Sống chan hòa, luôn sẵn lòng giúp đỡ
Sinh năm 1941, ông Nguyễn Lân Cường là người con thứ tư trong đại gia đình Nguyễn Lân - một dòng họ khoa bảng nổi tiếng với nhiều đóng góp cho đất nước.
Cha của ông là NGND, GS. Nguyễn Lân, một học giả uyên bác. Các anh chị em của ông đều là những chuyên gia đầu ngành, như GS. Nguyễn Lân Dũng, GS. Nguyễn Lân Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất…
Lúc sinh thời, PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường từng chia sẻ một nét độc đáo về truyền thống dòng họ: "Trong gia đình lớn của tôi, các con cháu trai đều có chữ Lân trong tên. Mỗi khi họp mặt, đại gia đình quy tụ khoảng 80 người, tạo thành một cộng đồng rất đặc biệt".

PGS.TS Nguyễn Lân Cường (thứ hai từ trái sang) là người con thứ tư trong dòng họ Nguyễn Lân lừng danh (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS. Nguyễn Lân Dũng - anh trai của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - cho biết, em trai mình là người sống sôi nổi, đầy nhiệt huyết, vừa say mê khảo cổ, vừa đắm đuối với âm nhạc.
GS. Nguyễn Lân Dũng tiết lộ rằng, ông Nguyễn Lân Cường sống chan hòa với bạn bè, được rất nhiều người quý mến. Ngay cả khi biết mình mang bệnh hiểm nghèo, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan phi thường.
"Cường chỉ mới phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối khoảng 3 tháng trước khi mất, nhưng không hề bi quan. Em còn đùa rằng: "Khi nào em khỏi bệnh, em sẽ làm một cuốn sách tuyển tập với 300 người đến thăm mình". Nghe mà thương lắm", ông Lân Dũng nghẹn ngào.
Trong gia đình có 8 anh chị em, sự ra đi của ông Nguyễn Lân Cường với GS. Nguyễn Lân Dũng là một mất mát lớn.
Ông thổ lộ: "Cường là người sống thân ái, không phân biệt thân sơ, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ. Đó là một con người ưu tú, hăng hái, sống hết mình và chẳng bao giờ than phiền điều gì".
Sự ra đi của PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường là mất mát không chỉ với gia đình, mà còn với giới khoa học, nghệ thuật và giáo dục nước nhà.
Ông là minh chứng sống động cho sự đa tài, bền bỉ và tận hiến, một con người hiếm có, để lại di sản quý báu cho nhiều thế hệ sau.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường có niềm đam mê với khảo cổ học (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Khoa học cổ nhân - đam mê đến suốt đời
Từ nhỏ, ông Nguyễn Lân Cường đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, nhưng ông lại rẽ sang con đường khoa học theo định hướng của cha, bởi người anh cả trong nhà đã đi theo nghiệp nghệ thuật.
Nghe theo lời dạy của cha, ông thi đỗ vào khoa Sinh vật, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Song, tình yêu sân khấu vẫn âm ỉ cháy trong ông. Khi còn là sinh viên năm nhất, Nguyễn Lân Cường lén đăng ký thi tuyển vào đội kịch của Đoàn nghệ thuật Bộ Văn hóa và bất ngờ trúng tuyển.
Đội gồm 15 thành viên, trong đó có cả NSND Trọng Khôi, được dự kiến cử sang Liên Xô đào tạo trong 5 năm. Thế nhưng, vào phút chót, kế hoạch bị hủy bỏ. Ông quay lại giảng đường.
Sau khi tốt nghiệp ngành sinh học, ông Nguyễn Lân Cường về công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam và từ đó gắn bó trọn đời với con đường khoa học, đặc biệt là cổ nhân học - ngành nghiên cứu về dấu tích của người xưa qua di cốt và hài cốt.
Sự lựa chọn ban đầu tưởng như "an phận" ấy đã đưa ông đến với nhiều thành tựu lớn. Ông là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, chủ nhiệm nhiều đề tài cấp quốc gia, tham gia khai quật, phục chế các di hài nổi tiếng.
Với PGS.TS Nguyễn Lân Cường, khảo cổ học không chỉ là công việc khai quật và nghiên cứu những bộ di cốt khô khan, mà là hành trình sống động đi tìm lại các câu chuyện bị lãng quên - nơi mỗi bộ xương là một linh hồn cần được thấu hiểu, trân trọng và hồi sinh.
Công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tạo cơ hội cho ông tiếp cận hàng nghìn di cốt người cổ qua các cuộc khai quật. Với hơn 50 năm cống hiến cho cổ nhân học, ông đã nghiên cứu số lượng lớn di cốt người Việt cổ.
Năm 2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng vinh danh ông là Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam: 1.093 di cốt.
Tên tuổi PGS.TS Nguyễn Lân Cường gắn liền với nhiều công trình khảo cổ học lớn, tiêu biểu như di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) và các đề tài cấp quốc gia về phục chế, tu bổ tượng nhục thân thiền sư tại các chùa Đậu, Tiêu Sơn, Phật Tích...
Một trong những công trình mang dấu ấn quan trọng của ông là nghiên cứu nhục thân hai vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu.
Sau quá trình khảo sát, PGS.TS Lân Cường công bố đây là hình thức tượng táng. Năm 2003, ông đứng đầu nhóm khoa học tu bổ, giúp hai pho tượng này thoát khỏi nguy cơ xuống cấp.
Mới đây, ông tiếp tục ghi dấu ấn với nghiên cứu di cốt người cổ phát hiện tại hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, phát hiện này được xem là bước ngoặt trong khảo cổ học Việt Nam.
Những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài với công việc, phóng xe máy đến các điểm khảo cổ quanh Hà Nội.
Trong một lần chia sẻ gần đây, ông hào hứng nói về dự định xuất bản cuốn sách Lần theo dấu vết những ngôi mộ cổ - tập hợp các câu chuyện sinh động về hành trình tìm kiếm di tích, từ mộ công chúa Lý Kiều Oanh đến những lăng mộ đồ sộ khác.

Sinh thời, PGS.TS Nguyễn Lân Cường xem khảo cổ học còn là hành trình tìm về sự sống - nơi mỗi di cốt là một linh hồn cần được thấu hiểu, trân trọng và hồi sinh (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Gieo âm nhạc giữa những chuyến đi khảo cổ
Không dừng lại ở những nghiên cứu khô khan, ông thổi sự sống vào khoa học bằng cả nét cọ và nốt nhạc.
Cuốn Bộ xương người nói với bạn điều gì? - tác phẩm đoạt giải B tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024 - là minh chứng sinh động.
Không chỉ truyền tải tri thức khoa học, cuốn sách còn được ông tự tay minh họa với hơn 320 bức tranh sơn dầu, khiến những bộ xương trở nên gần gũi, mang vẻ đẹp sâu sắc và đầy tính nhân văn.
Dù sự nghiệp gắn với nghiên cứu khoa học, âm nhạc vẫn luôn là mạch ngầm chảy trong con người PGS.TS Nguyễn Lân Cường.
Năm 10 tuổi, ông được đưa sang Trung Quốc học tại Khu học xá Việt Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây. Tại đây, ông được học âm nhạc với các thầy Túc Nhân Kim (Trung Quốc) và nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nguyễn Hữu Hiếu - người đầu tiên chỉ huy dàn hợp xướng ở Việt Nam.
Trở về nước, ông nhanh chóng thể hiện năng lực âm nhạc khi chỉ huy các dàn nhạc tại Trường Lý Thường Kiệt, nơi ông gặp gỡ và kết bạn với nhạc sĩ Phú Quang.
Ngay từ năm 19 tuổi, ông đã có những sáng tác đoạt giải: Tiếng hát bản Mường, hợp xướng Tiếng ca trên bè gỗ...
Trong hơn 60 năm, ông sáng tác gần 100 tác phẩm âm nhạc, đa dạng từ hợp xướng đến ca khúc, từng đảm nhận vai trò chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony và giữ nhiều vị trí trong các hội văn học nghệ thuật.
Ông Nguyễn Lân Cường từng chia sẻ rằng, sau những chuyến đi xa đầy bụi bặm của nghề khảo cổ, được trở về Hà Nội, khoác áo đuôi tôm, cầm chiếc đũa chỉ huy và lên sân khấu phiêu cùng những bản hợp xướng là khoảnh khắc ông "được là chính mình".
Với ông, âm nhạc không phải là chốn thoát ly hiện thực, mà là không gian hòa quyện - nơi cái đẹp, dù đến từ nghệ thuật hay khoa học, đều cùng hướng về sự sống.
Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường viết nhiều ca khúc xúc động về người lính, lịch sử: Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Sau lời tuyên thệ, Cảm xúc Hoàng Thành, Bài ca về những người lính đảo…
Bên cạnh đó là nhiều bài hát thiếu nhi vui tươi, gần gũi như Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa...
"Viết cho trẻ em không dễ chút nào. Các em trong sáng, công bằng và thẳng thắn. Muốn các em hát, bài phải hay, phải đúng ngôn ngữ của các em", ông từng chia sẻ.
Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Cường luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là "một viên đá cuội nhỏ" trong núi tác phẩm âm nhạc nước nhà. Trước khi mất, ông còn ấp ủ sáng tác một bản giao hưởng về đề tài lịch sử Nguyễn Trãi.

Trong vai trò nhạc sĩ, ông Nguyễn Lân Cường đã sáng tác gần 100 tác phẩm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một người kín tiếng, sống giản dị và đa tài
Dù nổi bật trong sự nghiệp, PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường rất kín tiếng trong đời tư. Mãi đến năm 1982, khi đã 41 tuổi, ông mới lập gia đình.
Vợ ông là người giữ lửa trong nhà, chăm sóc tổ ấm để ông yên tâm công tác. Con gái đầu lòng tên Hoa Cương, chào đời đúng ngày Quốc khánh 2/9. Con trai tên Nguyễn Lân Chương theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng và hiện làm lập trình, giảng dạy tại Hà Nội. Dù không nối nghiệp âm nhạc hay khoa học, ông vẫn tự hào con trai mình mang dòng máu trí thức.
Những tháng cuối đời, ông mới phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Vì phát hiện muộn, ông không thể điều trị bằng hóa xạ trị mà chỉ áp dụng phương pháp đích.
Dù buồn vì còn nhiều dự định chưa hoàn thành, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan. Ông từng chia sẻ: "Tôi vẫn nói vui với học trò rằng, sang thế giới bên kia, tôi vẫn làm nhạc, dạy học, làm khảo cổ".
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/anh-trai-tiet-lo-ve-nhung-ngay-cuoi-doi-cua-nhac-si-nguyen-lan-cuong-20250506222036382.htm
Bình luận (0)