Các ca sĩ trẻ của Anh trai vượt ngàn chông gai trình diễn Áo mùa đông - Ảnh: BTC
Bản phối đơn giản với tiếng đàn piano làm chủ, giọng ca mộc mạc của hai ca sĩ giản dị mà dào dạt tình cảm như chiếc áo trấn thủ, chủ đề của ca khúc.
Nhiều thập niên sau, ca khúc lại có một đời sống mới khi được remix trong Anh trai vượt ngàn chông gai. Hoàn cảnh nay đã khác xưa.
Kết nối với quá khứ
Chiến tranh đã qua đi từ lâu. Bản phối mới cũng khác nhiều: mở đầu vẫn da diết nhưng khi lên cao trào thì mang chất rock đầy hào sảng. Bản nhạc cũ nhưng tinh thần là tinh thần của thời đại mới.
Dàn dựng hòa quyện giữa chất kịch nghệ cùng phong cách rock cho một bài ca cách mạng đưa tiết mục ấy trở thành một trong những tiết mục được yêu thích nhất trong chương trình âm nhạc được yêu thích nhất.
Nhiều người nói rằng chỉ cần mở tiết mục ấy lên, nghe câu đầu tiên: "Gió bấc heo may xào xạc rung cây lá lá bay, một mùa đông bao người đan áo.
Gió hút theo mây, người nào đem manh áo tới đây cho người lính đêm đông này..." là họ ngay lập tức được kết nối với một quá khứ mà họ chưa từng trải, một quá khứ đã khép lại từ lâu trước khi họ ra đời.
Nhiều người nhân dịp ấy đọc lại những câu chuyện cảm động xưa, như chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cụ Võ Liêm Sơn, chủ tịch Ủy ban trung ương Mùa đông kháng chiến, quyên tháng lương của mình để "mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi là tỏ chút lòng thành... để cho chiến sĩ khỏi lạnh lùng và đủ ấm áp để ra sức xung phong diệt địch".
Hát thứ âm nhạc đã sống một quãng đời dài hơn ta rất nhiều luôn là một thử thách lớn: làm sao để tôn trọng mà không bị lệ thuộc vào truyền thống, làm sao để sáng tạo mà không đi quá xa; liệu có bị chỉ trích là làm hỏng những nếp cũ không?
NSND Thanh Hoa và Hòa Minzy trình diễn Rừng xanh vang tiếng Ta Lư - Ảnh: T.T.D.
Từ tốn và vững chãi
Là một bản phối sát với phong cách truyền thống hơn, Rừng xanh vang tiếng Ta Lư của hai thế hệ ca sĩ NSND Thanh Hoa và Hòa Minzy trong một chương trình kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước cũng nhận được rất nhiều sự yêu thích.
Nghệ sĩ Thanh Hoa sinh năm 1950; Hòa Minzy sinh năm 1995. Một người đã trực tiếp sống trong thời kỳ chiến tranh, một người sinh ra trong hòa bình. Một giọng ca đã trải qua rất nhiều thăng trầm mà vẫn giữ được độ ngân vang và một giọng ca chưa trải quá nhiều thăng trầm nên vẫn còn tươi mới.
NSND THANH HOA - HÒA MINZY - RỪNG XANH VANG TIẾNG ĐÀN TA LƯ (CTNT HẸN ƯỚC BẮC NAM)
Những sự kết hợp như thế lúc nào cũng khiến người ta dễ cảm động bởi sự rộng lượng và mở lòng của âm nhạc - lúc nào âm nhạc cũng có chỗ để người ta gặp nhau dù khác xa đến thế nào.
Và nói đến làm mới nhạc cách mạng thì có lẽ không thể không nhắc đến Đức Tuấn với phần 2 của album Những bài ca không quên mang tên 50.
Nếu như trong Những bài ca không quên, ta từng được nghe một bản Lá xanh của nhạc sĩ Hoàng Việt được remix theo phong cách rap - nhân đôi không khí hối thúc, rạng ngời của một ca khúc vốn đã đầy niềm vui, đầy tươi sáng, đầy khích lệ thì trong 50, có lẽ bản phối đáng nhắc tới nhất là Đất nước trọn niềm vui mà Đức Tuấn kết hợp cùng Đinh Tiến Đạt.
Đức Tuấn hát Tiến quân ca
Được sáng tác vào đúng tháng 4-1975, ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hà được ghi âm đầu tiên bởi NSND Trung Kiên (mà khán giả trẻ cũng có thể nghe lại trên YouTube).
Đó là một bản ghi âm giản dị với những câu hát đầy lửa như "Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam" lại được hát với sự từ tốn và vững chãi.
Bản ghi gần đây của Đức Tuấn thì ít trữ tình, nhiều sôi nổi hơn với dàn đồng ca thể hiện sức mạnh từ phía sau, có lẽ cũng phù hợp hơn với tâm thức của một nghệ sĩ sinh ra trong thập niên 1980 khi đất nước đã thoát khỏi bom đạn chiến tranh và niềm vui có thể cất lên đầy sinh động.
Sự bùng nổ của những tiết mục nhạc cách mạng hay chiến thắng của Địa đạo ở phòng vé trong thời gian qua có thể gợi ý về một "mùa" cho những tác phẩm lịch sử trong văn hóa đại chúng, như người ta vẫn thường có những tác phẩm dịp Tết xoay quanh gia đình. Tại sao không?
Khi mà khán giả trẻ đương đại chẳng hề đứt gãy với lịch sử như vẫn thường bị chê trách, ngược lại dường như vẫn luôn mong mỏi được chạm vào âm nhạc của quá khứ, được cảm thấy hiện diện trong lịch sử, là một phần nối dài của lịch sử. 50 năm và dài hơn nữa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-hoa-minzy-va-phan-noi-dai-cua-lich-su-20250427092231357.htm
Bình luận (0)