Giàu truyền thống anh hùng
Thời kỳ chống Pháp, Gò Dầu là một phần đất của huyện Trảng Bàng, sau Hiệp định Genève được ký kết, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, năm 1955, cấp trên thống nhất chủ trương và chỉ đạo tách một phần đất ở phía Bắc của Trảng Bàng để thành lập huyện Gò Dầu.
Do vị trí tính chất xung yếu của địa bàn, huyện Gò Dầu trở thành hành lang chiến lược quân sự quan trọng, là cửa ngõ lên Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, vào căn cứ Bời Lời, chiến khu Dương Minh Châu, vì vậy, quân Mỹ, nguỵ đã tập trung nhiều phương thức thủ đoạn chiến tranh, tăng cường và ráo riết thực hiện các hoạt động hành quân càn quét, đánh phá ác liệt. Chúng chiếm đóng đồn bót ở khắp các vùng trọng điểm, bố trí các cụm pháo lớn, thường xuyên bắn phá vào các khu căn cứ cách mạng, gây biết bao đau thương tang tóc cho đồng bào.
Năm 1964, Mỹ - nguỵ thực hiện cuộc "Chiến tranh đặc biệt", liên tục càn quét, san ủi, lấn chiếm các vùng căn cứ cách mạng. Trước tình hình đó, Huyện uỷ Gò Dầu phát động phong trào “Quyết tử giữ Gò Dầu”.
Song song đó, Huyện uỷ tăng cường bám cơ sở với phương châm “Chi bộ bám dân- Dân bám đất- Du kích bám địch”. Cán bộ đảng viên hỗ trợ quần chúng “bám đất, giữ làng, một tấc không đi, một ly không rời”. Phong trào ngày càng lan toả mạnh mẽ, quần chúng vùng lên phá ấp chiến lược, bảo vệ vùng ven, góp phần làm thất bại âm mưu chiến lược của địch.
Sau thất bại năm 1968, đế quốc Mỹ chuyển từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, mở rộng bình định, càn quét dữ dội hơn. Lực lượng cách mạng bị tổn thất khá nặng nề, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, một số cơ sở cách mạng bị phá vỡ. Trong thời khắc cam go, đầy thử thách ấy, Huyện uỷ tiếp tục chỉ đạo và phát động “Quyết tử giữ Gò Dầu” lần thứ hai.
Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu kể: “Lúc này đồng chí Chín Suối làm Bí thư Huyện uỷ, chỉ đạo huy động mọi lực lượng quay lại vùng ruột. Đại đội 33 làm nòng cốt, tổ chức bám trụ, đào hầm bí mật, đưa cán bộ, du kích, các ngành trở về địa bàn, từng bước khôi phục phong trào. Lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày, ăn gió nằm sương, chiến đấu không ngơi nghỉ”.
Tháng 4.1975, cùng với Chiến dịch Hồ Chí Minh, cả miền Nam tiến về giải phóng Sài Gòn, các cánh quân của Gò Dầu chớp lấy thời cơ, quyết chiến và toàn thắng. Gò Dầu được giải phóng vào trưa ngày 30.4.1975, kết thúc cuộc chiến tranh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xây dựng quê hương từ đổ nát chiến tranh
Những năm đầu sau ngày giải phóng, Gò Dầu bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa khôi phục sản xuất, ổn định xã hội và cuộc sống.
Ông Võ Văn Dài- nguyên Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, nguyên Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội nhớ lại: “Sau hoà bình, chúng tôi ở trong rừng ra chỉ có ba lô, túi gạo, cây súng, tấm tăng và một tấm võng bên mình. Cơ sở vật chất, trụ sở hành chính không có gì. Lúc đó, Huyện uỷ và tất cả các ngành, kể cả quân đội, công an đều ở tạm nhà dân, dựa vào dân để sống, từng bước xây dựng lại quê hương”.
Mặc dù có nhiều khó khăn, toàn Đảng và Nhân dân huyện Gò Dầu phát huy truyền thống cha ông, kiên cường vượt qua mọi thử thách, từng bước vươn lên. Đến nay, huyện Gò Dầu có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Lê Văn Tới, nông dân sản xuất giỏi, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu nói: “Trong những năm qua, lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm, đầu tư nâng cấp, mở rộng tất cả những con đường làng, ngõ xóm, đường liên ấp rất khang trang. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có công trình thuỷ lợi giúp bà con thuận lợi làm rẫy, làm ruộng phát triển kinh tế”.
Điểm nổi bật là kinh tế của huyện Gò Dầu luôn trong top tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ. Trên địa bàn huyện hiện có 421 doanh nghiệp vốn trong nước và nước ngoài hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 60 ngàn lao động. Các mặt quốc phòng - an ninh được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu nhận xét, nhìn lại chặng đường 70 năm, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện rất tự hào khi các thế hệ nối tiếp luôn biết phát huy truyền thống anh hùng với hai lần "Quyết tử giữ Gò Dầu". Với những thành quả đạt được trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược, Gò Dầu đã đóng góp to lớn cho giải phóng dân tộc, giải phóng Tây Ninh, giải phóng quê hương thân yêu.
Quân và dân Gò Dầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Các xã Phước Thạnh, Thanh Phước, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Đại đội Bộ binh 33 bộ đội địa phương, Đội Trinh sát vũ trang An ninh Gò Dầu và 6 cá nhân, được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Bên cạnh đó, còn có 195 người được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều gia đình có công trong kháng chiến, được Nhà nước phong tặng, truy tặng huân chương.
Bà Trương Thị Phú khẳng định: “Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của quê hương mà còn là nguồn lực nội sinh rất quý giá, được kết tinh bằng lòng yêu nước, quả cảm, dám xả thân vì nghĩa lớn, đã trở thành tiềm năng, động lực để Gò Dầu tự tin, tự lực bước vào giai đoạn mới.
Đã 70 năm kể từ khi Gò Dầu hình thành, phát triển; 50 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nuớc, Gò Dầu là miền đất luôn có truyền thống “Đảng tin dân, xây căn cứ lõm bám trụ giữa lòng dân. Dân tin Đảng và theo Đảng tới cùng”. Truyền thống ấy đã làm nên kỳ tích hai lần "Quyết tử giữ Gò Dầu”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu chia sẻ, đất nước đang bắt đầu vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đảng ta đang có nhiều quyết sách lớn, chủ trương đột phá cách mạng là sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, chính quyền địa phương hai cấp, cấp tỉnh và cấp xã; tăng cường cấp xã đủ mạnh để gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân mọi mặt, đặc biệt là kết thúc hoạt động cấp huyện. Cái tên huyện Gò Dầu sẽ là ký ức đẹp trong lòng chúng ta. Giá trị của truyền thống anh hùng sẽ mãi mãi được lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, huyện đã để lại nhiều ấn tượng khó phai. Từ một vùng đất non trẻ, sinh ra trong chiến tranh, Đảng bộ, Nhân dân Gò Dầu đã anh dũng hai lần quyết tử bảo vệ quê hương. Nửa thế kỷ qua, Gò Dầu luôn năng động vươn lên về mọi mặt và hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Đại Dương
Nguồn: https://baotayninh.vn/an-tuong-go-dau-a189770.html
Bình luận (0)