Kết nối tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch Thái Nguyên sau sáp nhập |
Thái Nguyên - một điểm đến an toàn |
Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng. |
Trục thứ nhất là sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa lành, gồm các điểm đến như hồ Ghềnh Chè, hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, nơi con người kết nối với thiên nhiên, tìm lại sự cân bằng và bình an trong tâm hồn.
Trục thứ hai là lịch sử - tâm linh - giáo dục truyền thống, bao gồm ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn, đền Lý Nam Đế, Di tích lịch sử quốc gia TNXP Đại đội 915 - nơi lưu giữ giá trị lịch sử cách mạng, hun đúc lòng yêu nước.
Trục thứ ba là khám phá - mạo hiểm - cộng đồng, với các điểm đến như suối Cửa Tử, hang Phượng Hoàng, các làng nghề, bản làng đồng bào dân tộc thiểu số... nơi mỗi bước chân du khách có thể chạm vào bản sắc văn hóa đặc trưng, mộc mạc và chân thành của người dân bản địa.
Để có các trục định hướng phát triển du lịch phải kể đến các điểm đến quan trọng đã được quan tâm đầu tư và phát triển trong thời gian qua. Đối với sản phẩm nông nghiệp, điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch Thái Nguyên là sản phẩm trà, thương hiệu trà Thái Nguyên vươn xa ra thị trường quốc tế, giá trị của trà đã góp phần đưa du lịch Thái Nguyên lên tầm cao với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra các điểm đến nổi tiếng như hồ Núi Cốc, đáp ứng mọi mặt của du lịch, là điểm đến an toàn cho du khách để nghỉ dưỡng, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, một trong những điểm đến do tư nhân đầu tư đang thu hút lớn lượng khách trong nước là khu du lịch Dũng Tân, bản làng Thái Hải là khu bảo tồn nhà của người Tày, với nét văn hóa truyền thống được gìn giữ đến nay đã lọt vào top du lịch đẹp.
Hạ tầng du lịch Thái Nguyên có nhiều lợi thế, từ Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội... chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ đi ô tô là du khách đã có thể đến được các điểm du lịch, với lợi thế nói trên Thái Nguyên đang là điểm đến tin cậy cho du khách trong và ngoài nước.
Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đông Á, Tổng Giám đốc Khách sạn MAY PLAZA, chia sẻ: Từ kinh nghiệm thực tiễn của công ty, tôi cho rằng muốn du lịch Thái Nguyên phát triển, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm; tăng tốc, bứt phá, thích ứng mạnh mẽ sau sáp nhập.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chủ động trao đổi với các ngành chức năng để hướng dẫn, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số đến các hội viên. Điều này nhằm góp phần hiện đại hóa công tác quản lý và quảng bá du lịch.
"Mỗi doanh nghiệp, mỗi công ty du lịch là một mắt xích. Mỗi sản phẩm du lịch là một mảnh ghép. Làm du lịch phải có trí tuệ, sức bền, trung thực với giá trị sản phẩm của mình. Sản phẩm nào, giá đó. Du khách là người đánh giá và đồng hành để phát triển du lịch. Mỗi vị khách là một bóng đèn - nếu để tắt một bóng đèn thì rất khó nối lại ánh sáng đến những bóng đèn khác. Có điểm đến, có nhà đầu tư nhưng nếu không có đào tạo chuyên sâu, bài bản thì vẫn có thể thất bại. Khi dư địa đã lớn hơn, tiềm năng dồi dào hơn thì người làm du lịch càng phải cẩn trọng. Giữ được người khách thứ nhất thì mới có người khách thứ hai...” - bà Trần Nữ Ngọc Anh chia sẻ thêm.
Hồ Ba Bể, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Thái Nguyên. |
Chị Triệu Kim Xuyến, một trong những người kinh doanh du lịch tại khu vực hồ Ba Bể, bày tỏ: Sáp nhập là cơ hội để phát triển, mở ra khả năng tiếp cận các đơn vị lữ hành của Thái Nguyên, hỗ trợ người làm du lịch vùng hồ Ba Bể học hỏi cách làm mới, bài bản, có quy mô hơn.
Theo chị Xuyến, các sản phẩm du lịch chính của khu vực hồ Ba Bể hiện nay gồm: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tín ngưỡng với các điểm đến nổi bật như động Hua Mạ, đền An Mạ, thác Đầu Đẳng, động Puông, đảo Bà Góa, Ao Tiên; bên cạnh đó là du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm và phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng vùng hồ.
Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên xác định rằng để phát triển toàn diện, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú, di tích danh thắng của tỉnh Thái Nguyên mới.
Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ tổ chức ít nhất một đoàn khảo sát thực địa tại các địa phương thuộc Bắc Kạn (cũ) để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch, tìm hiểu điều kiện tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vùng miền, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, đặc trưng.
Sẽ tổ chức các chương trình kết nối tour tuyến trong nội tỉnh và giữa Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng cũng như toàn quốc; đồng thời, ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lữ hành lớn, khách sạn, nhà hàng nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường thu hút du khách đến Thái Nguyên cũng như vùng Việt Bắc.
Chú trọng quảng bá các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề truyền thống, kết hợp với giá trị văn hóa địa phương. Đây là những hướng đi được đánh giá phù hợp với xu thế du lịch hiện đại, chú trọng tính trải nghiệm, bản sắc và phát triển bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/du-lich-thai-nguyen/202507/ba-truc-phat-trien-du-lich-ben-vung-de521d8/
Bình luận (0)