế và mô phỏng vi mạch (dùng FPGA). Công nghệ FPGA này chỉ mới xuất hiện ở Mỹ và Nhật Bản một thời gian ngắn trước đó. 

Phòng thí nghiệm thiết kế và mô phỏng vi mạch đầu tiên tại Việt Nam này đã đóng góp cho đào tạo và nghiên cứu. Các sinh viên và học viên sau đại học ngành điện - điện tử được đào tạo tại đây. Chỉ trong 10 năm, đã góp phần làm lan tỏa công nghệ FPGA ra khắp nước.

"Lò" chế tạo chip đầu tiên của Việt Nam

Chip vi xử lý là sản phẩm của một nhóm giảng viên cùng các kỹ sư trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Trung tâm này ra mắt ngày 16-1-2008, trở thành một trong 10 dấu ấn khoa học công nghệ quốc gia năm đó.

Chính GS.TS Đặng Lương Mô là người chủ động đề xuất thành lập ICDREC tại Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2005 và làm cố vấn cho trung tâm từ đó. ICDREC là một tổ chức quy mô, hoạt động đa dạng: đào tạo, nghiên cứu, thiết kế chip, phát triển sản phẩm ứng dụng, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế 4S.

Chip do ICDREC thiết kế rồi ủy thác chế tạo thành công. Bắt đầu từ con số 0, ba năm sau ICDREC công bố chế tạo thành công chip xử lý 8 bit đầu tiên của Việt Nam có tên SIGMAK3. 

Một năm sau đó, trung tâm tiếp tục cho ra đời chip vi xử lý VN801, phiên bản có tính năng cao hơn, hiệu suất tốt hơn so với chip đầu tiên. Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm trong bốn năm, ICDREC đã chế tạo thành công con chip thương mại đầu tiên của Việt Nam là SG8V1.

"Những sản phẩm thực tế chứng minh người Việt hoàn toàn đủ khả năng tạo ra con chip của riêng mình. Ngày chúng tôi và các cộng sự ở ICDREC chế tạo ra được con chip đầu tiên sau nhiều tháng nghiên cứu, với tôi là ngày thật sự hạnh phúc nhất trong quá trình trở về làm việc tại quê nhà. Bao nhiêu cực nhọc, vất vả trước đó tiêu tan hết, không thể tả hết nỗi vui sướng ấy," GS Mô tâm sự.

Mở ngành thiết kế vi mạch đầu tiên

Với mong muốn Việt Nam có thể tự làm chủ công nghệ thiết kế chip, GS Mô luôn trăn trở việc cần phải đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này tại các trường đại học trong nước. Ông đề xuất rồi trực tiếp tham gia điều hành và giảng dạy chương trình sau đại học về thiết kế vi mạch tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Ông cũng là người đứng ra kết nối, mời các giảng viên nước ngoài về nước giảng dạy... Kết quả, danh sách giảng viên cho chương trình gồm 22 người: 6 giảng viên cơ hữu Trường đại học Khoa học tự nhiên, 2 giảng viên Trường đại học Bách khoa; còn lại 14 giảng viên, kể cả ông, đều là GS Việt kiều hoặc GS người Nhật.

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên đơn xin mở chương trình gửi lên Đại học Quốc gia TP.HCM tháng 5-2007, chỉ hai tháng sau đã được cấp phép hoạt động. Tháng 9-2007, khóa đầu tiên đã được khai giảng. 

Tính đến nay chương trình đã hoàn tất khóa thứ 17, trong số các học viên tốt nghiệp nhiều người đã trở thành giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước.

300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế

GS.TS Đặng Lương Mô: Tiên phong phát triển ngành vi mạch Việt Nam - Ảnh 2.

GS.TS Đặng Lương Mô phát biểu tại hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM” chiều 29-11-2018 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Ông Đặng Lương Mô sinh năm 1936, tại Kiến An, Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn sinh sống. Ông đậu thủ khoa đầu vào Trường Kỹ sư Công nghệ (tiền thân của khoa cơ khí, Trường đại học Bách khoa TP.HCM).

Năm 21 tuổi, ông xuất sắc giành được học bổng của Chính phủ Nhật Bản, du học ngành điện tử tại xứ sở hoa anh đào.

Năm 1962, Đặng Lương Mô tốt nghiệp Đại học Tokyo và hai năm sau ông đã hoàn thành chương trình thạc sĩ. Đến năm 1968, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, trở thành chuyên viên nghiên cứu Viện Nghiên cứu trung ương Toshiba Nhật Bản trong bốn năm (1968 - 1971). Sau đó ông về nước giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM).

Cùng khoảng thời gian này, ông còn giảng dạy tại Học viện Quốc gia kỹ thuật (nay là Trường đại học Bách khoa TP.HCM) với chức danh giám đốc trường điện. Đến năm 1973, ông được đề bạt là viện trưởng Học viện Quốc gia kỹ thuật.

Năm 1976, ông trở lại Nhật tiếp tục công việc làm chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu trung ương Toshiba Nhật Bản. Năm 1983, ông được mời sang giảng dạy tại Đại học Hosei, với tư cách giáo sư trưởng khoa điện tử tin học, một khoa mới mở.

Ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992. Ông còn là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học IEEE, Mỹ).

Năm 2002, ông về nước tham gia việc giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cao học tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM; ủy viên hội đồng khoa học phòng thí nghiệm công nghệ Nano; cố vấn cho giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; ủy viên hội đồng khoa học Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế.

Vận động thành lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều

GS.TS Đặng Lương Mô còn là gương mặt quen thuộc tại hầu hết các hội nghị kiều bào tại TP.HCM. Năm 2005, ông đề xuất thành lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều, làm cầu nối giữa các nhà khoa học kỹ thuật Việt kiều trên khắp thế giới với các tổ chức khoa học kỹ thuật và giáo dục đại học trong nước. Câu lạc bộ thực sự trở thành cầu nối cho trí thức Việt kiều đóng góp chất xám phục vụ đất nước.

* PGS.TS Phan Thanh Bình (nguyên giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM):

Không ngừng đóng góp cho giáo dục đại học Việt Nam

GS.TS Đặng Lương Mô luôn dành trọn tâm huyết cho khoa học và giáo dục Việt Nam, đặc biệt là Đại học Quốc gia TP.HCM. Không chỉ vận động học bổng, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn tại Đại học Quốc gia TP.HCM, thầy Mô còn tư vấn phát triển Khu Công nghệ cao TP.HCM, thúc đẩy công nghiệp vi mạch và hỗ trợ nhiều trường đại học trong nước.

Ngoài chuyên môn, GS Mô còn viết sách về cải cách thời Minh Trị Thiên Hoàng, liêm chính khoa học...

Những thành tựu hôm nay của Đại học Quốc gia TP.HCM có sự đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của các nhà khoa học yêu nước như GS Mô.

Đọc tiếpVề trang Chủ đề

Trở lại chủ đề

TRẦN HUỲNH

Nguồn: https://tuoitre.vn/ton-vinh-guong-mat-tieu-bieu-cua-tp-hcm-50-nam-qua-gs-ts-dang-luong-mo-nha-tien-phong-vi-mach-20250426081500044.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm