Hát bả trạo
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thu tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ tại thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Ở tuổi 57, ông vẫn trọn vẹn tình yêu với văn hóa dân gian. Ngôi nhà nhỏ của ông luôn rộn ràng tiếng hát, tiếng cười. Và phía sau niềm đam mê ấy là người vợ đồng hành, sẻ chia từng chặng đường.
Sinh ra, lớn lên trên vùng biển quê hương, tuổi thơ của Nguyễn Văn Thu gắn liền với những ngày hội làng, những dịp Tết theo cha ra đình làng hay Lăng Vạn để nghe các bậc tiền bối hát bả trạo, dâng cúng thần linh, đặc biệt là lễ cúng Ông Nam Hải. Khi học cấp ba, ông bắt đầu học chơi các nhạc cụ truyền thống như trống, đàn nhị, kèn và hát các làn điệu dân ca miền biển.
Năm 1983, Nguyễn Văn Thu được tuyển vào khoa Âm nhạc của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế). Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đành gác lại giấc mơ trở thành nhạc sĩ.
Trở về quê, vừa bám biển mưu sinh, ông vừa tiếp tục đam mê sưu tầm ca dao, dân ca, hát bài chòi, bả trạo và học chơi nhạc cụ truyền thống. Không chỉ gìn giữ, ông còn sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca, làm cho những giai điệu xưa thêm phần gắn bó với cuộc sống đương đại.
Năm 2011, chính quyền xã Bình Thuận thành lập Câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca (nay được đổi tên thành CLB dân ca bài chòi xã Bình Thuận), nghệ nhân Nguyễn Văn Thu làm Chủ nhiệm CLB từ năm 2018 đến nay. Ông luôn tận tâm, gìn giữ và phát huy nghệ thuật dân gian, không chỉ biểu diễn mà còn tích cực truyền dạy hát bả trạo cho học sinh các trường học địa phương. Sau 8 năm làm Chủ nhiệm CLB dân ca bài chòi xã Bình Thuận, ông đã đưa CLB tham gia biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội.
Là người am hiểu sâu sắc nghệ thuật hát bả trạo - loại hình dân ca giàu bản sắc với những lời hát, điệu bộ gắn liền với đời sống ngư dân, nghệ nhân Nguyễn Văn Thu luôn sẵn lòng giải thích cho du khách và các nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về bả trạo. Ông cho biết, “bả” nghĩa là tay cầm chèo, “trạo” là con chèo, thể hiện hình ảnh đoàn thuyền vươn khơi. Đội hát bả trạo gồm 15 người, trong đó có ba người đứng đầu là Tổng Tiền, Tổng Thương và Tổng Lái, còn lại 12 người cầm chèo - gọi là 13 con Trạo - cùng nhau tái hiện sinh động không khí lao động và nghi lễ của cư dân miền biển.
Năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Văn Thu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để ông tiếp tục gắn bó, say mê với những làn điệu dân ca bài chòi, bả trạo.
Hiện nay, CLB dân ca xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có 30 thành viên và dự kiến sẽ mở rộng khi sáp nhập thêm các xã lân cận. Đông người “vỗ tay thêm kêu”, nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thu, muốn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, điều quan trọng nhất vẫn là truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông trăn trở: “Giữa khu công nghiệp Dung Quất ồn ào, tấp nập này, văn hóa bản địa phải được bảo tồn và gìn giữ. Dù khó mấy, chúng ta cũng phải làm, vì văn hóa chính là cái gốc của cuộc sống con người”.
Nguồn:https://baodantoc.vn/ve-binh-son-nghe-hat-ba-trao-1746546894110.htm
Bình luận (0)