- P.V: Được ví như “chiếc đòn gánh nối hai đầu đất nước”, Quảng Bình luôn là đề tài hấp dẫn của văn học nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Theo ông những yếu tố nào ở Quảng Bình đã tạo ra sức hút đó?
- NS Phạm Ngọc Khôi: Quảng Bình được biết đến là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa-lịch sử. Không chỉ sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng và là quê hương của những danh nhân kiệt xuất, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Bình được xem là “tuyến lửa” kiên cường. Chính trong khói lửa chiến tranh, hình ảnh con người và vùng đất này đã in sâu vào tâm hồn các văn nghệ sĩ, thôi thúc họ sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian. Ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, Quảng Bình đã sớm xuất hiện trong âm nhạc cách mạng Việt Nam. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt nhạc phẩm ra đời, lan tỏa tinh thần bất khuất anh dũng của quân, dân Quảng Bình và bày tỏ tình yêu quê hương, niềm tin vào chiến thắng, hòa bình.
Quảng Bình còn sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, đặc biệt là các làn điệu dân ca như ca trù, hò khoan Lệ Thủy… là chất liệu quý để các NS khai thác phục vụ sáng tác. Có thể nói rằng, Quảng Bình là mảnh đất “màu mỡ” cho sáng tạo nghệ thuật. Lịch sử, thiên nhiên, mạch nguồn văn hóa… của vùng đất này là “bầu sữa ngọt lành” nuôi dưỡng cảm xúc cho văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
|
- P.V: Để có những ca khúc ra đời và “neo” lại trong lòng công chúng là cả một hành trình lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc của các NS. Ông cảm nhận như thế nào về những ca khúc được các NS sáng tác về Quảng Bình, trong đó có những NS là người con của quê hương “Hai giỏi”?
- NS Phạm Ngọc Khôi: Nói đến sự phát triển của âm nhạc Quảng Bình, không thể không nhắc đến vai trò to lớn của các NS-những người “viết sử bằng âm nhạc”, góp phần làm nên diện mạo tinh thần của mảnh đất này. Điển hình là NS Hoàng Vân với ca khúc bất hủ “Quảng Bình quê ta ơi”-một trong những tác phẩm xuất sắc nhất thuộc thể loại “tỉnh ca” trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam. Quảng Bình còn có nhiều ca khúc được công chúng cả nước đón nhận nồng nhiệt, như: “Đêm trên Cha Lo” (Phạm Tuyên), “Trên biển quê hương” (Đức Minh)… Những ca khúc ấy không chỉ mang đậm dấu ấn thời đại mà còn trở thành “chứng nhân” nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.
Tiếp bước các thế hệ NS tiền bối, nhiều NS Quảng Bình đã khai thác sâu sắc chất liệu văn hóa địa phương để sáng tác. Họ không chỉ kế thừa những giá trị truyền thống mà còn đổi mới tư duy, cách thể hiện. Sự hòa quyện, kết nối giữa truyền thống và đương đại đã tạo nên những ca khúc mang đậm âm sắc vùng miền, vừa gần gũi, mộc mạc, vừa sâu lắng, mới mẻ, giúp âm nhạc Quảng Bình tiếp cận gần hơn với công chúng, làm giàu thêm kho tàng âm nhạc quê hương, bảo vệ bản sắc Quảng Bình trong dòng chảy âm nhạc hiện đại.
“Dẫu tên gọi hành chính có thể thay đổi theo bước đi của lịch sử, sẽ có những ca khúc mới ra đời phản ánh tinh thần, tên gọi mới, nhưng tôi tin rằng, sự có mặt của tác phẩm mới không làm mất đi những bài hát cũ bởi những thanh âm, ca từ, giai điệu về vùng đất này đã ngấm và thấm trong lòng bao thế hệ người Quảng Bình và những người yêu nhạc, yêu mảnh đất Quảng Bình thân thương”, NS Phạm Ngọc Khôi khẳng định. |
Điển hình cho xu hướng này là NS Nguyễn Anh Trí. Ông đã đưa hò khoan Lệ Thủy vào trong từng ca khúc một cách tinh tế, đầy cảm xúc, tạo nên nét riêng đậm đà bản sắc. Nhạc của ông không chỉ phong phú về đề tài mà còn đa dạng trong cách tiếp cận, thể hiện chiều sâu văn hóa và tình cảm dành cho quê hương.
Điều đáng mừng là Quảng Bình có nhiều gương mặt xuất sắc vinh dự được nhận các giải thưởng, danh hiệu danh giá nhất của lĩnh vực âm nhạc như giải thưởng nhà nước, danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân… là minh chứng rõ ràng cho tài năng của từng cá nhân, đồng thời khẳng định sức mạnh tập thể trong hoạt động nghệ thuật. Đơn cử như NS Hoàng Sông Hương (đã được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật) dù đã 85 tuổi vẫn sáng tác đều đặn. Đề tài chính trong tác phẩm của ông vẫn là quê hương, đất nước. Tôi cho rằng, sự bền bỉ sáng tạo ấy không chỉ là minh chứng cho tình yêu đối với nghệ thuật mà còn là nguồn động lực lớn, là tấm gương sáng cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo, tiếp bước trên con đường gìn giữ, phát triển âm nhạc Quảng Bình nói riêng, âm nhạc dân tộc nói chung.
|
- P.V: Theo ông, đâu là yếu tố “cần” và phải “có” để âm nhạc Quảng Bình ngày càng phát triển?
- NS Phạm Ngọc Khôi: Thực tế cho thấy, Quảng Bình có nhiều NS tài năng nhưng lại đang thiếu những gương mặt trẻ, nhân tố mới. Vì vậy, Chi hội NS Việt Nam tỉnh cần có kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm khơi dậy tinh thần, khí thế, niềm đam mê sáng tạo của mỗi NS, cần quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ kế cận, nhất là lĩnh vực đang thiếu như lý luận phê bình. Mặt khác, cần tạo sự kết nối với các chi hội khác trong cả nước để các NS có cơ hội giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn.
Trước đây chúng ta có phong trào “tiếng hát át tiếng bom” thì ngày nay, Quảng Bình cần có nhiều “tiếng hát xây đời”, phải có những ca khúc thể hiện nhịp sống mới của một vùng đất đang trên đà phát triển. Muốn làm được điều đó, người sáng tác cần bám sát thực tiễn cuộc sống, không ngừng học tập nâng cao trình độ và ứng dụng tốt các tiện ích của công nghệ phục vụ cho hoạt động sáng tác nghệ thuật.
- P.V: Xin cảm ơn NS về buổi trò chuyện rất thú vị này!
NH.V (thực hiện)
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/am-nhac-ve-quang-binh-song-mai-voi-thoi-gian-2226109/
Bình luận (0)