Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm thống nhất: Hành trình "phá vòng vây đối ngoại"

(Dân trí) - Giai đoạn đầu sau thống nhất, Việt Nam tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận, hành trình phá vây đối ngoại của Việt Nam là dấu ấn rất lớn.

Báo Dân tríBáo Dân trí23/04/2025

1.webp

LTS: 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một trang sử hào hùng và chói lọi với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải. Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới.

Để khắc họa rõ hơn những kỳ tích ấy, báo Dân trí gửi đến bạn đọc loạt bài viết về những thành tựu của đất nước 50 năm qua, để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tri ân những cống hiến lớn lao và khơi dậy khát vọng vươn mình mạnh mẽ cho hành trình phía trước.

Mở đầu tuyến bài là cuộc phỏng vấn nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

2.webp

Nhìn lại chặng đường tròn 50 năm thống nhất, ông có cảm xúc gì trước những thay đổi của đất nước?

- Nhớ lại những ngày tháng 4/1975, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng đều rất tự hào. Tôi khi ấy vừa tốt nghiệp THPT và chuẩn bị vào đại học, chứng kiến một đất nước phải trải qua bao nhiêu năm đau thương của chiến tranh, có được ngày thống nhất và độc lập, cảm nhận hào khí vô cùng lớn.

Cùng với hào khí ấy, trong lòng Việt Nam vẫn còn những nỗi đau về chiến tranh, những câu chuyện về khó khăn thời kỳ hậu chiến, bao cấp - khi đất nước còn thiếu lương thực.

Trải qua 50 năm, hôm nay chúng ta đã trở thành một đất nước có vị thế trên trường quốc tế. Việt Nam ngày nay không chỉ là tự túc được lương thực, thực phẩm mà còn là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về nhiều lĩnh vực như cà phê, linh kiện điện tử, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng chất lượng cao.

Việt Nam là biểu tượng của đổi mới, hội nhập và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và sự phát triển của thế giới.

3.webp

Chúng ta có những chương trong lịch sử hào hùng về bảo vệ độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, và cũng có những chặng đường đầy tự hào về đổi mới để đưa đất nước đi lên.

Khi nhìn nhận đan xen như vậy, chúng ta thấy quá khứ làm nên lịch sử, hiện tại làm nên lịch sử và tương lai cũng làm nên lịch sử - khi tất cả đang trông đợi kỷ nguyên mới của đất nước.

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam từ một nước nghèo đã vượt qua mọi thử thách, từng bước trở thành một trong những quốc gia có vị thế trên trường quốc tế. Ông có ấn tượng gì về những thành quả trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam những năm qua?

- Trải qua 50 năm đầy sóng gió, Việt Nam đã có được nhiều thành quả trong công cuộc đổi mới, tạo nền tảng phát triển đối ngoại, vì đất nước phải phát triển mới có thể tham gia hội nhập.

Đất nước có được hòa bình, phát triển, người dân được ấm no mới là điểm đến của đầu tư, du lịch, điểm đến của bạn bè quốc tế.

Giai đoạn đầu khi thống nhất đất nước, Việt Nam chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tôi còn nhớ năm 1977, thời gian đầu chúng ta tham gia Liên Hợp Quốc, những nghị quyết đầu tiên đều xoay quanh câu chuyện làm sao giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh và vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Khi kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, Việt Nam vẫn bị bao vây, cấm vận tứ phía, và hành trình phá vây trong đối ngoại là dấu ấn rất lớn.

4.webp

Thành quả là đầu những năm 1990, khi giải quyết được vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã tham gia ASEAN. Đây là quyết sách chiến lược, vừa thể hiện Việt Nam muốn đóng góp cho khu vực, đồng thời khu vực và Việt Nam trước đó vốn nghi kỵ, đối đầu, nay trở thành gia đình chung, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển.

Đến năm 1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, minh chứng cho hành trình đổi mới của đất nước. Việt Nam và Mỹ từ lịch sử đối đầu, đã cùng gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước.

Việt Nam cũng dần tham gia, hội nhập sâu rộng, không chỉ là bạn mà còn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, là đối tác tin cậy của các quốc gia, tham gia sâu rộng vào hợp tác quốc tế.

Thành quả ấn tượng trong đối ngoại không chỉ là câu chuyện phá vây, mà quan trọng hơn, đến nay Việt Nam đã có mạng lưới đối tác lớn với hơn 30 quốc gia, từ quan hệ toàn diện đến quan hệ chiến lược, rồi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia, bao gồm tất cả quốc gia chủ chốt, là những nước quan trọng trong khu vực, những trung tâm kinh tế - chính trị lớn của thế giới.

Điều này tạo cho Việt Nam môi trường chiến lược thuận lợi cho hòa bình và phát triển, phát huy vị thế quốc gia.

Cùng với đó, trong suốt chặng đường đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, ngoại giao kinh tế luôn là một trụ cột trung tâm. Nhìn ở bình diện chung, các trụ cột của đối ngoại bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Nếu có quan hệ về chính trị tốt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.

5.webp

Về phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, muốn bứt phá, việc đầu tiên là phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ và những mô hình mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Đối ngoại phục vụ kinh tế phải nhắm vào những lĩnh vực đó, thay vì khai thác nguồn lực cũ.

Thế giới bây giờ đang cạnh tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất rồi xuất hiện thêm những vấn đề mới như chính sách thuế quan, nên quan trọng là phải đối ngoại để phục vụ mục tiêu đa dạng hóa thị trường. Chúng ta phải tìm ra lợi thế cạnh tranh và nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của mình.

Nhớ lại giai đoạn đầu sau thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam rơi vào tình thế bị bao vây, cô lập. Đại hội VI của Đảng năm 1986 đánh dấu sự đổi mới của Đảng về đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, kiên định tư tưởng "thêm bạn, bớt thù". Theo ông, chính sách này có ý nghĩa thế nào trong việc định hướng và gây dựng những thành tựu trong đối ngoại của đất nước từ?

- Có ý nghĩa rất lớn chứ! Đại hội VI là khởi đầu đổi mới của đất nước, Đại hội VII và VIII là sự tiếp nối, cho thấy sự phát triển về tư duy đối ngoại đi cùng với sự đổi mới của đất nước.

Chủ trương "là bạn với các nước" cho thấy Việt Nam đã vượt qua tư duy của hai phe trước đây, tư duy cũ là chỉ có bạn và thù, không là bạn thì là thù và ngược lại. Trong quan hệ với các nước, chúng ta xác định miễn là hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền và cùng có lợi, thì đều là bạn.

Từ chỗ là bạn, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cũng có sự phát triển về tư duy hội nhập trong đối ngoại, khi ban đầu chỉ đơn thuần là thấy lĩnh vực nào phù hợp thì tham gia hợp tác, nhưng sau đó ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể thúc đẩy hợp tác của Việt Nam với các nước.

Điểm nhấn đầu tiên chính là tham gia ASEAN, tham gia chương trình liên kết và hội nhập kinh tế của ASEAN. Sau đó chúng ta dần tham gia các tổ chức thương mại thế giới, có hiệp định thương mại song phương với Mỹ, ký kết nhiều hiệp định FTA hay các hiệp định thương mại tự do khác như CPTPP, EVFTA, RCEP…

6.webp

Trong kỷ nguyên mới, Việt Nam có lẽ không chỉ hội nhập toàn diện, sâu rộng, mà còn phải đầy đủ, tức là cần tham gia vào nền chính trị thế giới, tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

Chủ trương này nhằm thúc đẩy hợp tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển đất nước, nhưng đồng thời cũng xây dựng các chuẩn mực ứng xử trong điều chỉnh quan hệ quốc tế khi có rất nhiều yếu tố đang thay đổi.

Vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được nâng cao, mà minh chứng rõ nhất là việc mới đây, khi Mỹ tuyên bố mức thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay lập tức đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đưa ra đề nghị về thời hạn áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam trong quá trình đàm phán thuế quan giữa hai nước. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài sau khi công bố áp thuế. Từ câu chuyện này, ông nhìn nhận thế nào về vị thế và ý nghĩa của chính sách đối ngoại Việt Nam?

- Trước hết phải nói về câu chuyện quan hệ Việt - Mỹ. Năm nay là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Để có được 30 năm ấy và đến khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đó không là một chặng đường dễ dàng mà phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

Việt Nam và Mỹ vốn là hai bên thù địch từ thời hậu chiến cho đến khi hai bên hòa giải, bình thường hóa quan hệ, cùng khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng phát triển và cùng có lợi.

7.webp

Câu chuyện quan hệ trên các lĩnh vực và trong đó có kinh tế, là chuyện mang lại lợi ích cho cả hai nước, và chúng ta đã nhìn thấy trong quan hệ này, hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, hai bên cùng có lợi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi lên cầm quyền đã cài đặt lại quan hệ với thế giới, và cách áp thuế để mang lại lợi ích cho nước Mỹ, đứng dưới góc độ nước Mỹ, đó là chuyện của họ, nhưng đứng ở góc độ thế giới, rõ ràng không ít người quan ngại.

Nhưng chúng ta có niềm tin vào quan hệ giữa hai bên, chúng ta tin rằng mọi khác biệt, khó khăn có thể giải quyết bằng đối thoại.

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump hôm 4/4 thể hiện Việt Nam muốn đối thoại để giải quyết sự khác biệt, tìm ra giải pháp mang lại lợi ích cho cả hai bên. Mỹ có lợi, Việt Nam cũng có lợi, và như vậy quan hệ hai nước có lợi.

Điều đó cũng cho thấy sự chủ động của Việt Nam về thúc đẩy đối thoại trong quan hệ quốc tế và với Mỹ nói riêng.

Phản ứng tức thời của ông Trump với cuộc điện đàm đó là những tín hiệu tích cực ban đầu khi ông đánh giá cao cuộc điện đàm là hữu ích và tích cực, ông cũng ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc sẵn sàng cùng thảo luận để hai bên đưa mức thuế quan về bằng 0. Ông Trump cũng lắng nghe ý kiến đề nghị có cuộc gặp sớm của lãnh đạo hai bên nên ngay sau đó, chúng ta có một Phó Thủ tướng với tư cách đặc phái viên của Tổng Bí thư đã sang Mỹ để trao đổi.

Đương nhiên, câu chuyện thuế quan là chiến lược lớn của Mỹ với thế giới nên không phải dễ dàng để trao đổi, nhưng mọi khác biệt đều có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Việt Nam cũng có nhiều biện pháp bổ sung, cùng với đề nghị đưa thuế quan về bằng 0 nếu hai bên thỏa thuận được, Việt Nam có thể mua thêm hàng hóa của Mỹ, giảm thiểu quy định để khuyến khích nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam, trong đó có những ngành đầu tư chiến lược của Việt Nam.

Bên cạnh đó, với những quan ngại về thủ tục hành chính, hàng rào phi thuế quan, Việt Nam cũng đã giao cơ quan liên quan giải quyết.

Câu chuyện thúc đẩy, tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo bằng những dự án như Starlink, cũng được Việt Nam tính đến.

Điều đó cho thấy chúng ta có vị thế để đàm phán sòng phẳng, giúp hai bên cùng có lợi ích thông qua đối thoại. Trong quan hệ này, rõ ràng hai bên cần nhau. Việt Nam rất cần tranh thủ nhiều lĩnh vực của Mỹ như đầu tư tài chính, vốn, công nghệ, quản trị… Mỹ cũng rất cần hàng hóa Việt Nam vì Mỹ không làm hết mọi thứ được. Mỹ cũng vẫn cần châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam là quốc gia có vị thế quan trọng trong khu vực và ASEAN.

8.webp

Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là định hướng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Theo ông, chúng ta cần làm gì để đối ngoại khẳng định vai trò chiến lược, trở thành mặt trận tiến công mũi nhọn, giúp Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng hợp tác quốc tế, làm tiền đề để củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia?

- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là câu chuyện rất lớn, là định hướng phát triển của Việt Nam từ nay cho đến khi đạt được 2 mục tiêu 100 năm vào năm 2030 và 2045 với định hướng hòa bình, phát triển, nâng cao đời sống người dân, xây dựng bộ máy quản trị hiệu quả. Và để phải phục vụ cho tất cả mục tiêu đó, đối ngoại phải nâng tầm.

Trước hết, đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phục vụ cho mục tiêu căn bản nhất của đất nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, là tạo ra môi trường hòa bình và ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bên cạnh đó, phải tranh thủ nguồn lực cho phát triển, phát triển bền vững và cao hơn. Tiếp đến là đem lại cuộc sống tốt hơn, phúc lợi cao hơn cho người dân.

9.webp

Ngoài ra còn có câu chuyện rất quan trọng là nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Chúng ta tham gia hội nhập quốc tế với tâm thế mới của đất nước. Điển hình là chủ trương không thể thu hút FDI tràn lan mà cần có chọn lọc, xem FDI mang lại bao nhiêu giá trị gia tăng, có bền vững với môi trường hay không, không thể cứ làm ồ ạt như trước vì chúng ta không còn ở giai đoạn đó nữa.

Việt Nam cũng cần tham gia đóng góp nhiều hơn cho quốc tế.

Ông vừa nhắc đến việc Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu 3 định hướng lớn mà Đảng, Nhà nước đang tập trung thực hiện, mà trước hết là duy trì hòa bình, ổn định đất nước. Có thể thấy 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta đều hiểu rõ giá trị của độc lập, hòa bình. Vậy theo ông, thời gian tới cần tập trung chính sách gì để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định đất nước?

- Hiện nay, thế giới đang chuyển động phức tạp nhưng vẫn có những xu thế lớn, trong đó có xu thế về hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng ta phải cùng các nước ủng hộ xu thế đó.

Muốn tạo ra môi trường hòa bình, ổn định phải có quan hệ tốt với láng giềng, với các nước xung quanh và những nước lớn, để từ đó tạo ra môi trường, lợi ích đan xen, củng cố hòa bình.

Chúng ta cũng cần nhấn mạnh yếu tố thượng tôn pháp luật quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Chỉ có hợp tác đa phương và dựa trên hợp tác quốc tế mới tạo ra được đối thoại, hợp tác và gìn giữ môi trường hòa bình.

Còn Việt Nam, chúng ta cần lưu ý đừng để đất nước rơi vào nguy cơ chiến tranh, nên nhiệm vụ đặt ra là phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, hóa giải những thách thức khi nó chưa đến đất nước mình.

Thách thức ngày nay không chỉ là an ninh truyền thông - câu chuyện về vũ khí, quân sự, mà còn là thách thức an ninh phi truyền thống với những vấn đề về dịch bệnh, nước biển dâng, biến đổi khí hậu…

Thế giới luôn vận động, biến chuyển và có nhiều thách thức, trên con đường đi tới tương lai, chúng ta cần thúc đẩy mọi nỗ lực để đối thoại, giải quyết mọi vấn đề bằng hòa bình, xây dựng lòng tin và cùng nhau phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/50-nam-thong-nhat-hanh-trinh-pha-vong-vay-doi-ngoai-20250421195353696.htm









Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm