Để thực hiện tốt Kế hoạch số 163-KH/TU ngày 9/1/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Kế hoạch đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội để nâng cao nhận thức, nắm vững tinh thần, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện Chỉ thị theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 163-KH/TU và Kế hoạch này.
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp tham gia công tác tín dụng chính sách xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội.
Tham gia xây dựng, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả. Thực hiện đầy đủ và hiệu quả các công việc được Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác. Đẩy mạnh vận động đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Các sở, ngành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nghiên cứu, triển khai các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với tín dụng chính sách xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Nghiên cứu từng bước chuyển các nguồn vốn tín dụng ưu đãi có nguồn gốc ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước do các cơ quan, đơn vị đang quản lý sang ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho vay.
Tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội. Phấn đấu hàng năm chiếm tối thiểu 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng của chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và đến năm 2030, chiếm 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn…
Hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn các địa phương. Đẩy mạnh việc gắn kết chính sách tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, các mô hình, chương trình, dự án phát triến kinh tế - xã hội của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội. Triển khai giải pháp, chính sách khuyến khích các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác.
Các sở, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho Ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan với Ngân hàng chính sách xã hội trong việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai, theo dõi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, kịp thời và thực hiện tốt việc xử lý, thu hồi nợ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn.
Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030, Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh và các nhiệm vụ giải pháp như tranh thủ nguồn vốn từ trung ương, đẩy mạnh huy động vốn từ tiền gửi của các tổ chức, cá nhân; triển khai kịp thời, đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các cấp... Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, giám sát, năng lực dự báo, phân tích; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đổi với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội.
Xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội các cấp có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, uy tín, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân; ưu tiên, khuyến khích cán bộ có chuyên môn, năng lực đến công tác tại khu vực miền núi, vùng khó khăn. Thực hiện nghiêm túc cải cách thủ tục hành chính, trình tự, thủ tục vay vốn… Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp, quy trình quản lý và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, tổng hợp dữ liệu, báo cáo cấp có thẩm quyền để cập nhật, quản lý đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.
Các sở, ngành, chính quyền địa phương, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách linh hoạt, cụ thể để huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước cho tín dụng chính sách xã hội; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tài trợ hoặc ủy thác nguồn vốn qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/6-nhom-nhiem-vu-va-giai-phap-chu-yeu-nang-cao-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-trong-giai-doan-moi-postid415915.bbg
Bình luận (0)