ời hoạt động cách mạng của mình, ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm sâu sắc, những bài học mà ông học được từ Bác. Đặc biệt, ông Đàm cũng là người lên Hà Nội báo cáo với Bác Hồ về cuộc đấu tranh chống di chuyển máy móc. Nhân kỷ niệm 70 năm tiếp quản Vùng mỏ (25/4/1955-25/4/2025), Báo Quảng Ninh giới thiệu bài viết của ông.
Mùa xuân năm 1946 tôi được trên điều từ Bắc Giang ra khu mỏ Hòn Gai công tác. Hồi đó chính quyền cùng quân và dân khu mỏ đang tích cực đấu tranh chống những hành động phá hoại của giặc Pháp và chuẩn bị khả năng có thể Pháp sẽ gây chiến xâm lược nước ta một lần nữa. Thế rồi, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ chống giặc Pháp bùng nổ. Giặc Pháp chiếm khu mỏ Hòn Gai. Tôi được chỉ định hoạt động ở vùng hậu địch. Trong hoàn cảnh ấy, thỉnh thoảng có về khu dự hội nghị hoặc báo cáo tình hình, cũng được trông thấy Bác ở hội nghị, nhưng chưa lần nào được gặp Bác.
Năm 1954 hoà bình lập lại, khu mỏ Hòn Gai nằm trong phạm vi khu tập kết 300 ngày do Hiệp nghị Giơ-ne-vơ quy định. Lúc này, tôi là quyền Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Đặc khu Hòn Gai. Do thắng lợi của ta, Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp nghị lập lại hoà bình, bọn chủ mỏ Pháp biết rằng sớm muộn chúng sẽ phải cút khỏi nơi này. Âm mưu của chúng là trong thời gian quân đội Pháp còn tập kết sẽ di chuyển máy móc, thiết bị, phá hoại khu mỏ để gây cho ta khó khăn sau này khi về tiếp quản. Chúng cho chuyển một số máy móc mà đế quốc Mỹ mới viện trợ cho chúng đi Nam gồm máy khoan, máy xúc, xe vận tải cỡ lớn. Thấy việc làm phi pháp của chủ mỏ, anh chị em công nhân mỏ Cẩm Phả do được giáo dục, phổ biến tinh thần của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đã đấu tranh rất mạnh, buộc chúng không thể nào thực hiện được mưu đồ phá hoại và di chuyển máy móc. Tình hình lúc đó rất găng. Sau đó bọn chủ mỏ phải xin phép Chính phủ ta cho chúng chuyển đi và xin được gặp đại biểu của ta để thương lượng vì số máy móc, thiết bị đó vừa đưa sang, chưa được sử dụng, chưa thành tài sản của mỏ.
Cuộc đấu tranh giữ máy của anh chị em công nhân mỏ Cẩm Phả được Đặc khu uỷ báo cáo lên Trung ương Đảng và Chính phủ. Ít ngày sau, Đặc khu uỷ Hòn Gai nhận được bức điện của Văn phòng Trung ương Đảng, bảo tôi lên Hà Nội báo cáo trực tiếp với Bác. Nhận điện lên báo cáo với Bác, lòng tôi tràn ngập một niềm vui sướng khó tả. Công lao này, vinh dự này thuộc về anh chị em công nhân mỏ đã kiên quyết đấu tranh chống địch. Tôi được Bác gọi về Trung ương báo cáo trách nhiệm, phấn khởi cứ lẫn lộn trong tôi từ khi nhận điện, chuẩn bị tài liệu và cả quá trình từ căn cứ của Đặc khu lên Hà Nội.
Đầu xuân năm 1955, năm đó rét. Tôi từ căn cứ đạp xe ra đi. Từng đợt gió của núi rừng Đông Bắc như quất vào mặt, làm tê cóng tay chân, nhưng trong lòng thật là ấm áp, một sự ấm áp bởi tình thương và sự quan tâm của Đảng, của Bác. Trong quá trình công tác, được cấp trên giáo dục, bồi dưỡng, ý thức trong tôi về lãnh tụ đã hình thành một cách hoàn chỉnh, bản thân cũng có những trưởng thành nhất định. Tôi hiểu rằng Bác và Trung ương gọi lên báo cáo, không phải chỉ vì mấy cái máy của bọn chủ mỏ. Tôi cũng mang máng thấy được tầm quan trọng của vấn đề quan hệ giữa ta và Pháp sau này cho nên Bác mới cho gọi và cũng thấy lo lắng.
Vào khoảng hơn 5 giờ chiều, tôi đến Phủ Chủ tịch (nơi mà tên toàn quyền Đông Dương ở ngày xưa, nay là nhà khách của Bác và Chính phủ). Lúc đó cũng chẳng có giấy giới thiệu như bây giờ, mà tôi chỉ đưa bức điện của Văn phòng Trung ương cho đồng chí bảo vệ. Thế là tôi được vào. Đồng chí bảo vệ đưa tôi đi qua Phủ Chủ tịch, đến gần một ngôi nhà nhỏ thì tôi đã trông thấy Bác ngồi trên chiếc ghế dài dưới gốc một cây cổ thụ, có cả đồng chí Phạm Văn Đồng. Lòng tôi hồi hộp. Tôi đang đi đến nơi Bác. Tôi cố gắng bình tĩnh để chào Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí Phạm Văn Đồng bắt tay tôi giới thiệu với Bác. Bác bảo báo cáo luôn tình hình dưới mỏ.
Nghe tôi báo cáo xong, Bác khen ngợi tinh thần đấu tranh của anh chị em công nhân mỏ và cho một số chỉ thị. Bác căn dặn: Phải bảo vệ tất cả tài sản của mỏ, không để cho địch mang đi, để đến khi ta về tiếp thu có thể sản xuất được ngay. Thái độ đối với Pháp cần mềm dẻo, có tranh thủ, nhưng không nhân nhượng. Những thứ họ xin chuyển đi, Chính phủ sẽ có chỉ thị sau nhưng không được để cho chúng phá hoại ta. Phải đề cao cảnh giác. Phải bảo vệ ngay cả đội ngũ công nhân, không cho chúng cưỡng ép anh chị em đi vào Nam.
Nói xong, Bác hỏi tôi: "Chú còn ý kiến gì nữa không?". Tôi thưa: "Cháu xin thi hành chỉ thị của Bác". Bác bảo: "Thôi, chú về nghỉ". Đấy là lần đầu tiên được ngồi bên Bác, báo cáo với Bác và nghe Người chỉ thị. Thời gian chỉ khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng sao nó nhanh thế. Tôi chào Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng rồi về nơi nghỉ của Văn phòng Trung ương, trong lòng rất phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời lại được Bác chỉ thị trực tiếp những việc cần làm sau này.
Về căn cứ Đặc khu Hòn Gai, tôi triệu tập hội nghị Đặc khu ủy phổ biến chỉ thị của Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng. Chính phủ ta đồng ý cho chủ mỏ Pháp được chuyển những máy móc thiết bị họ xin, còn các thứ khác ta phải bảo vệ bằng được. Chỉ thị của Bác được phổ biến đến tận cơ sở. Phong trào đấu tranh lại được dấy lên mạnh mẽ hơn, sôi nổi, lan rộng đến các tầng lớp nhân dân lao động, vừa chống địch phá hoại, vừa chống địch cưỡng ép di cư. Nhờ đó, khi chính quyền ta vào tiếp quản, ta chỉ phải sửa lại một số máy móc, như trục nguội ở Cẩm Phả và công việc sản xuất than lại tiếp tục sau hai ngày tiếp quản thành phố. Anh chị em công nhân khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả lại một lần nữa giáng vào đầu bọn thực dân chủ mỏ Pháp nói láo rằng: “Ít ra cũng phải 20, 25 năm nữa người Việt Nam mới đào được than”. Kết quả to lớn đó có được chính là do có Bác chỉ đường.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/bac-ho-chi-thi-cho-cong-viec-sau-tiep-quan-3349156.html
Bình luận (0)