Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

(GLO)- Từ ngày 16 đến 20-5, gần 40 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân Gia Lai đã tham gia 2 sự kiện vô cùng ý nghĩa tại tỉnh Nghệ An. Đó là hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” và triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” năm 2025.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai19/05/2025

Âm sắc Tây Nguyên vang lên tại 2 hoạt động văn hóa-chính trị chính là cách bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người.

Hội diễn “Tiếng hát Làng Sen” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An khai mạc tối 16-5, quy tụ 31 đoàn nghệ thuật trong cả nước. Những tiết mục đặc sắc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngợi ca tình yêu quê hương đất nước và bản sắc văn hóa dân tộc đã làm nên một chương trình nghệ thuật sâu lắng, giàu cảm xúc.

Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tham gia hội diễn “Tiếng hát Làng Sen” với 5 tiết mục hát múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đặc sắc gồm: Nhớ lời Bác, Theo lời Bác gọi, Người là niềm tin tất thắng, Cái chữ Bác Hồ, Tây Nguyên nhớ Bác.

Chương trình được dàn dựng công phu với cách dẫn chuyện thu hút, bắt đầu từ sự kiện Bác Hồ gửi thư cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku vào ngày 19-4-1946.

Ca sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương-Biên tập chương trình-nhấn mạnh: Bức thư ấy đã trở thành lời hiệu triệu khích lệ hàng triệu con tim sục sôi quyết tâm đứng lên đoàn kết, chung sức chung lòng đấu tranh vượt qua gian khổ của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Sau gần 80 năm khắc sâu lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngày nay luôn vững một niềm tin yêu theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu, đoàn kết một lòng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

1-5218.jpg
Một tiết mục của đoàn Gia Lai tham gia hội diễn “Tiếng hát Làng Sen”. Ảnh: Hồng Thắm

Mạch nguồn cảm xúc ấy cùng lối trình diễn chuyên nghiệp của tập thể diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và nghệ nhân làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) đã hoàn toàn chinh phục khán giả đến với hội diễn.

Bà Nguyễn Thị Hòa (phường Lê Lợi, TP. Vinh) trò chuyện: “Tôi rất ấn tượng với phần biểu diễn của đoàn Gia Lai. Tiết mục nào cũng ý nghĩa, nội dung sâu sắc, dàn dựng hoành tráng. Trong đó, tôi thích nhất tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Tây Nguyên nhớ Bác” vì rất sôi nổi, đúng với thực tế cuộc sống của người dân Tây Nguyên”.

Cũng trong tối 16-5, triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An. Triển lãm trưng bày hơn 400 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý; qua đó, tái hiện một cách sinh động hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh-một biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước và tình thương bao la với Nhân dân.

Trong số đó, không gian trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Việt Nam” đã thể hiện quan điểm của Người về nước Việt Nam đoàn kết, thống nhất, các dân tộc đều bình đẳng, gắn bó ruột thịt để cùng đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

doi-nghe-nhan-thon-pleiku-roh-tp-pleiku-trong-chuong-trinh-giao-luu-van-hoa-tai-trien-lam-ho-chi-minh-dep-nhat-ten-nguoi-anh-hong-tham.jpg
Đội nghệ nhân thôn Pleiku Roh (TP. Pleiku) trong chương trình giao lưu văn hóa tại triển lãm "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người". Ảnh: Hồng Thắm

Tại chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật diễn ra trong thời gian triển lãm, đoàn Gia Lai cũng đã “cháy hết mình” qua 10 tiết mục mang đậm bản sắc: Bài chiêng “Tây Nguyên nhớ Bác”; hòa tấu “Âm vang hội làng”; tam ca “Chàng trai dũng cảm”; đơn ca “Hái rau bên bờ suối”; phục dựng nghi lễ “Rước nước về làng” và “Mừng chiến thắng” của người Jrai…

Dịp này, Nhà hát còn trưng bày một số gian hàng nhằm quảng bá sản phẩm OCOP, xúc tiến du lịch, giới thiệu ẩm thực đặc trưng của tỉnh Gia Lai tới du khách trong và ngoài nước. Đến với chương trình, em Đặng Bá Quân-Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An-bày tỏ niềm xúc động, tự hào về vẻ đẹp của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong đó có sự góp mặt của đồng bào Tây Nguyên.

Quân chia sẻ: “Em rất ấn tượng khi lần đầu tiên được chứng kiến những tiết mục hay đến như vậy. Em hy vọng một lần được đến với Gia Lai”.

Để biểu diễn thành công cả 2 hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2025 là một nỗ lực không nhỏ đối với tập thể diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và nghệ nhân làng Pleiku Roh.

Ca sĩ Thùy Dương cho hay: Đoàn đến Nghệ An sát ngày tập dượt trên sân khấu, chỉ kịp nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ là lập tức vào việc. Song không khí sôi nổi, thiêng liêng những ngày này tại quê Bác đã khiến ai nấy đều phấn chấn, quên hết mệt nhọc.

Cứ thế, âm điệu Tây Nguyên, cồng chiêng Tây Nguyên cùng những lời ca dâng Bác đã tự hào vang lên ở quê hương vị lãnh tụ kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam bằng tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn sâu sắc...

Nguồn: https://baogialai.com.vn/am-sac-tay-nguyen-tren-que-bac-post323696.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm